Mô hình thí điểm dạy nghề nông dân: Dạy nghề để tạo vùng chuyên canh

19/09/2011

Tới tháng 9.2011, đã có hàng trăm lớp dạy nghề theo 3 mô hình thí điểm được mở trong cả nước. Đây là những “hạt nhân” về cách thức tổ chức, liên kết tạo việc làm để nhân rộng trong thời gian tới.

Dạy nghề để xây dựng làng nghề mới
Điển hình của mô hình này là lớp đào tạo gò thúc tranh đồng để cấy nghề tại Nam Định, Đồng Nai. Ông Nguyễn Tấn Thỉnh- nghệ nhân nghề đúc đồng- người tổ chức mở lớp cho hay, lớp học gồm 40 người từ Nam Định, Đồng Nai về Hà Nội học.
Lao động học nghề hàn tại Thái Nguyên.
 
Được sự hỗ trợ kinh phí theo Quyết định 1956/QĐ-TTg, các em được lo ăn ở, đi lại trong suốt 3 tháng học nghề tại Hà Nội. Kết quả khá khả quan khi 12/12 học viên ở Nam Định sau khi tốt nghiệp đã thành lập tổ sản xuất tranh đồng tại thị trấn Ngô Đồng (huyện Giao Thuỷ) và chủ động góp vốn đầu tư.
“Hiện nay, việc đầu tư nhà xưởng và dụng cụ đã hoàn tất, xưởng đã đi vào hoạt động. Lương trung bình của người lao động từ 1,5 – 1,8 triệu đồng/tháng. Chúng em được thầy Thỉnh hỗ trợ nguyên liệu, mẫu mã và bao tiêu sản phẩm”- anh Nguyễn Vũ Nam, chủ xưởng nói.
Tại Đồng Nai, cách làm bài bản hơn: Trung tâm Dạy nghề huyện Định Quán đứng ra xây dựng xưởng sản xuất nghề đồng tại xã La Ngà. Sau đó, trung tâm đưa học viên ra Hà Nội học nghề và tiếp nhận 70% học viên đã tốt nghiệp vào làm việc. Xưởng bắt đầu hoạt động từ tháng 6.2011. Hiện nay, lương trung bình của người lao động từ 2 – 3,5 triệu đồng/tháng. Cơ sở sản xuất đã chủ động được thị trường cho sản phẩm đầu ra.
Ông Ngô Phan Anh Tuấn - Giám đốc Trung tâm cho hay: “Mô hình xưởng sản xuất đồng thời cũng là mô hình mẫu để những người học nghề được học từ kỹ thuật nghề tới tổ chức sản xuất. Hy vọng xã La Ngà sẽ hình thành được làng nghề đúc đồng mới”.
Một mô hình điểm khác thực hiện việc giữ gìn và phát triển nghề là lớp học nghề làm tăm hương, chổi chít tại xã Mông Hóa (huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hoà Bình). Các lớp học ở đây được học nghề theo quy trình chuẩn do Công ty TNHH Mai Bình đứng ra tổ chức.
Bà Trương Thị Bình - Giám đốc Công ty chia sẻ: “Công ty đã đặt cây giống và cam kết bao tiêu sản phẩm, tiếp tục hỗ trợ bà con trong quá trình sản xuất”. Đặc biệt, 10 học viên đã thành lập tổ sản xuất được Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay tổng cộng 150 triệu đồng để mua thiết bị sản xuất, xưởng sản xuất đặt tại nhà tổ trưởng và dành quỹ đất để trồng thí điểm nguyên liệu sản xuất.
Tạo vùng chuyên canh, vùng nghề đặc thù
Đây là mô hình dạy các nghề trồng cây công nghiệp như chè, thuốc lá, sắn, mía... 90% học viên hành nghề sau đào tạo (có xác nhận của xã). Ông Cao Văn Sâm - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề thống kê: Trong năm 2011, cả nước đã hoàn thành 310 lớp nối tiếp của năm 2010 cho khoảng 10 nghìn người. “Sản phẩm được bao tiêu 100% bởi chính các doanh nghiệp đứng ra tổ chức dạy nghề theo cả một quá trình sinh trưởng”- ông Sâm nói.
Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo T.Ư thực hiện Quyết định số 1956, xu thế lao động nông thôn học nghề phi nông nghiệp tăng. Ngoài việc được dạy các kỹ năng nghề, một số lớp các học viên còn được trang bị các kiến thức về khởi sự doanh nghiệp, các kỹ năng “mềm” khác như bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình; tạo dựng các quan mối quan hệ cộng đồng, làng xóm.
Hiện tại, Tổng cục Dạy nghề và các tổng công ty đang ứng dụng kết quả của mô hình này vào các cây chuyên canh khác như bông, cao su, cà phê… Ngoài ra, các tỉnh thành cũng phối hợp với Tập đoàn Dệt may, Tập đoàn Điện lực mở 38 lớp dạy nghề với 1.140 người.
Ngoài trồng cây chuyên canh, một số lớp thí điểm do Bộ NNPTNT, TP.Hải Phòng và tỉnh Thanh Hóa còn tổ chức khảo sát và lập kế hoạch đào tạo thí điểm nghề khai thác, đánh bắt xa bờ và vận hành, sửa chữa máy tàu cá. Đây là các lớp học khá đặc thù, cung cấp kỹ năng nghề cần thiết cho ngư dân ra khơi. Chỉ trong vòng 9 tháng, đã có 15 lớp được mở và đào tạo nghề cho 385 người.
Theo Nông thôn ngày nay

Tin khác