Cuối tuần qua, tại Hội nghị tổng kết đầu tư (giai đoạn 1) xây dựng Khu nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) TP.HCM tại huyện Củ Chi, BQL đã khẳng định kết quả đạt được từ thực tế các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ tiên tiến và bắt đầu chuyển giao hiệu quả cho các địa phương…
|
Sản phẩm hoa lan trồng trong Khu NNCNC TPHCM
|
Theo BQL Khu NNCNC TP.HCM, đến nay đã có 14 dự án được chấp thuận đầu tư với tổng diện tích là 56,8ha (100% diện tích cho thuê), tổng vốn đầu tư hơn 452 tỷ đồng (bình quân khoảng gần 8 tỷ đồng/ha); trong đó có 12 dự án đã được cấp giấy phép chứng nhận đầu tư.
Hiện đã có 7 nhà đầu tư đang triển khai dự án, đó là Cty CP Đầu tư và Phát triển Nhiệt Đới (hơn 90 tỷ đồng và hơn 20 ha), Cty TNHH Rau sạch Việt Thụy Phát, Cty TNHH Chánh Phong, Cty TNHH Nấm Trang Sinh, Cty TNHH Việt Quốc Thịnh, Cty CP Sinh học Trường Xuân, Cty TNHH Cuộc Sống Tốt Lành.
Các nhà đầu tư vào trong khu NNCNC đều ứng dụng công nghệ cao và tập trung chủ yếu vào sản xuất các loại giống rau nhiệt đới với tổng vốn đầu tư của 7 đơn vị trên là 123,7 tỷ đồng (đạt 41,7% so với mức đầu tư đăng ký). Ông Trần Phước Dũng, Trưởng BQL khu NNCNC TP.HCM cho biết, trong quá trình triển khai dự án đã có nhiều nhà đầu tư nước ngoài đến khảo sát và có ý định tham gia vào đây. Tuy nhiên, do diện tích dự án “quá mỏng” nên không thể đáp ứng nhu cầu cho các “nhà đầu tư ngoại”.
Cũng theo ông Dũng, trong quá trình triển khai thực hiện dự án TP đã có 3 lần điều chỉnh để phù hợp với mục tiêu và nhiệm vụ của Khu NNCNC. Đến nay, đã có 21/22 gói thầu của dự án đã được triển khai (trừ gói thầu xử lý nước thải, BQL Khu không phải thực hiện do không có nguồn nước thải để xử lý). Trong khu hiện hữu đã đạt hơn 98% khối lượng công việc theo kế hoạch và BQL đang khắc phục mọi khó khăn nhằm đảm bảo cho dự án thực hiện kịp tiến độ.
Phát biểu tại buổi tổng kết, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Minh Trí khẳng định: Thế mạnh của TP.HCM là trung tâm khoa học công nghệ và có đội ngũ nhà khoa học tâm huyết với ngành, tiếp cận công nghệ cao để tạo ra cây con giống chuyển giao cho các địa phương ứng dụng đáp ứng nhu cầu nội tiêu và xuất khẩu. Thành phố cũng sẽ đẩy nhanh tốc độ và tập trung đầu tư các dự án khác như xây dựng Trung tâm Công nghệ sinh học TP.HCM (Q.12) và xây dựng Trung tâm triển lãm sản phẩm nông nghiệp (huyện Củ Chi).
Theo ông Trí, BQL cần tính toán việc đào tạo và thu hút nguồn nhân lực, mở rộng và phát triển Khu NNCNC (giai đoạn 2011-2015) sang các ngành kinh tế kỹ thuật khác như thủy sản, chăn nuôi… Thành phố sẽ xem xét tháo gỡ và hỗ trợ cho việc phát triển nông nghiệp đô thị, ứng dụng công nghệ cao và hợp tác với các tỉnh phía Nam. Thậm chí sẽ còn mở rộng liên kết sang các nước trong khu vực như Lào, Campuchia.
Theo Nông nghiệp Việt Nam
Nguồn:http://nongnghiep.vn/nongnghiepvn/vi-VN/61/158/2/2/2/83908/Default.aspx