Xây dựng nông thôn mới: Dân có hiểu, việc mới thành

19/09/2011

Tại các địa phương, phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM) đang được triển khai khá rầm rộ, song ở mỗi địa phương đều có những cách riêng xây dựng NTM.

Dẫu vậy, tất cả đều chung một nhận định: Nếu muốn xây dựng NTM thành công, phải làm để cho dân hiểu rõ hơn về chương trình này.
Hiến đất làm đường, xây mương giữa ruộng
Nói về Chương trình xây dựng NTM, ông Trần Văn Bách - Giám đốc Sở NNPTNT Ninh Bình nhận xét một câu: Dân chưa thấm đâu! Ông Phạm Quỳnh Ngọc - Chủ tịch UBND huyện Yên Khánh (Ninh Bình) thì thổ lộ: "Khi nói xây dựng NTM, ban đầu nhiều người hiểu đây là dự án lớn do Nhà nước đầu tư, cứ đăng ký là được xây dựng tất cả 19 tiêu chí. Nhưng khi hiểu ra mọi người mới vỡ lẽ chuyện xây dựng NTM không hề đơn giản".
Một con đường ở Yên Khánh (Ninh Bình) do người dân hiến đất xây dựng.
 
Trực tiếp dẫn chúng tôi đến xã Khánh Thành, 1 trong 4 xã điểm ở huyện Yên Khánh và cũng là 1 trong 25 xã điểm của tỉnh, ông Trần Văn Hà - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tâm đắc nhất là chuyện người dân hiến đất, "chung tay" xây dựng NTM. Đặc biệt hơn là những con mương được quy hoạch, xây ở giữa ruộng, nhằm đón trước việc mở rộng đường giao thông nội đồng, phục vụ sản xuất hàng hóa về sau này.
Ông Phan Văn Tuệ - Trưởng xóm 7, xã Khánh Thành hào hứng cho biết: "Có 14/16 gia đình đã tự nguyện hiến đất, có trường hợp hiến tới 30m2 đất cho dự án làm đường. Việc người dân "góp đất" làm đường, còn Nhà nước hỗ trợ về xây dựng cơ bản đã góp phần làm đẹp bộ mặt nông thôn của xã, thôn”.
“Khi nói xây dựng NTM, ban đầu nhiều người hiểu đây là dự án lớn do Nhà nước đầu tư, cứ đăng ký là được xây dựng tất cả 19 tiêu chí. Nhưng khi hiểu ra thì mọi người mới vỡ lẽ chuyện xây dựng NTM không hề đơn giản.” - Ông Phạm Quỳnh Ngọc - Chủ tịch UBND huyện Yên Khánh, Ninh Bình
Ninh Bình hiện có 123 xã, trong đó có 55 xã miền núi, 62 xã đồng bằng và 6 xã ven biển. Về tiêu chí NTM, thì mới có 4 tiêu chí cơ bản đạt được, 7 tiêu chí mới đạt được từ 50 - 80% và con số khá lớn là 8 tiêu chí quan trọng đạt dưới 50% là: Quy hoạch, giao thông, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, chợ nông thôn, thu nhập, hộ nghèo và môi trường. Đây lại là những lĩnh vực khó khăn nhất, cần đầu tư nhiều nhất, trong lúc đó kinh phí quá eo hẹp. Giai đoạn 1 tỉnh Ninh Bình trích 40 tỷ đồng để xây dựng điểm ở 25 xã.
Chậm mà chắc
Mặc dù còn có một số khó khăn, nhưng Thái Nguyên vẫn quyết tâm từ nay đến 2015 sẽ xây dựng được 24% số xã đạt NTM (tức 35/143 xã), 40% số xã còn lại cơ bản đạt các tiêu chí về nông thôn mới, các xã còn lại đều phải phấn đấu đạt một số tiêu chí NTM để tạo tiền đề xây dựng nông thôn mới đến năm 2020.
Đến nay, tỉnh Thái Nguyên đã điều tra toàn bộ hiện trạng nông thôn. Song, ông Đặng Viết Thuần - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên cho rằng, có một số chỉ tiêu vẫn còn hơi mập mờ. Đơn cử như chỉ tiêu đường giao thôn nông thôn, theo kết quả điều tra, mới chỉ có 1% số xã đạt chỉ tiêu, còn những xã khác đều chưa đạt.
Tuy nhiên, kết quả điều tra ấy lại chưa chỉ ra được là các xã ấy có bao nhiều đường, số chưa đạt là 1 hay 10km... "Đây là một tiêu chí rất quan trọng, nếu chưa xác định được cụ thể, việc xây dựng nông thôn mới sẽ mang tính hình thức tương đối nhiều" - ông Thuần nhận định.
Với quan điểm "làm chậm mà chắc", tỉnh Thái Nguyên đang tiến hành tổng hợp tình hình kinh tế - xã hội của xã theo báo cáo chính trị họp Đại đại hội Đảng vừa rồi để tổng hợp ra biểu quyết của tất cả các xã. Công việc này tuy mất nhiều thời gian, công sức, nhưng làm chậm thì sẽ chắc. Bởi, khi đã rõ những mặt được, chưa được trong bản báo cáo cũng như thực tế nông thôn ở các xã thì lúc đó mới nâng cao trách nhiệm của cán bộ cấp cơ sở được.
"Trong định hướng của Thái Nguyên, chúng tôi cho rằng, xây dựng nông thôn mới không chỉ ở yếu tố vật chất, mà còn cả những yếu tố phi vật chất nữa, hay nói nôm na là không cần tiền hoặc cần ít tiền. Chẳng hạn, như xây dựng nâng cao ý thức cộng đồng, bảo vệ môi trường..." - ông Thuần nhấn mạnh.
Theo Nông thôn ngày nay

Tin khác