Muối Sa Huỳnh: Nghịch cảnh với thương hiệu

19/09/2011

Sa Huỳnh không chỉ là địa danh nổi tiếng trong và ngoài nước với di chỉ khảo cổ học được nhà khảo cổ học người Pháp M.Vinet phát hiện từ năm 1909, mà đây còn là vựa muối lớn của miền Trung.

Ngày 17.9 vừa qua, xã Phổ Thạnh và huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi) đã công bố nhãn hiệu cho loại sản phẩm này. Tuy nhiên,  557 hộ diêm dân Sa Huỳnh thì đang méo mặt vì... muối ế.

Ế ẩm vựa muối

Sa Huỳnh hiện có 113 hécta muối với 557 hộ diêm dân tham gia sản xuất muối. Từ thế kỷ 19, cánh đồng muối Sa Huỳnh đã hình thành và người dân duy trì nghề truyền thống này suốt 200 năm nay. Mỗi năm, đồng muối Sa Huỳnh cung cấp cho thị trường khoảng 8 ngàn tấn muối. Do đặc thù của địa lý vùng này - tiếp giáp với dãy Trường Sơn và các khu căn cứ kháng chiến - cánh đồng muối này cung cấp muối chủ yếu cho cả khu vực Trung và Nam Trung Bộ thời chiến tranh.

Sau ngày giải phóng, muối Sa Huỳnh vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp muối cho các huyện vùng cao của tỉnh Quảng Ngãi và bắc Bình Định. Tuy nhiên, những năm gần đây, diêm dân Sa Huỳnh điêu đứng với sản phẩm do mình làm ra. Suốt 3 năm nay, giá muối vẫn “ổn định” ở mức 500-600đ/kg. Đã vậy, 4 ngàn tấn muối vẫn không bán được, được diêm dân chất thành “núi” ven đường sắt  và đợi ngày... trả lại biển.

Đứng trước thực trạng muối ế triền miên này, năm 2006, tỉnh Quảng Ngãi đã đầu tư trên 5 tỉ đồng để xây dựng một nhà máy sản xuất muối tinh ngay giữa đồng muối. Hàng trăm hộ diêm dân rất phấn khích trước thông tin này. Tuy nhiên, muối Sa Huỳnh vẫn tiếp tục ế ẩm vì nhà máy sản xuất muối tinh “chê” muối Sa Huỳnh có nhiều tạp chất, họ vô tận Bình Định, Bình Thuận để mua muối về tinh luyện.

Thương hiệu mà làm gì!

Đúng là muối Sa Huỳnh có lẫn nhiều tạp chất vì diêm dân còn sản xuất muối  ở dạng thủ công. Họ làm nền bằng đất rồi tháo nước biển vô, nắng bốc hết hơi nước, còn lại muối. Cào lớp muối này lên, dĩ nhiên là có lẫn với đất. Để cải thiện tình trạng này, nhiều hộ diêm dân đã vay mượn ngân hàng để làm nền bằng  ximăng với hy vọng sẽ có muối sạch, tiêu thụ dễ dàng. Thế nhưng, 7 hécta được tráng nền ximăng này muối vẫn cứ ế. Nhà máy sản xuất muối tinh Sa Huỳnh, sau 2 năm hoạt động, giờ đã “đứng bánh” được 3 năm rồi.

Mặc dù nhà máy sản xuất muối tinh tạm dừng hoạt động, nhưng chính quyền xã Phổ Thạnh vẫn hy vọng vào việc tiêu thụ “muối sạch” cho diêm dân trong những năm tới. Họ đã vận động 96 hộ diêm dân vay số tiền 1,9 tỉ của Ngân hàng Chính sách với lãi suất 0,6%/năm. Tuy nhiên, theo ông Trần Ngọc Thạch ở HTX Muối 2 thì, “tiền đã về nhưng nhiều người không dám vay vì sợ bán muối không được, lại thêm nợ nần”. Vậy thì công bố nhãn hiệu liệu có ích gì? Ông Nguyễn Kỳ - Chủ tịch UBND xã Phổ Thạnh - nói: “Động thái này là cơ sở để tiến tới đăng ký bản quyền thương hiệu muối Sa Huỳnh trong tương lai. Chúng tôi hy vọng là Nhà nước sẽ có chính sách hỗ trợ về giá muối hoặc bao tiêu sản phẩm cho diêm dân”. Cũng chỉ là hy vọng thế thôi, chứ rất khó để cứu diêm dân vì mặc dù cả nước đang  thừa cả hàng trăm ngàn tấn muối niên vụ này, nhưng Bộ Công Thương vẫn chứ cấp quota cho các doanh nghiệp nhập muối. Ngay trong tháng 9.2011 này, sẽ có 50.000 tấn muối nhập vào VN thì diêm dẫn vẫn tiếp tục ngắc ngoải thôi.
Theo LĐO

Nguồn:http://www.kinhtenongthon.com.vn/Story/kinhte-thitruong/2011/9/30287.html


Tin khác