Tình trạng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu giả mạo bán trên thị trường đang có chiều hướng gia tăng gây ảnh hưởng lớn đến nhành nông nghiệp, thu nhập của người nông dân và đặc biệt tàn phá môi trường sinh thái.
Đó là nhận định của Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Bùi Bá Bổng trong buổi Hội thảo về “Thuốc bảo vệ thực vật bất hợp pháp” do CropLife Vietnam tổ chức chiều 12/9 tại TP.HCM.
Theo thanh tra Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và PTNT, tình trạng sản xuất, kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật (TBVTV) bất hợp pháp gia tăng đáng báo động kể từ năm 2008 trở lại đây. Đặc biệt, trong năm 2010 và sáu tháng đầu năm 2011, hiện tượng buôn bán TBVTV giả có chiều hướng tăng lên. Năm 2010 có 34 trường hợp (chiếm 1,42%) buôn bán thuốc giả (chủ yếu là ở phía Nam), 6 tháng đầu năm 2011 có 17 trường hợp (chiếm 2,11%), hiện tượng sản xuất, kinh doanh thuốc có nội dung nhãn thuốc không đúng quy định vẫn còn nhiều chiếm 20% số trường hợp vi phạm. Hành vi vi phạm chủ yếu là ghi thừa đối tượng phòng trừ, không ghi hoặc ghi không rõ ràng tên, địa chỉ nhà sản xuất, ghi không đúng thời gian cách ly, chữ trên nhãn quá nhỏ không đúng quy định,…
Phát biểu tại hội thảo, bà Phùng Thị Mai Vân, Phó chánh thanh tra Cục Bảo vệ thực vật cho biết, hàng năm lực lượng thanh tra phát hiện và phạt gần 3.000 trường hợp vi phạm về kinh doanh, sản xuất thuốc bảo vệ thực vật bất hợp pháp với số tiền gần 2 tỉ đồng mỗi năm. Riêng trong 2008 và 2009 là 4 tỉ đồng/năm Trong đó, có đến 40% số vụ vi phạm về sản xuất thuốc bất hợp pháp, kinh doanh thuốc cấm, thuốc giả các loại thuốc có thương hiệu, thuốc không đạt chất lượng, vi phạm nhãn mác, không rõ nguồn gốc...
Theo bà Vân, để ngăn chặn tình trạng vi phạm về sản xuất, kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật bất hợp pháp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang xây dựng Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật. Luật đang được lấy ý kiến các ngành, dự kiến ban hành vào năm 2013. Ngoài ra, bộ cũng đang soạn thảo một loạt văn bản khác có liên quan như Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong bảo vệ và kiểm dịch thực vật, dự kiến năm 2012 sẽ ban hành. Xây dựng chiến lược quốc gia và bảo vệ thực vật, đánh giá và phân loại các cơ sở sản xuất thuốc bảo vệ thực vật trên cả nước để quan lý chặt hơn.
Được biết, hiện nay cả nước có 93 nhà máy sản xuất, đóng chai thuốc bảo vệ thực vật các loại, với khoảng 28.750 đại lý phân phối thuốc bảo vệ thực vật trên cả nước. Do vậy, ngành BVTV cần tăng cường kiểm tra, giám sát để tránh tình trạng sản xuất, kinh doanh TBVTV bất hợp pháp, góp phần phát triển ngành nông nghiệp nước nhà đồng thời đưa nông sản Việt Nam ra thị trường thế giới ngày một nhiều hơn.
Theo Kinh tế nông thôn
Nguồn:http://www.kinhtenongthon.com.vn/Story/xahoi/2011/9/30198.html