Cá tra phải mạnh từ con giống

08/09/2011

Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp do Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư quốc gia vừa tổ chức tại Đồng Tháp đã đưa vấn đề sản xuất giống cá tra chất lượng cao ra bàn khảo.

Sản phẩm cá tra XK hiện đang tăng hơn cùng kỳ năm trước (đến tháng 7 tăng 19,4%), nếu đủ nguyên liệu, dự kiến cả năm có thể đạt kim ngạch 1,6 tỷ USD so với mức 1,45 tỷ USD của năm cao nhất (2008). Tuy nhiên, hiện nay khoảng 35% các hộ nuôi ở 7 tỉnh trọng điểm vùng ĐBSCL vẫn đang treo ao vì không lãi hoặc lãi rất ít. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện trạng này: giá thức ăn thủy sản đã tăng đến 40% so với đầu năm; giữa người nuôi và nhà máy chưa có sự liên kết chặt, các DN xuất khẩu cạnh tranh hạ giá.
Ông Dương Nghĩa Quốc, GĐ Sở NN-PTNT Đồng Tháp cho biết: Thời gian nuôi và thu hoạch cá trước đây chỉ từ 5,5 - 6 tháng, nay phải kéo dài đến 8 tháng con cá mới đạt chuẩn 1kg, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu. Nguyên nhân chính bắt đầu từ chất lượng con giống cá tra, cho nên tỉnh rất muốn nông dân cần nuôi theo liên kết dọc để có thể đứng vững khi giá cá xuống thấp, còn thức ăn, chi phí khác tăng vọt.
TS Phạm Văn Khánh, Giám đốc Trung tâm quốc gia giống thủy sản nước ngọt Nam bộ (Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II) cho biết: Đến cuối năm 2009, tại 7 tỉnh trọng điểm nuôi cá tra có khoảng 160 trại và cơ sở sản xuất nhân tạo cá tra bột, với tổng diện tích hơn 700 ha, trong đó 80% ở tại An Giang, Đồng Tháp. Sự phát triển sản xuất cá bột rất nhanh và nhiều nhưng thiếu quy hoạch từ vùng nuôi. Từ 2007-2009 toàn vùng sản xuất 12-15 tỷ con cá bột nhưng chỉ ương nuôi ra thành 1,8-2 tỷ con cá giống là một tỷ lệ quá thấp, làm đội giá thành cá thương phẩm.
Tình trạng phát triển tự phát này do không có sự quản lý về đàn cá bố mẹ. TS Phạm Văn Khánh, người được xem như là tác giả công nghệ cho cá tra sinh sản nhân tạo, cho biết đàn cá tra bố mẹ và hậu bị rất “hùng hậu”, với khoảng 130.000 cá hậu bị và 150.000 con bố mẹ. Tuy nhiên cá tra bố mẹ lại được chọn chủ yếu từ các ao nuôi thương phẩm, hầu hết các cơ sở sản xuất ít quan tâm đến yếu tố di truyền, đã sử dụng cho lai không kiểm soát qua nhiều thế hệ, dễ dẫn đến cận huyết. Chế độ nuôi vỗ cá bố mẹ cũng chưa được quan tâm theo đúng quy trình kỹ thuật, tỷ lệ cá đực thấp hơn đàn cái từ 1-5 lần. Những điều này dẫn đến hiệu số thành thục của cá tra cái chỉ đạt mức trung bình 7-8%. Cộng thêm sự lạm dụng kích dục tố đã dẫn đến đàn cá bột tuy có nhiều nhưng không khỏe.
TS Dương Nhựt Long, Trưởng bộ môn Kỹ thuật thủy sản nước ngọt – Khoa thủy sản trường ĐH Cần Thơ cho biết: ĐBSCL có 5.775 cơ sở vừa và lớn sản xuất cá tra giống chiếm khoảng 2.000 ha phục vụ cho trị trường, trong đó chỉ có ¼ cơ sở sản xuất giống đạt chất lượng cao được quản lý tốt, số cơ sở còn lại sản xuất theo dạng trôi nổi khó kiểm soát. Cá bột phải được ươm thành cá giống, cung cấp giống nuôi thương phẩm gần 2 tỷ con/năm. Các trại ương cũng phát triển tự phát, chỉ có 62% lấy nước từ sông lớn với 72% có cống trực tiếp. Ương giống như vậy phụ thuộc rất lớn vào nguồn nước có sẵn, không quản lý chất lượng nước nên dịch bệnh xảy ra rất khó xử lý. Mật độ thả cá bột ương giống cao gấp nhiều lần tiêu chuẩn ngành nên tỷ lệ sống tính chung đạt thấp hơn 12%.
Theo ông Long, để cá tra phát triển mạnh trong tương lai cần vận dụng nhiều giải pháp kỹ thuật đồng bộ, nông dân được tập huấn nuôi thủy sản, ứng dụng triệt để trong chăn nuôi thủy sản, kiểm soát và điều tiết chất lượng nước, thả nuôi cá mật độ phù hợp, hệ số thức ăn đúng về chất lượng đủ cả về số lượng… góp phần hạn chế rủi ro nâng cao chất lượng sản phẩm và mang lại hiệu quả lợi nhuận cao cho cả vùng ĐBSCL.
Nhiều doanh nghiệp và những nhà quản lý cho rằng để tháo gỡ những rối rắm của ngành cá tra hiện nay thì cần phải tổ chức mô hình liên kết dọc, bao gồm: nhà máy, cơ sở ương nuôi, cơ sở dịch vụ thú y thủy sản, con giống, ngân hàng, công ty bảo hiểm, tổ chức chứng nhận... Bộ NN-PTNT đã quy hoạch vùng nuôi thương phẩm thì giờ đây phải cấp thiết quy hoạch vùng nuôi cá bột, cá giống để giúp người nuôi giảm tối đa về giá thành và tăng năng suất theo ý muốn.
Theo điều tra từ các tỉnh có nuôi cá tra, chỉ có 35% hộ nuôi thương phẩm nhận con giống từ Trung tâm sản xuất giống hoặc các cơ sở sản xuất lớn, 12,6% tự ương, nuôi, 28% là giống trôi nổi không biết xuất xứ và nguồn gốc. Dịch bệnh trên cá tra nuôi do vậy ngày càng diễn biến phức tạp, làm thiệt hại nghiêm trọng cho nghề nuôi. Năm 2009 Trung tâm nghiên cứu và sản xuất giống thủy sản tỉnh An Giang đã nhập 6,3 tấn cá hoang dã từ thiên nhiên Campuchia và 2.800 con cá bố mẹ hậu bị từ Viện NCNTTS II để cải thiện di truyền trên đàn cá tra giống của tỉnh. Tuy nhiên do thị trường cá giống tràn lan, giá rẻ nên loại cá giống “chính thống” vẫn không chiếm ưu thế được. Cá giống bán hiện tại chỉ còn từ 600-630 đồng/con, thấp hơn một nửa so với đầu 2010.
Như vậy phải có sự quản lý chặt chẽ hơn về chất lượng cá tra giống. Trước hết phải chuẩn hóa đàn bố mẹ, cho đánh dấu từng cá thể để dễ dàng nhận dạng và truy xuất nguồn gốc, vì có cá bố mẹ mạnh mới có con giống mạnh. Bộ NN-PTNT và UBND từng tỉnh phải hỗ trợ mở rộng thêm nhiều cơ sở ương giống quy mô lớn tại các vùng nguyên liệu chính để cung cấp nuôi thương phẩm, hạn chế hao hụt do vận chuyển xa. Nhà nước cần đầu tư các trung tâm kiểm nghiệm tại các tỉnh có diện tích nuôi lớn để kiểm tra, giám sát chất lượng cá tra, quan trắc và cảnh báo môi trường bệnh cá.
Theo Nông nghiệp Việt Nam

Nguồn:http://nongnghiep.vn/nongnghiepvn/vi-VN/61/158/2/20/20/57473/Default.aspx


Tin khác