Sản xuất ngô bền vững vùng Tây Bắc

08/09/2011

Ở Việt Nam diện tích trồng ngô năm 2010 đạt hơn 1,1 triệu ha, năng suất bình quân 41 tạ/ha, tổng sản lượng 4,6 triệu tấn với bộ giống ngô lai chiếm hơn 90%.

Tuy nhiên năng suất này vẫn còn thấp hơn năng suất trung bình của thế giới (51,6 tạ/ha), của Trung Quốc (55,5 tạ/ha) và thua xa so với nước Mỹ (96,5 tạ/ha). Thực tế là hàng năm Việt Nam vẫn phải nhập khẩu hơn 1 triệu tấn ngô (chủ yếu là giống biến đổi gen) về làm thức ăn gia súc.
 Nhu cầu về ngô cho chăn nuôi ngày càng tăng mạnh, do đó dự báo giá của nông sản này vẫn sẽ còn tăng. Tây Bắc là một thủ phủ ngô thuộc hàng quan trọng tốp đầu của Việt Nam với diện tích khoảng 214.000ha. Đất đai của Tây Bắc khá phù hợp với loại cây trồng này. Trong bối cảnh nông sản đang lên giá vùn vụt đã khiến cây ngô ở Tây Bắc vài năm gần đây tăng trưởng rất nóng. Ngô chạy tít tắp lên những đỉnh đồi, đỉnh núi. Ngô cạo trọc những cánh rừng nguyên sinh lẫn thứ sinh. Ngô bò cả lên đất có độ dốc đáng kinh ngạc, trên 25 độ.
Canh tác ở độ dốc cao, phụ thuộc nước trời, ít thâm canh không chỉ khiến năng suất ngô bình quân cả vùng Tây Bắc chỉ mèng mèng khoảng 37 tạ/ha mà còn khiến cho môi trường của cả vùng bị ảnh hưởng, đất đai bị rửa trôi với tốc độ cực nhanh. Thêm vào đó nông dân ở đây còn có thói quen sau mỗi vụ thu hoạch, đốt thân ngô ngay trên đồi càng làm cho thảm thực vật bị tiêu hủy, làm cho đất càng rửa trôi, bạc màu nhanh.
Nhiều người dự tính, nếu cứ vẫn cung cách trồng ngô như hiện nay, chục năm nữa Sơn La - nơi có diện tích ngô lớn bậc nhất của Tây Bắc cũng chẳng còn mấy đất có thể trồng được loại cây này. Sản xuất đã thế, thực trạng bảo quản, chế biến ngô ở Tây Bắc lại càng khó khăn hơn. Ở đây không có một nhà máy thức ăn chăn nuôi quy mô nào mà chủ yếu ngô được sấy lẻ thủ công rồi vận chuyển về các thị trường dưới đồng bằng.
Tỷ lệ thất thoát cùng giá bán rẻ mạt càng khiến cho người nông dân luôn ở thế chông chênh, hệt như phận cây ngô trên đất dốc. Chính vì thế mà Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư Quốc gia mới đây đã tổ chức Diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp: “Liên kết bốn nhà trong sản xuất ngô bền vững vùng Tây Bắc” với mục đích tìm ra một giải pháp thật sự tốt về lâu dài cho loại cây đầy tiềm năng này.
Tiếng là hội thảo liên kết bốn nhà, nhưng hầu như ở diễn đàn chỉ thấy có nhà khoa học chứ vai trò nhà nước, nhà doanh nghiệp (giống thì có nhưng doanh nghiệp tiêu thụ, chế biến thì không) hết sức mờ nhạt. Do vậy hội thảo quanh đi quẩn lại chủ yếu là bàn đến các biện pháp canh tác ngô trên đất dốc chứ chưa đạt tới tầm của bốn nhà liên kết trong sản xuất. Đối với vùng núi, trình độ sản xuất còn hạn chế, do vậy lựa chọn phương pháp canh tác nào vừa giản đơn, hiệu quả lại bền vững với môi trường là điều không dễ.
Canh tác ngô nương có che phủ bằng xác hữu cơ được các nhà khoa học nhận định sẽ hạn chế được tình trạng xói mòn đất. Vật liệu để che phủ có thể là các loại tàn dư cây trồng của vụ trước hoặc thân lá thực vật hoang dại, các loại phế phẩm nông sản. Biện pháp canh tác ngô nương có che phủ bằng xác hữu cơ không chỉ hạn chế rửa trôi mà tăng độ mùn, giữ ẩm tốt, năng suất cao.
Để chống sự xói mòn đất khi canh tác trên đất dốc, nhóm các nhà khoa học thuộc Viện KHKT Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc đã tiến hành thử nghiệm biện pháp tạo tiểu bậc thang trên đất có độ dốc lớn từ 20-25 độ, kết hợp che phủ đất sau đó trồng ngô. Kết quả cho thấy biện pháp canh tác này đã hạn chế xói mòn đất rất lớn. Mỗi năm chỉ 0,53 tấn/ha bị rửa trôi, tức giảm tới 84,5% so với kiểu làm thông thường.
Biện pháp này còn giúp tăng thu nhập do giảm công làm đất, làm cỏ, tăng năng suất của ngô. Ngoài ra, để giảm sự rửa trôi đất, có thể tiến hành biện pháp xen canh ngô với đậu mèo hoặc cây lạc dại. Để hạn chế cạnh tranh dinh dưỡng với ngô, cây trồng họ đậu nên được gieo sau khi ngô đã được cỡ 50 ngày tuổi.
Khi thu hoạch ngô, đậu được giữ lại để che phủ đất, lấy hạt gieo trồng cho vụ sau. Một quy trình khoa học là làm đất tối thiểu ở vụ thu đông trên đất dốc. Làm sạch cỏ nương rẫy trước khi gieo. Gieo tập trung vào một thời vụ để tránh các đợt sâu hại. Luân canh ngô (nếu có điều kiện) với cây trồng khác để tránh tích tụ sâu bệnh. Xen canh ngô với cây họ đậu. Thuốc hóa học chỉ sử dụng trong điều kiện thật cần thiết…
Theo Nông nghiệp Việt Nam

Nguồn:http://nongnghiep.vn/nongnghiepvn/vi-VN/61/158/2/20/20/83479/Default.aspx


Tin khác