Nằm trong vùng quy hoạch khu đô thị Di Trạch - Kim Chung, nên hầu hết đất nông nghiệp của xã Kim Chung, Di Trạch (Hoài Đức, Hà Nội) bị thu hồi. Ngân hàng CSXH huyện Hoài Đức đã kịp thời cho người dân vay vốn để chuyển nghề...
Nhà nhà mất đất
Khu đô thị Di Trạch - Kim Chung có diện tích 170,29ha, phần lớn nằm trên đất nông nghiệp. Theo thống kê của UBND xã Kim Chung, hơn 100 hộ mất đất, đồng nghĩa với hàng trăm lao động không có việc làm.
Anh Lê Văn Hùng, thôn Lai Xá (xã Kim Chung) cho hay: "Nhà tôi có 4 sào ruộng đều nằm trong Dự án Khu đô thị Di Trạch - Kim Chung, mất đất, hai vợ chồng phải lên Mỹ Đình đi phụ vữa. Làm được vài ngày, tay chân bị vữa ăn, không chịu được, vợ chồng lại về đi buôn rau, hoa quả".
|
Chị Nguyễn Thị Sang bên vườn bưởi Diễn. |
Cũng thuộc diện bị thu hồi hết đất ruộng, chị Nguyễn Thị Sang thôn Đại Tự (xã Kim Chung) phải bươn chải đủ thứ nghề để kiếm sống. Nhà có 6 miệng ăn, không đất canh tác, chồng đi chạy xe ôm, chị theo bà con chạy chợ.
Trao đổi với chúng tôi về việc cho ND vay vốn chuyển đổi nghề, ông Nguyễn Xuân Phong - Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Hoài Đức cho hay: "Trong 8 kênh cho vay của ngân hàng, chúng tôi đặc biệt chú ý đến vốn vay giải quyết việc làm và cho vay hộ nghèo để kịp thời giúp các hộ dân mất đất chuyển đổi nghề".
Thoát nghèo nhờ vốn
Năm 2009, sau hơn một năm bị thu hồi đất, chị Nguyễn Thị Sang được Ngân hàng CSXH cho vay 20 triệu đồng, chị đã đầu tư cải tạo hơn 3 sào vườn để trồng bưởi Diễn, hồng xiêm, ổi và nuôi 300 con gà lai chọi, 10 con lợn. Lấy ngắn nuôi dài, lứa gà, lợn đầu tiên, chị lãi gần chục triệu đồng. Số tiền này chị mua phân bón cho bưởi, hồng xiêm, ổi và tiếp tục đầu tư nuôi gà, lợn. Hiện chị có 500 con gà, 20 con lợn. "Mỗi năm, riêng tiền bán lợn, gà, tôi có gần 20 triệu đồng. Hơn chục gốc hồng xiêm mỗi vụ thu khoảng 6 triệu đồng. Với đà này, sang năm tôi có thể trả xong nợ gốc và lãi cho ngân hàng - chị Sang phấn khởi nói.
Ông Nguyễn Xuân Phong - Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Hoài Đức cho biết, hiện tổng dư nợ của Phòng giao dịch Ngân hàng huyện là 125,912 tỷ đồng với 10.000 khách hàng. Trong đó vốn vay hộ nghèo 34 tỷ đồng; vốn giải quyết việc làm 20,535 tỷ đồng...
|
Nói đến gia cảnh chị Nguyễn Thị Tuyết thôn Yên Vĩnh (Kim Chung), ai cũng ái ngại. 20 tuổi, chị xây dựng gia đình. Hai vợ chồng có với nhau hai mặt con. Tự nhiên chồng chị bị tâm thần, gia đình đưa đi khắp nơi điều trị nhưng không khỏi. Năm 2009, chị được Ngân hàng CSXH huyện cho vay 20 triệu đồng trong chương trình cho vay hộ nghèo. Có tiền, chị đầu tư nuôi lợn nái và mở cửa hàng tạp hóa bán. Năm 2010, chị đã ra khỏi danh sách hộ nghèo.
Gia đình anh Nguyễn Đăng Thái thôn Đại Tự (xã Kim Chung) cũng được Ngân hàng CSXH huyện cho vay 20 triệu đồng. Có vốn, anh mở cửa hàng cho thuê cốp pha. Anh Thái tâm sự: "Bình quân thu nhập của tôi 3-4 triệu đồng/tháng. Vào mùa xây dựng, có tháng tới 6 triệu đồng. Nếu không được vay vốn ưu đãi, đi phụ vữa mỗi ngày nhiều nhất cũng chỉ được 80.000 đồng. Gia đình tôi vừa xây được nhà mới rồi".
Theo Nông thôn ngày nay
Nguồn: http://danviet.vn/56845p1c34/giup-dan-mat-dat-chuyen-nghe.htm