Tích xu nhỏ, làm chuyện lớn

31/08/2011

Những đồng tiền gửi tiết kiệm ít ỏi do những người nông dân nghèo chắt chiu dành dụm ngày qua tháng đang kể một câu chuyện lớn: câu chuyện về quá trình thay đổi nhận thức của người dân, từ một sự để dành “có phong trào” đến chuyện nỗ lực tích cóp…

Mỗi tháng vài đồng…
Anh Lý Phúc Ba (34 tuổi, dân tộc Dao, trú tại thôn Nà Hai, xã Quảng Khê, huyện Ba Bể, Bắc Kạn) là một trong những gia đình người Dao “dám nghĩ, dám làm” ở địa phương. Từng là trưởng thôn, rồi bây giờ là Bí thư Chi bộ, anh Ba có điều kiện tiếp cận thông tin khoa học kỹ thuật. Với đồng vốn ưu đãi được vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Ba Bể, anh đã mở rộng mô hình VAC, tiên phong trong việc đưa con nhím về nuôi ở địa phương. Giờ, từ một hộ nhà anh, cả thôn Nà Hai đã có sáu hộ nuôi nhím, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Dù điều kiện kinh tế gia đình còn nhiều hạn chế, vẫn phải nỗ lực hơn nữa, nhưng là một hội viên Hội Nông dân, là thành viên Tổ Tiết kiệm và Vay vốn là mô hình được hình thành từ một nhóm người nghèo, thuộc quyền quản lý của các Hội, đoàn thể cấp xã nhận ủy thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội), anh Ba biết rõ, ngoài chuyện vay vốn ngân hàng để sản xuất chăn nuôi, việc cố gắng đồng ít đồng nhiều gửi tiết kiệm mỗi tháng không chỉ là “cán bộ làm gương cho dân”, mà chính là một cách mình nhịn ăn để dành sau một thời gian “có thể có một khoản nho nhỏ làm gì đấy”. “Thực ra, mỗi tháng vài chục nghìn các hộ nghèo, đồng bào dân tộc cũng phải cố gắng mới để ra được, nhưng nếu không gửi tiết kiệm, thì có thể dễ dàng tiêu mất. Mà, ngoài NHCSXH, thông qua tổ Tiết kiệm và Vay vốn, có nơi nào nhận những khoản tiền nhỏ đó để giữ cho chúng tôi” – anh tâm sự. Đến lúc này, sau hơn một năm tham gia gửi tiết kiệm, gia đình anh Ba đã gửi được hơn 1 triệu đồng. “Tôi cũng đang cố gắng, cùng với bà con, dành những khoản nhiều hơn chút nữa để gửi tiết kiệm”.
 
Là một Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và Vay vốn, anh Hà Văn Mạn (42 tuổi, dân tộc Tày, ở thôn Lũng Coóc, xã Quân Bình, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn) càng hiểu rõ hơn ý nghĩa của những đồng tiền tiết kiệm. Mỗi tháng vài đồng, qua vài năm, khoản tiền tiết kiệm có thể đủ để trả một phần khoản vốn gốc đã vay ở ngân hàng. Vì thế, anh Mạn tích cực vận động bà con thành viên trong Tổ mình mỗi tháng dành vài chục nghìn để gửi tiết kiệm. Nhà ít 5 ngàn, 10 ngàn, nhà nhiều 50 – 70 ngàn, cả tổ giờ đã gửi tiết kiệm được 7 triệu, riêng hộ anh Mạn gửi được 3 triệu đồng. “Mình cố gắng dành được đồng nào gửi đồng ấy. Tổ mình số tiền gửi tiết kiệm chưa cao, nhưng cái chính là đã tác động được tới ý thức của bà con” – anh Mạn cho hay.
Chị Lý Thị Thúy (tổ 10, phường Sông Cầu, thị xã Bắc Kạn) thu nhập từ trồng cây ăn quả trên đồi rừng của gia đình chỉ đủ chi phí cho sinh hoạt hằng ngày, năm 2006 gia đình chị tham gia Tổ Tiết kiệm và Vay vốn, được vay vốn chương trình cho vay giải quyết việc làm. Từ khi Tổ triển khai việc huy động tiết kiệm, chị đã tham gia gửi hàng tháng, đến cuối năm 2010 số tiền tiết kiệm gần 7 triệu đồng, và theo tính toán của chị, đến hạn trả nợ thì tiền gửi tiết kiệm gần đủ trả tiền vốn vay cho ngân hàng.
“Tích tiểu thành đại”
Có thể nói, Bắc Kạn là một trong những địa phương đầu tiên thực hiện đánh giá kết quả một năm triển khai huy động tiền gửi tiết kiệm thông qua Tổ Tiết kiệm và Vay vốn. Nhằm mục đích từng bước tạo cho người nghèo có ý thức dành tiền tiết kiệm để tạo vốn tự có và quen dần với hoạt động tín dụng và tài chính ngân hàng, đồng thời bổ sung thêm nguồn vốn để mở rộng cho vay trên địa bàn, góp phần giảm nghèo tại địa phương, sau một năm triển khai huy động gửi tiết kiệm thông qua Tổ Tiết kiệm và Vay vốn, 100% Tổ Tiết kiệm và Vay vốn đã triển khai tới tận các tổ viên.
Bắc Kạn là tỉnh miền núi địa hình chia cắt, độ dốc cao, nhiều sông suối, diễn biến thời tiết hàng năm phức tạp với hầu hết các hình thái thời tiết như hạn hán, lũ lụt, lốc, lũ quét, rét đậm rét hại, dịch bệnh… ảnh hưởng không nhỏ tới hiệu quả đầu tư vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Thêm vào đó, trình độ dân trí không đồng đều, đặc biệt ở các huyện nghèo như Ba Bể, Pác Nặm, nơi gần 100% là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, nên việc triển khai tuyên truyền gặp nhiều khó khăn do nhiều người chưa nhận thức đầy đủ về việc tham gia gửi tiền tiết kiệm qua Tổ Tiết kiệm và Vay vốn. Vả lại, dân số Bắc Kạn ít, đời sống kinh tế gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao chưa có kinh nghiệm làm ăn, chăn nuôi và sản xuất… Ở một số nơi, người dân còn phải chờ trợ cấp của Nhà nước trong những ngày giáp hạt, nên nhiều hộ dân khá ái ngại khi nói chuyện gửi tiết kiệm.
Thế nhưng, được sự quan tâm của cấp ủy chính quyền địa phương, sự chỉ đạo sâu sát của Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội các cấp, sự phối kết hợp của các Hội, đoàn thể nhận ủy thác và các Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và vay vốn, công tác huy động tiền gửi tiết kiệm đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của người dân. Một số huyện có tỷ lệ huy động đạt 100% số Tổ Tiết kiệm và Vay vốn tham gia gửi tiền, số tiền huy động lớn như thị xã Bắc Kạn, Chợ Mới, Chợ Đồn, Bạch Thông và đặc biệt là cả huyện Pác Nặm là một trong 62 huyện nghèo nhất cả nước, đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn.
Việc huy động tiền gửi tiết kiệm thông qua Tổ Tiết kiệm và Vay vốn đã giúp các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác giúp hội viên của mình không chỉ vay vốn phát triển kinh tế gia đình mà còn tạo cho họ thói quen và ý thức tiết kiệm, sử dụng đồng tiền có mục đích, không lãng phí để trả một phần nợ gốc, lãi và sử dụng vào việc có ích cho bản thân và gia đình.
Năm 2011 này, Bắc Kạn đặt chỉ tiêu 100% tổ Tiết kiệm và Vay vốn, 100% số thành viên trong tổ tham gia gửi tiền tiết kiệm và thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch được giao, đến cuối năm nay huy động đạt 10 tỷ đồng. Ông Trần Xuân Lễ, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội Bắc Kạn chia sẻ, Ngân hàng Chi nhánh xã hội đang tập trung cùng các tổ chức hội thực hiện chương trình hiệu quả, đảm bảo đạt kế hoạch. “Hơn hết, những đồng tiền tiết kiệm dù ít ỏi cũng đã làm được một việc lớn, đó là thay đổi suy nghĩ, nhận thức của hộ nghèo. Việc gửi tiết kiệm từ chỗ chỉ làm phong trào, giờ đã thành ý thức tự giác của mỗi gia đình nông dân” – ông Lễ nói.
Theo Nhân dân

Nguồn:http://nhandan.org.vn/cmlink/nhandandientu/thoisu/kinh-te/chuy-n-lam-n/tich-xu-nh-lam-chuy-n-l-n-1.309856#OQcb7g4Btk1M


Tin khác