"Thăng hoa" do chè, lao đao cũng... vì chè
Nguyên nhân trực tiếp của "cơn lốc" này là do nhu cầu về chè từ phía Trung Quốc quá lớn, nguyên liệu trong nước không đủ đáp ứng cho sản xuất nên các thương nhân Trung Quốc đã tìm kiếm "mối hàng" tại Việt Nam. Một công nhân của Nông trường Phong Hải (Bảo Thắng - Lào Cai) cho biết: "Lâu nay, người dân chúng tôi sống nhờ cây chè nhưng giá cả thu mua rất bấp bênh nên chẳng ai giàu được nhờ nghề này. Quần quật vất vả với đồi chè nhưng giá cũng chỉ được 2.300 - 2.500 đồng/kg chè búp tươi, nay bỗng nhiên thương nhân Trung Quốc nâng giá thu mua lên 5.000 đồng/kg, rồi 8.000 đồng, thậm chí có lúc lên tới 12.000 đồng/kg, làm người dân dao động, đua nhau đi thu mua chè. Hám lợi, nhiều người đã hái cả búp già lẫn búp non, hái trước thời hạn, thậm chí còn hái bằng liềm, không để lại búp dài cho lần sau, không cần biết cây chè sống chết ra sao. Một số tư thương còn trộn lẫn chè với búp cây cúc tần, đất, đá để tăng trọng lượng".
|
Thu hoạch chè ở Nông trường Phong Hải
|
Nhưng cách làm ăn nhất thời, được chăng hay chớ ấy rốt cục đã phải trả giá đắt. Khi giá đang cao chót vót thì phía Trung Quốc đột ngột tạm ngừng thu mua và hạ giá thấp xuống chỉ còn một nửa. Hậu quả là các thương nhân, đầu nậu trong nước bị lỗ nặng. Nông dân thì ngã ngửa vì lúc này các vườn chè đều xác xơ, héo rũ và không biết đến bao giờ mới trở lại xanh tươi.
Theo tính toán, năng suất chè bình quân đạt 6 tấn/ha, nhưng khi bị tận thu như trên thì năng suất lứa sau sẽ giảm 20-30%. Thời điểm cơn lốc "chè vàng" đi qua, đã có hơn 70 doanh nghiệp lớn, nhỏ ở Lào Cai rơi vào khủng hoảng thiếu nguyên liệu. Riêng tại Nông trường Phong Hải, chỉ trong hơn 1 tháng, đơn vị đã mất khoảng 250 tấn chè búp tươi, làm hàng chục hecta chè kiệt quệ. Cơn lốc "chè vàng" vừa tạm lắng thì nạn "chè bẩn" vừa qua cũng đã khiến không ít vùng nguyên liệu chè lao đao.
Vì sao tư thương Trung Quốc lại đẩy giá thu mua chè lên cao như vậy? Tìm hiểu vấn đề này, ông Vũ Quốc Thanh, Giám đốc Nông trường chè Phong Hải cho biết: Quy trình sản xuất chè phơi nắng theo kiểu Trung Quốc đơn giản và không đòi hỏi kỹ thuật cao. Chỉ cần thu gom chè tươi về phơi, vò giập 3-5 phút (bằng máy) hoặc bằng tay (5-7 phút). Sau đó ủ nóng 1-2 giờ rồi phơi. Khi chè héo vàng, thuỷ phần còn 13-18% là bán được. Trong khi đó, theo tiêu chuẩn của Việt Nam, chè phải được vò, ủ, sao sấy khô, sàng lọc, đảm bảo vệ sinh và tỷ lệ thuỷ phần chỉ còn 5-7%.
Cách chế biến của Trung Quốc đã giảm chi phí đến mức thấp nhất, chỉ còn 1.000-1.500 đồng/kg, trong khi chi phí cho việc chế biến chè truyền thống của nước ta (theo đúng quy trình) từ 5.000 - 6.000 đồng/kg. Chi phí thấp là nguyên nhân khiến thương nhân Trung Quốc đẩy giá mua chè lên cao mà vẫn có lãi, tạo thành "cơn lốc" chè vàng, gây tác hại lớn đến vùng chè các tỉnh miền núi phía Bắc.
Nỗ lực hồi sinh
Chúng tôi về Phong Hải khi "cơn lốc" chè vàng đã đi qua một thời gian. Vườn chè sau những ngày xơ xác đã phục hồi trở lại, song có lẽ, dư âm của "cơn lốc" này sẽ còn mãi và trở thành bài học đắt giá đối với người làm chè.
Ông Thanh tâm sự: "Xót xa cho cây chè trước sự tàn phá của "cơn lốc" chè vàng, tôi đã cùng cán bộ của Phòng Kinh tế, Trạm Khuyến nông, Hội Nông dân xã đến từng hộ tuyên truyền, giải thích cho bà con hiểu tác hại của việc tận thu cây chè; theo dõi sát sao diễn biến thị trường, điều chỉnh kịp thời giá thu mua để thu hút nguồn nguyên liệu, chấp nhận "lỗ tình thế". Nông trường tổ chức tập huấn kỹ thuật chăm sóc, cách thu hái cho 747 hộ trồng chè ở vùng trọng điểm, kiểm tra và hướng dẫn phòng, trừ sâu bệnh cho 1.800 lượt hộ nông dân. Ngoài ra, còn mở thêm 32 đại lý thu mua chè ở gần vùng sản xuất, ứng trước cho dân gần 1 tỷ đồng vật tư. Ban giám đốc tích cực đàm phán với bạn hàng truyền thống và tìm kiếm thị trường mới, nhờ vậy đã nâng giá bán từ 1,37 USD/kg lên 1,6 USD/kg chè xuất khẩu sang Trung Đông. Do đó, huyện Bảo Thắng đã hạn chế tới mức thấp nhất tác động tiêu cực của "cơn lốc" chè vàng.
Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, tình trạng thu mua chè vàng, chè bẩn có thể tái phát bất cứ lúc nào vì các nhà máy ở Vân Nam (Trung Quốc) sản xuất chè Phổ Nhĩ dạng đóng bánh rất cần nguyên liệu chè tươi. Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng, cần có chiến lược phát triển cây chè cụ thể, tạo nguồn thu ổn định cho nông dân thì ngành chè mới thực sự phát triển bền vững.
Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh Yên Bái vừa kiểm tra 20 cơ sở sản xuất, chế biến và kinh doanh chè, phát hiện và xử lý 15 cơ sở, như doanh nghiệp Sơn Tim bị phạt 1.950.000 đồng, doanh nghiệp Thành Tân 4 triệu đồng, Hợp tác xã Xuân Anh 16.950.000 đồng, buộc tiêu huỷ 7,4 tấn chè. Qua quá trình kiểm tra cho thấy, hầu hết các cơ sở chế biến, kinh doanh chè vi phạm không công bố tiêu chuẩn chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm đối với sản phẩm chè; sản xuất chè có nhiễm bẩn và có vi sinh vật gây bệnh vượt quá giới hạn cho phép; sản xuất chè ở môi trường không đảm bảo vệ sinh.
Thời gian tới, Yên Bái sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra hoạt động sản xuất, chế biến chè trên địa bàn tỉnh. Trong quá trình kiểm tra phát hiện doanh nghiệp, cá nhân vi phạm xử lý nghiêm minh, kiên quyết không để chè bẩn có đất sống.
Theo Kinh tế nông thôn
Nguồn: http://www.kinhtenongthon.com.vn/Story/xahoi/2011/8/29926.html