"Cánh đồng mẫu lớn" - Những chấm phá ban đầu

31/08/2011

Mặc dù mô hình “Cánh đồng mẫu lớn” mới được chính thức phát động từ tháng 3/2011 với 7.800 ha đất canh tác thu hút 6.400 hộ nông dân tham gia nhưng thực chất nó đã được xây dựng thí điểm từ trước tại rất nhiều điểm trình diễn, với quy mô từ vài ha đến vài chục ha ở các tỉnh: Long An, Tây Ninh, Đồng Tháp, Cần Thơ, An Giang… từ vụ hè thu 2008-2009 với tên gọi “liên kết 4 nhà”.

MÔ HÌNH 3 KHÔNG
Thực tế vận dụng ở các địa phương khi triển khai chủ trương “cánh đồng mẫu lớn” rất sáng tạo, tùy theo điều kiện thực tế ở các địa phương nhưng cơ bản đã đạt được các bước: cung ứng lúa giống xác nhận (một đến hai loại); cung ứng phân bón, thuốc BVTV (từ doanh nghiệp đến thẳng người nông dân, không qua trung gian); hợp tác với doanh nghiệp thu mua lúa hoặc doanh nghiệp đứng ra tổ chức khép kín các khâu, từ cung ứng đầu vào đến bao tiêu đầu ra cho nông dân (Cty CP BVTV An Giang).
 
 Có tỉnh tổ chức HTX, hoặc tổ hợp tác sản xuất có người phụ trách, có cán bộ kỹ thuật theo dõi hỗ trợ thường xuyên, trong đó nhà nước hỗ trợ nông dân tiền chênh lệch khi mua giống lúa xác nhận (so với lúa thường), định kỳ tập huấn kỹ thuật cho nông dân (3-4 lần/vụ), hỗ trợ 30 đến 50% tiền đầu tư máy móc, công cụ sạ hàng, lò sấy, thùng pha thuốc BVTV (tỉnh Long An). Công ty CP Phân bón Bình Điền bán phân theo giá gốc, hỗ trợ chi phí vận chuyển và cho nông dân trả chậm sau 4 tháng. Các công ty: BVTV An Giang, Gentraco, Angimex, Công ty Lương thực Long An… cung ứng giống với lãi suất 0%…
Khẳng định những cái được của mô hình, ông Phạm Văn Dư - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt nói: “Trước nay trong sản xuất nông nghiệp thường mạnh ai nấy làm. Doanh nghiệp thì chỉ biết bán hàng, thu tiền. Các nhà khoa học thì khuyến cáo chung chung. Nhà quản lý ngại “ôm rơm rặm bụng”. Ngành vật tư nông nghiệp bị xé lẻ, qua nhiều cấp, nhiều khâu trung gian phân phối, làm đội giá thành khi tới tay nông dân. Nhà nông cứ làm theo kinh nghiệm cổ truyền… Sự manh mún, nhỏ lẻ làm giảm tính hàng hóa trong cung ứng lúa gạo, giảm khả năng xử lý những gãy vỡ do thiên tai, dịch bệnh. Mô hình này sẽ dần hạn chế được các khuyết tật trên.
Khi nông nghiệp phát triển thêm bước nữa, nói như Thứ trưởng Bộ NN- PTNT Bùi Bá Bổng, người nông dân sẽ thực hiện 3 không: không cấy lúa (mà gieo sạ), không gặt đập bằng tay (mà bằng máy liên hợp), không phơi lúa (mà sấy)… thì ngày công lao động sẽ giảm đi, nông dân sẽ có thêm điều kiện để nâng cao kiến thức về mọi mặt. Đấy sẽ là một trong những điều kiện góp phần xây dựng nông thôn mới.
MỚI CHỈ LÀ CHẤM PHÁ
GS Nguyễn Thơ - một chuyên gia nông nghiệp nói: “Đây là một tiến bộ, một cách làm tốt cho hộ nông dân sản xuất nhỏ lẻ, nhưng kết quả cũng mới chỉ là những chấm phá, ngành nông nghiệp cần phải tạo ra động lực cho chuỗi liên kết”.
“Mô hình sẽ bền vững, cần và sẽ được nhân rộng” - Đó là khẳng định của ông Huỳnh Thế Năng, Phó Chủ tịch tỉnh An Giang, bởi mô hình tạo ra được động lực cho các nhà bởi lợi ích. Chính lợi ích sẽ gắn kết các nhà. Và khi mà mọi nhà trong mô hình đều có lợi ích thiết thực thì đương nhiên mô hình sẽ tồn tại và phát triển.
Tuy vậy, để cho mô hình nhân rộng một cách vững chắc, như định hướng của Bộ, đến hết năm 2012 có từ 40 đến 80 ngàn ha, năm 2013 đạt 100 đến 200 ngàn ha, tiến tới vùng sản xuất lúa nguyên liệu một triệu ha vào năm 2015 thì đòi hỏi phải có sự “vào cuộc” tích cực của các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp thu mua lúa. Nếu 123 doanh nghiệp hiện có của Hiệp hội Lương thực Việt Nam cùng “xắn tay áo” lên xây dựng cho mình một vùng nguyên liệu từ một ngàn đến vài ngàn ha, thì cả nước đã có vùng nguyên liệu ổn định từ 200 đến 500 ngàn ha.
Ông Bùi Bá Bổng, Thứ trưởng Bộ NN- PTNT kết luận: Thực tế đã hình thành các điều kiện để có hướng xây dựng những cánh đồng mẫu lớn, như: Gieo sạ đồng loạt né rầy; thực hiện gói kỹ thuật 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm; thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp, những cụm xay xát, chế biến lúa gạo của doanh nghiệp mọc lên ngày càng nhiều, ngay tại vùng nguyên liệu. Như Công ty CP BVTV An Giang đang khởi công xây dựng 3 nhà máy sấy lúa tại An Giang, Đồng Tháp, Long An với tổng công suất 700.000 tấn/năm.
Về mặt xã hội, ông Bổng nhấn mạnh ý nghĩa nhân văn của mô hình “là tạo dựng nên cánh đồng lớn nhưng không dẫn đến tích tụ đất đai, không ép người nông dân phải rời khỏi mảnh ruộng nhà mình để trở thành người làm thuê, cấy mướn. Sẽ có nhiều nông dân nhỏ trên cánh đồng lớn được bình đẳng về ứng dụng tiến bộ kỹ thuật cho quy trình sản xuất; được biết rõ lợi nhuận từ mảnh ruộng nhà mình sau mỗi vụ gieo trồng”.
Từ diễn đàn hội nghị, ông Lê Quốc Phong - TGĐ Công ty CP Phân bón Bình Điền sau khi cám ơn lãnh đạo Bộ và các địa phương cho phép Cty tham gia mô hình, Cty đã và sẽ tiếp tục tham gia với tinh thần đồng hành và sẻ chia tích cực nhất. Vì lợi ích cao nhất của người nông dân; vì sự phát triển bền vững của nền nông nghiệp nước nhà. Tới đây Cty sẽ tổ chức đưa 60 nông dân sản xuất giỏi tại các tỉnh thành Nam bộ đi tham quan, học tập kinh nghiệm tại Viện Lúa quốc tế ở Philipin. Đây là một tin thật vui.
Theo Nông nghiệp Việt Nam

Tin khác