Ngăn chặn kịp thời rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá hại lúa

30/08/2011

Theo báo cáo của Cục Bảo vệ thực vật, trong tháng 8, các ổ dịch lùn sọc đen phát sinh chủ yếu trên lúa tại các tỉnh Duyên hải Bắc Trung bộ và miền núi. Rầy nâu, rầy lưng trắng, sâu cuốn lá nhỏ phát sinh gây hại trên diện rộng tại các tỉnh phía Bắc. Trong khi đó, các tỉnh phía Nam bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá lại đang có chiều hướng gia tăng.

Hiện có 8 tỉnh gồm: Thừa Thiên - Huế, Nghệ An, Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Ninh Bình, Cao Bằng và Lạng Sơn bị nhiễm bệnh lùn sọc đen hại lúa với tổng diện tích trên 200 ha, trong đó tập trung nhiều tại Thừa Thiên - Huế 55 ha, Lai Châu 100 ha, Sơn La 22 ha, Hòa Bình 21 ha. Tỷ lệ nhiễm bệnh trung bình tại các địa bàn đều dưới mức 5%. Các địa phương trên đã tiến hành nhổ tỉa 11,5 ha và phun trừ rầy cho hầu hết diện tích nhiễm bệnh. 

Rầy nâu và rầy lưng trắng cũng đang gây hại trên diện rộng ở phía Bắc. Diện tích lúa nhiễm trên 24.000 ha, trong đó nhiễm nặng khoảng 1.000 ha. Mật độ phổ biến từ 30-50 con/m2, nơi cao từ 700 – 2.000 con/m2. Các tỉnh có tỷ lệ nhiễm rầy nâu, rầy lưng trắng cao là Sơn La, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Bắc Ninh, Hà Nam, Nam Định, Lai Châu, Thái Nguyên, Phú Thọ, Hưng Yên, Thái Bình, Ninh Bình, Quảng Ninh, Hải Dương. Các tỉnh đã phun thuốc trừ rầy được khoảng 15.000 ha... 

Tại các tỉnh phía Nam , sâu bệnh phát sinh chủ yếu trên lúa Hè Thu giai đoạn đẻ nhánh, làm đòng và trỗ bông. Đáng chú ý, diện tích nhiễm rầy nâu và đạo ôn lá giảm nhiều so với cùng kì năm trước, trong khi bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá đang có chiều hướng tăng. Tổng diện tích lúa bị nhiễm bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá là 3.040 ha, tăng 3.000 ha so với cùng kì năm trước, trong đó diện tích nhiễm nhẹ 2.740 ha (tỷ lệ bệnh từ 3-10%); nhiễm trung bình 210 ha (tỷ lệ bệnh trên 10-20%); nhiễm nặng 90 ha (tỷ lệ bệnh trên 20-50%). Bệnh xuất hiện chủ yếu ở các tỉnh Đồng Tháp, Vĩnh Long, Cần Thơ, Bến Tre, Vũng Tàu và Long An. Đối với rầy nâu, diện tích nhiễm trên 59.000 ha, giảm 53.800 ha so với cùng kì năm trước, mật độ phổ biến từ 1.000-2.000 con/m2, nơi cao từ 3.000-7.000 con/m2. Các tỉnh có rầy nâu xuất hiện phổ biến gồm: Bạc Liêu, Long An, Lâm Đồng, Sóc Trăng, Hậu Giang, Vĩnh Long... 

Cục Bảo vệ thực vật yêu cầu các địa phương chỉ đạo điều tra, khoanh vùng diện tích và mức độ lúa bị nhiễm bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá để ngăn chặn kịp thời. Cùng với đó, hệ thống bảo vệ thực vật ở các tỉnh cần thực hiện tốt công tác dự báo, nhất là tình hình rầy di trú để thông tin, cảnh báo, điều chỉnh lịch xuống giống tập trung, đồng loạt và né rầy từng khu vực./.
Theo TTXVN

Tin khác