Ban hành tiêu chí mới về cấp giấy chứng nhận KTTT: Chủ trang trại được lợi gì?

30/08/2011

Theo Thông tư số 27/2011/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và PTNT ngày 13/4/2011, tiêu chí xác định kinh tế trang trại bao gồm diện tích, giá trị sản lượng hàng hóa... Tiêu chí này sẽ được điều chỉnh phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước trong từng thời kỳ, ổn định trong thời gian tối thiểu 5 năm. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là việc ban hành tiêu chí mới có đáp ứng được sự phát triển kinh tế trang trại hiện nay?

Trại nấm của anh Lê Văn Bá ở ấp 2, xã Bình Lộc (Long Khánh - Đồng Nai.)
Từ khi Nhà nước có chủ trương khuyến khích phát triển kinh tế trang trại (KTTT), mô hình sản xuất này không chỉ góp phần giúp các địa phương chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi mà còn giúp nông dân xóa đói, giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng. KTTT được xem là hướng đi bền vững, tất yếu giúp thay đổi diện mạo nông nghiệp, nông thôn, hình thành nền sản xuất lớn, nhất là giúp nông dân thay đổi tư duy, cách làm tiểu nông.
Thay đổi diện mạo nông thôn
Theo thống kê, cả nước hiện có khoảng 150.000 trang trại, riêng khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có 40.000 trang trại (TT). Ở các vùng ven biển ĐBSCL đã hình thành rất nhiều TT tập trung nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cua, sò huyết, nghêu... Trong khi đó, các mô hình nuôi cá tra, ba sa, tôm càng xanh và các loại tôm, cá nước ngọt từ các tỉnh Long An tới Kiên Giang cũng đang được khai thác có hiệu quả.
Trà Vinh, địa phương có thế mạnh lớn thứ hai khu vực ĐBSCL về sản xuất cây ăn trái với tổng diện tích gần 28.800ha, nhiều nhà vườn sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và Global GAP. Hiện, toàn tỉnh có 828 TT mô hình sản xuất thủy sản kết hợp chăn nuôi và trồng cây lâu năm. Nhiều TT không những xây dựng được thương hiệu về trái ngon, an toàn ở thị trường trong nước mà còn vươn ra thị trường xuất khẩu.
Năm 2011, Nghệ An chú trọng giúp nông dân các huyện ven biển đầu tư phát triển hiệu quả KTTT trên cơ sở khai thác tốt tiềm năng đất đai, mặt nước và kinh nghiệm sản xuất trong dân. Các xã Quỳnh Phương, Quỳnh Lương (huyện Quỳnh Lưu) đã có những TT trồng rau cho thu nhập 100 triệu đồng/ha/năm. Tại các huyện Diễn Châu và Nghi Lộc, TT nuôi trồng thủy sản cho thu nhập trên 90 triệu đồng/ha/năm… Nghệ An có 4 huyện, thị xã ven biển là Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc, Cửa Lò. Các địa phương này hiện có 6 loại hình TT trồng cây lâu năm, cây hàng năm, chăn nuôi, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, kinh doanh tổng hợp; trong đó trang trại nuôi trồng thủy sản chiếm số lượng lớn nhất.
Hòa cùng xu thế phát triển của cả nước, tỉnh Thái Nguyên cũng có 638 TT, tăng hơn 250 TT so với năm 2001, trong đó có 222 TT trồng trọt, 368 TT chăn nuôi, 10 TT thuỷ sản và 38 TT tổng hợp vườn, ao, chuồng… Hiện nay, các TT sử dụng trên 3.100ha đất nông nghiệp, trung bình mỗi TT có 5,3ha đất. Với tổng vốn và tài sản gần 200 tỷ đồng, hàng năm, các trang trại này đạt doanh thu gần 150 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho gần 2.000 lao động trong và ngoài tỉnh.
Tỉnh Kiên Giang cũng đang thí điểm các mô hình làm vườn, phát triển KTTT. Tính riêng trong 2 năm (2009 - 2010), toàn tỉnh đã đầu tư gần 400 triệu đồng cho công tác dạy nghề cho nông dân, các chủ TT và nhà vườn. Qua đó, nông dân đã có cơ hội học cách làm kinh tế hiệu quả, góp phần nâng tỷ lệ lao động nông thôn được đào tạo nghề lên 35%.
Sự phát triển của KTTT đang góp phần quan trọng để Yên Bái ổn định, mở rộng các vùng chuyên canh quy mô lớn, gắn với chế biến, xuất khẩu. Đó là vùng chè trên 12.500ha; vùng quế 27.000ha; diện tích rừng trồng mới (5 năm) 71.248ha; vùng tre măng Bát độ ở Trấn Yên, Yên Bình; góp phần đưa tổng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp tăng bình quân 6,42%/năm.
Hiệu quả rõ rệt
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và PTNT, đến nay cả nước có khoảng 150.000 TT với diện tích đất sử dụng khoảng 900.000ha. KTTT phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Các TT chuyên trồng cây nông nghiệp chiếm 55,3%, chăn nuôi gia súc, gia cầm 10,3%, lâm nghiệp 2,2%, nuôi trồng thuỷ sản 27,3% và sản xuất kinh doanh tổng hợp chiếm 4,9%.
Nhờ chính sách đúng đắn mà kinh tế trang trại giúp hàng nghìn người dân phát triển kinh tế.
 
KTTT là bước phát triển mới của kinh tế hộ gắn với mục tiêu sản xuất hàng hoá quy mô lớn, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng tăng nhanh tỷ trọng sản xuất hàng hoá, tạo ra các vùng sản xuất tập trung làm tiền đề cho công nghiệp chế biến nông lâm sản, đưa công nghiệp và các ngành nghề dịch vụ vào nông thôn, tăng tốc độ phủ xanh đất trống, đồi núi trọc (20-30 vạn hecta), cải thiện môi trường sinh thái. Ngoài ra, KTTT còn góp phần huy động lượng vốn đầu tư khá lớn trong dân (có thể tới 20.000 tỷ đồng) để đầu tư cho phát triển sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp; giải quyết việc làm cho lao động ở nông thôn, ngoài 30 vạn lao động của gia đình còn thuê thêm 10 vạn lao động thường xuyên và 30 triệu ngày công lao động thời vụ/năm. Hàng năm, KTTT còn làm ra giá trị tổng sản lượng gần 12.000 tỷ đồng, trong đó 87% là sản phẩm hàng hoá. Kinh tế trang trại còn sản xuất và cung cấp giống tốt, làm dịch vụ kỹ thuật, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân trong vùng.
Trong chục năm gần đây, kinh tế Việt Nam có mức tăng trưởng khá và ổn định khoảng trên 7%/năm, đời sống của nhân dân, nhất là nông dân được cải thiện, trong đó KTTT có đóng góp rất lớn. KTTT ra đời và phát triển đã tạo điều kiện để những người nông dân tự làm giàu trên mảnh đất của mình. Trên cơ sở đó, họ góp phần giúp quê hương mình ngày càng phát triển.Đồng thời, nhờ sự giao lưu, học hỏi giúp đỡ lẫn nhau giữa các chủ trang trại, các hộ còn khó khăn đã có điều kiện gia tăng sản xuất.
Ở vùng rú cát huyện Quảng Điền (Thừa Thiên - Huế) mô hình TT của anh Ái Hiệp đã mở ra hướng phát triển mới cho người dân địa phương. Bằng ý chí, nghị lực của mình, sau ba năm lăn lộn với nắng gió khắc nghiệt, anh đã xây dựng thành công TT tổng hợp, diện tích 8,7ha. TT của anh hội tụ đầy đủ các loại hình như chăn nuôi, trồng trọt kết hợp trồng rừng. Tận dụng vùng đất rộng và thoáng, anh Hiệp đã đầu tư hơn 300 triệu đồng xây dựng 2 trại nuôi lợn, bao gồm lợn thịt và lợn nái. Hiện nay, TT của anh thường xuyên có 40 lợn nái và 600 lợn thịt. Ngoài ra, anh còn trồng thêm thanh long ruột đỏ. Hiện 60 gốc thanh long đang phát triển khá tốt, mang lại nguồn thu nhập ổn định.
Sau 6 năm chuyển sang làm kinh tế trang trại VAC, chị Trần Thị Huấn ở phường Vân Phú (TP. Việt Trì - Phú Thọ) đã có một cơ ngơi đáng nể. Từ 4ha đất nông nghiệp kém hiệu quả chị thuê lại làm kinh tế VAC. Sớm nhận thấy hiệu quả kinh tế rõ rệt của nghề chăn nuôi, chị đã quyết định coi đây là hướng đi chính để vươn lên làm giàu. Mỗi năm, nhà chị xuất chuồng 3 lứa lợn, mỗi lứa 100 con, thu về trên 800 triệu đồng, trừ chi phí lãi 200 triệu đồng. Ngoài nuôi lợn, chị Huấn còn tận dụng 3,6ha mặt nước nuôi cá nheo, rô phi đơn tính.
Anh Nguyễn Mạnh Huy là Chủ tịch Hội Nông dân xã Đồng Kỳ (Yên Thế - Bắc Giang). Mặc dù mới 26 tuổi nhưng tài sản trong tay Huy đã có hàng tỷ đồng. Với diện tích đất đồi hơn 1,6ha, Huy mạnh dạn học hỏi, xây dựng mô hình TT tổng hợp đem lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện, TT của anh đang nuôi 120 đôi chim bồ câu, 800 con gà đồi cùng 50 đôi thỏ. Huy còn trồng trên 600 gốc xoan lai xen kẽ cùng với 3.000 cây sanh. Cứ 90 ngày, TT của Huy lại xuất một lứa chim, thỏ, gà đồi, trừ các khoản chi phí, Huy bỏ túi 6 - 10 triệu đồng. Không chỉ dừng lại mô hình TT 1,6ha, Huy còn đang xây dựng mô hình gắn kết chặt chẽ giữa chăn nuôi và trồng trọt trên diện tích gấp 3 lần hiện nay. Khi được hỏi tại sao lại đầu tư mạnh tay như vậy, Huy chia sẻ: "Mình là Chủ tịch Hội Nông dân, không đi đầu xây dựng các mô hình kinh tế mới thì nói hội viên ai nghe".
Anh Lâm Thanh Đức, chủ trại gà Thanh Đức ở ấp Bình Tân, xã Xuân Phú (Xuân Lộc - Đồng Nai) hiện có đàn gà khoảng 80.000 con, trong đó có 60.000 con gà đẻ, 20.000 con gà giống. Toàn bộ quy trình chăn nuôi đều được thực hiện theo một quy trình khép kín, từ khâu sản xuất thức ăn, chăm sóc đến xuất chuồng; bình quân mỗi năm trang trại của anh cho thu nhập trên 1 tỷ đồng. Hiện nay, ngoài việc cung cấp trứng cho thị trường qua các đầu mối và hệ thống siêu thị, trang trại đang thực hiện việc bán hàng bình ổn giá tại địa phương.
Hàng chục nghìn trang trại trên cả nước đang làm ăn hiệu quả, giúp đời sống người dân được nâng cao, bộ mặt nông thôn thay đổi từng ngày là minh chứng cho chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước trong việc khuyến khích, hỗ trợ KTTT phát triển.
Theo Kinh tế nông thôn

Nguồn:http://www.kinhtenongthon.com.vn/Story/VandeSukien/2011/8/29940.html


Tin khác