Thực hiện Đề án đào tạo nghề cho LĐNT: Điều chỉnh lại cơ cấu lao động, cách dạy nghề

30/08/2011

Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn, gọi tắt là Đề án 1956 đã triển khai được hơn một năm, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn nhiều băn khoăn của những người trong ngành. Ông Tăng Minh Lộc, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn, Bộ NN-PTNT đã có cuộc trao đổi với PV xung quanh vấn đề này.

Ông Tăng Minh Lộc
Đánh giá về ý nghĩa của Đề án 1956, ông Lộc cho hay: Xây dựng nông thôn mới là một chương trình tổng hợp và toàn diện. Đó là một việc rất khó, và không thể thành công nếu không có vai trò đứng lên làm chủ, tức là chủ thể của cộng đồng dân cư nông thôn. Chính vì vậy, Chính phủ có chương trình mục tiêu quốc gia là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nông thôn.    
Nhìn nhận lại qua một năm triển khai đề án, kết quả đến nay như thế nào, thưa ông?
Chương trình dạy nghề này năm 2011 được ngân sách bố trí là 1.800 tỷ đồng, chứng tỏ đấy là một chương trình rất lớn, được đặc biệt quan tâm.    
Năm 2011, mục tiêu đặt ra là đào tạo đến 1 triệu lao động, trong đó 100.000 cho đào tạo cán bộ cơ sở, 300.000 cho đào tạo nông nghiệp và 600.000 cho đào tạo phi nông nghiệp. Hiện nay theo quan sát của chúng tôi, đào tạo nghề mới chỉ chủ yếu ở nghề phi nông nghiệp, như nghề mây tre, nghề mộc, nghề may… Những học viên nông dân không mặn mà lắm vì học xong, làm nghề mà đầu ra không tiêu thụ được thì cũng đến bỏ nghề. 
Hai là chúng ta đào tạo với tính chất là đón công nghiệp liệu có đáp ứng được nhu cầu của DN không. Thứ nữa là chúng ta trong thời gian ngắn có thể hình thành nhiều DN, để thu hút hết số lao động mà chúng ta đã đào tạo sẵn hay không. Câu trả lời là, vậy tại sao chúng ta phải cần tới 600.000? Trong khi đó, đối với nông nghiệp, là một lĩnh vực rất rộng và nếu đào tạo, nông dân sẽ có việc làm ngay, sẽ có công việc ổn định và nghề này sẽ lâu dài cho họ rất nhiều.  
Ví dụ như trồng trọt thì không chỉ có lúa mà còn có cây ăn quả, rau, mà bây giờ phải là rau sạch,  rồi làm kinh tế rừng, rồi làm hoa… Trong chăn nuôi thì không chỉ có lợn, gà mà còn có những đặc sản như nhím, hươu… mang lại lợi nhuận cao. Trong thủy sản cũng thế, bên cạnh tôm, cá còn nhiều đặc sản khác…  
Trong nghề nông hiện nay có rất nhiều nghề, nhiều sản phẩm đang XK rất tốt nhưng trình độ lao động lại rất hạn chế, thì chúng ta lại chưa tập trung đào tạo cho số lao động này. Đào tạo nghề cho nông dân không chỉ giải quyêt vấn đề trước mắt mà còn rất lâu dài vì chúng ta có rất nhiều lợi thế trong nông nghiệp, chúng ta cũng đang XK lao động thông qua nông sản rất lớn. Với một lĩnh vực nhiều triển vọng như vậy mà cơ cấu đào tạo lại ít hơn là chưa hợp lý. 
Thứ hai là về cung cách dạy, tôi thấy trong rất nhiều văn bản cũng như ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ có nêu việc dạy nghề nông sẽ giao cho ngành nông nghiệp lo, tức là 300.000 chỉ tiêu của năm 2011 và về sau này nữa sẽ giao cho ngành nông nghiệp nhưng đến nay vẫn chưa bố trí kinh phí để thực hiện công tác này.  
Việc phân bổ đào tạo nông nghiệp, ngành nông nghiệp vẫn giao cho Sở LĐ - TB & XH các tỉnh, và tất nhiên các Sở này lại giao cho các trung tâm đơn vị của ngành, các trung tâm đơn vị dạy nghề khác, trong đó Hội Nông dân, Trung tâm Khuyến nông các tỉnh cũng được giao một ít chỉ tiêu. Nhưng các cơ sở kia làm gì có giáo viên có chuyên môn nông nghiệp để đào tạo nông dân nông nghiệp, thế nên họ lại thuê lại chính các đối tượng khuyến nông của ngành đi dạy thuê cho họ.
Hiện nay, đội ngũ khuyến nông hình thành từ trung ương đến tỉnh, huyện, xã rất hùng hậu, có đến 33.640 người và trên 60% là trình độ đại học chính quy, họ rất chuyên nghiệp, không chỉ trong việc tập huấn hướng dẫn cho người dân mà còn xây dựng mô hình thực địa ở các làng, thôn, bản. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp còn có hệ thống trường trung cấp ở các tỉnh. Nhưng hiện nay đội ngũ cán bộ, hệ thống cơ sở vật chất của trường và những cán bộ khuyến nông lại chính là đối tượng đi làm thuê cho các đối tượng dạy nghề khác. Dạy nghề nông nghiệp nhưng lại giao cho những người không hiểu gì về nông nghiệp.
Chúng ta cũng đồng ý rằng, việc dạy nghề là phải xã hội hóa, nhưng mà không thể bố trí những người không hiểu gì về nghề nông, không có kỹ năng về nghề nông lại đi dạy về nghề nông, trong khi những người hiểu về nghề nông, có kỹ năng về nghề nông lại đứng ngoài cuộc hoặc chỉ là những người đi làm thuê. Và như vậy chi phí dạy nghề sẽ bị lãng phí một cách không hợp lý.  
Theo ông, để đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn thành công, yếu tố nào là quan trọng nhất? 
Như tôi đã phân tích, chúng ta cần phải giải quyết, tác động, điều chỉnh ngay những vướng mắc trên. Điều chỉnh lại cơ cấu lao động và cách thức dạy nghề. Về cơ cấu đào tạo, trong giai đoạn đầu, khi công nghiệp chưa phát triển mạnh thì chúng ta tập trung đào tạo nông dân, để họ làm nông giỏi. Đây không chỉ giải quyết những vấn đề trước mắt mà còn rất bền vững về sau này. Trước mắt, tỷ lệ đào tạo nông dân phải cao hơn, còn những năm sau này thì chúng ta sẽ chuyển sang đào tạo phi nông nghiệp.  
Về cách thức đào tạo, chúng ta phải thực hiện giao nhanh việc dạy nghề nông cho hệ thống nông nghiệp mà nhiệm vụ chính phải là hệ thống khuyến nông quốc gia. Việc dạy nghề nông, sản xuất nghề nông phải theo quy hoạch sản phẩm, sản xuất hàng hóa của xã hoặc của vùng đó. Chúng ta đào tạo ra lực lượng nông dân nòng cốt, rồi xây dựng mô hình sản xuất, để người nông dân có thể học tập được. Chúng ta phải hướng vào những sản phẩm, hàng hóa đã được lựa chọn có tính lâu dài, bền vững để tập huấn, đào tạo thì mới sản xuất ra những sản phẩm có tính cạnh tranh cao, đáp ứng được yêu cầu xây dựng nông thôn mới.
Đối với dạy nghề phi nông nghiệp, chúng ta phải gắn chặt với yêu cầu của DN. Việc xác định nhu cầu của DN không khó lắm, bởi khi DN đến đăng ký đầu tư, lãnh đạo địa phương đó biết rất rõ DN cần bao nhiêu công nhân, cần những nghề gì, vì họ phê duyệt dự án đó. Khi DN được chấp nhận, họ bắt đầu xây dựng cơ sở vật chất ở KCN, việc đào tạo bắt đầu cũng vẫn kịp. Và như thế, đội ngũ công nhân chúng ta đào tạo ra mới đáp ứng được nhu cầu DN, mới đảm bảo công nhân có nghề và có việc làm.
Cái nữa là chúng ta phải chấn chỉnh lại cơ sở dạy nghề phi nông nghiệp. Tôi không hiểu sao, có lẽ vì dễ làm ăn nên các cơ sở dạy nghề mọc lên như nấm, nhưng chất lượng đội ngũ giáo viên, thiết bị, cơ sở vật chất không đảm bảo, thậm chí rất nghèo nàn và không phù hợp với nghề họ dạy. Và điều đó chỉ thiệt thòi cho chính người công nhân, bởi họ đã học xong, đóng tiền xong nhưng không đủ điều kiện để vào DN.  
Chúng ta cần phải chấn chỉnh để nâng cao hiệu quả công tác dạy nghề, để kỳ vọng công tác dạy nghề đi đúng hướng, đạt được mục đích và không lãng phí tiền của nhân dân.  
Xin cảm ơn ông!
Theo Nông nghiệp Việt Nam

Nguồn: http://nongnghiep.vn/nongnghiepvn/vi-VN/61/158/1/15/15/83186/Default.aspx


Tin khác