Bảo vệ, phát triển rừng và đa dạng sinh học

30/08/2011

Tình trạng biến đổi khí hậu đã và đang diễn ra, ngay từ bây giờ chúng ta phải có hành động cụ thể để giảm nhẹ và thích ứng với biến đổi khí hậu, một trong những giải pháp quan trọng là phải bảo vệ, phát triển rừng, bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học.

Thủ đô Hà Nội có trên 29.000 ha rừng và đất lâm nghiệp, chiếm một tỷ lệ nhỏ trong tổng diện tích tự nhiên của thành phố. Nhưng Hà Nội là nơi giao lưu kinh tế văn hóa của cả nước, tập trung sản xuất, kinh doanh hàng thủ công mỹ nghệ, chế biến gỗ, lâm sản, đặc sản rừng vô cùng phong phú. Hàng năm trên địa bàn Hà Nội có khoảng trên 4 vạn m3 gỗ xẻ lưu hành, hàng trăm doanh nghiệp, hàng nghìn hộ gia đình kinh doanh chế biến lâm sản; số lượng nhà hàng khách sạn kinh doanh đặc sản rừng ngày một tăng, tình hình xuất nhập khẩu lâm đặc sản ngày càng phát triển.
Phát triển rừng được Hà Nội coi trọng
 
Nếu Hà Nội không quản lý chặt chẽ lâm sản, động thực vật rừng thì chính Hà Nội là nơi tiêu thụ, khuyến khích cho mọi hành vi phá hoại rừng, hủy hoại thiên nhiên môi trường sinh thái của khu vực và phạm vi toàn quốc. Vì vậy công tác quản lý, bảo vệ rừng, quản lý lâm sản, quản lý động thực vật rừng là rất cần thiết. Nó có vai trò vô cùng quan trọng trong việc phòng hộ bảo vệ môi trường, đặc biệt giữ vững cân bằng sinh thái.
Trong những năm gần đây, biến đổi khí hậu đã và đang tác động nghiêm trọng đến sản xuất, đời sống và môi trường, làm gia tăng các hiện tượng thiên tai, cả về số lượng và mức độ nghiêm trọng. Ở Hà Nội, nhiệt độ trung bình năm ngày một tăng, tháng 1-2/2008 đợt rét hại kéo dài 41 ngày, trận mưa lịch sử trong 5 ngày cuối tháng 10/2008 gây ngập ứng trên diện rộng, đợt rét kéo dài 31 ngày trong tháng 1/2011 đã gây thiệt hại lớn đến sản xuất nông nghiệp, đời sống của nhân dân.
Ngày nay, dưới tác động của biến đổi khí hậu làm cho thiên tai, đặc biệt là bão, lũ, lụt, hạn hán... xảy ra ngày càng ác liệt, ảnh hưởng đến sản xuất đời sống nhân dân và môi trường của cả nước nói chung và trên địa bàn Hà Nội nói riêng. Do vậy việc đầu tư bảo vệ, phát triển rừng và đa dạng sinh học có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Hãy hưởng ứng khẩu hiệu “Liên kết toàn cầu vì sự sống”, mỗi loài thực vật, hay động vật đều xứng đáng được bảo vệ, hệ sinh thái này gắn kết với mỗi con người mọi cuộc sống của chúng ta.
Trong nhiều năm, Chi cục Kiểm lâm Hà Nội đã làm tốt công tác quản lý bảo vệ, phát triển rừng; tham mưu thành lập các Ban chỉ huy các vấn đề cấp bách về bảo vệ rừng, PCCCR các cấp, các tổ đội xung kích bảo vệ rừng và PCCCR. Hiện nay, toàn Thành phố có 71 Ban chỉ huy PCCCR, 3 đội Kiểm lâm cơ động và 2 đội chữa cháy rừng chuyên ngành. Đầu tư xây dựng 2 trạm quan sát dự báo nguy cơ cháy rừng, 21 chòi quan sát lửa rừng, 6 hồ chứa nước, 8 bể nước, 25km đường băng xanh và 31 khu đường băng trắng phòng chống cháy lan và nhiều phương tiện, công cụ phục vụ PCCCR khác, do làm tốt công tác PCCCR nên đã hạn chế được nạn cháy rừng xảy ra.
Công tác giao rừng, giao đất lâm nghiệp của Thành phố phần lớn đã giao cho Vườn quốc gia Ba Vì, khu di tích lịch sử văn hóa Hương Sơn, các đơn vị quân đội, các doanh nghiệp, cá nhân, hộ gia đình quản lý trên 90% diện tích. Hiện nay, việc phân định mốc giới 3 loại rừng của thành phố Hà Nội bước đầu xác định cho 2 khu rừng đặc dụng là VQG Ba Vì và khu rừng di tích lịch sử văn hóa Hương Sơn.
Tính đến nay thực hiện xã hội hóa bảo vệ và phát triển rừng đã hướng dẫn cho 50 thôn bản, xây dựng được bản quy ước bảo vệ và phát triển rừng, nhận thức về vai trò quan trọng của rừng trong nhân dân ngày càng được tăng lên. Song song với công tác bảo vệ và phát triển rừng, công tác bảo tồn đa dạng sinh học các loài động vật hoang dã trên địa bàn Thành phố ngày càng phát triển mạnh mẽ, ngoài nguồn tài nguyên động vật rừng có trong tự nhiên tại các VQG, khu bảo tồn thì một số lượng lớn các loài động thực vật hoang dã đang được các cơ sở và người dân gây nuôi. Theo thống kê, Chi cục Kiểm lâm Hà Nội đã cấp được 292 cơ sở đăng ký trại nuôi sinh sản, sinh trưởng các loài động vật hoang dã, khoảng 130 loài với tổng số trên 40.000 cá thể, gần 500 cá thể gấu trên địa bàn Thành phố đã được gắn chip và quản lý theo quy định.
Trong tình hình hiện nay công tác bảo vệ, phát triển rừng và đa dạng sinh học của ngành NN - PTNT Hà Nội cần được định hướng trong thời gian tới như sau:
- Xác định, lựa chọn được tập đoàn cây trồng thích hợp với biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế xã hội với đặc thù của Thủ đô để kinh doanh rừng bền vững trên 29.000ha được quy hoạch cho lâm nghiệp. Trong đó:
+ Rừng đặc dụng: 10.000 ha
+ Rừng phòng hộ môi trường: 5.000 ha
+ Rừng sản xuất: 14.000 ha
- Xây dựng và triển khai một số mô hình kinh tế sinh thái, bảo vệ môi trường bảo tồn và phát triển động thực vật hoang dã trên vùng đệm Vườn quốc gia Ba Vì, rừng phòng hộ Sóc Sơn, rừng đặc dụng Hương Sơn.
- Hoàn thành Quy hoạch bảo vệ, phát triển rừng thành phố Hà Nội đến năm 2020 tầm nhìn năm 2030 trình Thành phố phê duyệt.
- Quy hoạch bảo tồn và phát triển các loài động vật hoang dã ở thành phố Hà Nội.
Theo Nông nghiệp Việt Nam

Nguồn: http://nongnghiep.vn/nongnghiepvn/vi-VN/61/158/135/135/135/83160/Default.aspx


Tin khác