"Thay cấm đoán bằng hỗ trợ nông dân"

30/08/2011

Đó là ý kiến của TS Nguyễn Thanh Tùng, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế và Quy hoạch Thủy sản kiêm Phân viện trưởng Phân viện Quy hoạch Thủy sản phía Nam khi trao đổi với NNVN về vị trí con tôm thẻ chân trắng.

TS Nguyễn Thanh Tùng
Thưa ông, con tôm thẻ chân trắng đã chứng tỏ được hiệu quả kinh tế cao ở nhiều địa phương. Còn trên toàn vùng ĐBSCL, nó có vị trí ra sao?
Tôm chân trắng bắt đầu được nuôi thử nghiệm ở ĐBSCL từ năm 2002, do Cty Duyên Hải thực hiện trên diện tích 30 ha ở Bạc Liêu. Đến tháng 2/2008, Bộ NN-PTNT ra Chỉ thị về việc cho phép nuôi tôm thẻ chân trắng, 8 tỉnh ở ĐBSCL đã bắt đầu chính thức cho dân nuôi ở những vùng có quy hoạch.
Nhìn chung trong 3 năm qua, ở ĐBSCL, tôm thẻ chân trắng được phát triển một cách thận trọng với tốc độ chậm. Người nuôi chủ yếu là các doanh nghiệp, các “đại gia” trong nghề nuôi tôm. Dân vừa nuôi, vừa rút kinh nghiệm cho vụ sau. Sự phát triển của con tôm thẻ chân trắng hiện nay đang giống với con tôm sú 20 năm trước. Trước năm 1980, tôm sú hầu như chỉ được khai thác từ tự nhiên. Từ năm 1980, nông dân bắt đầu nuôi thử nghiệm tôm sú và nuôi một cách thận trọng. Từ sự thận trọng đó, đến nay tôm sú đã trở thành một đối tượng nuôi có giá trị kinh tế lớn ở ĐBSCL.
Đặc biệt từ khi dịch bệnh trên tôm sú bùng phát mạnh hồi đầu năm nay, diện tích tôm thẻ chân trắng đã tăng khá nhanh ở ĐBSCL. Tỉnh Bến Tre năm ngoái mới có gần 400 ha, hiện nay đã lên tới 1.000 ha, Bạc Liêu tăng từ 250 lên 330 ha … Tỉnh Sóc Trăng vốn từng là thủ phủ tôm sú ở ĐBSCL, giờ đây nhiều hộ dân cũng đã mạnh dạn chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng ở những diện tích nuôi tôm sú không còn hiệu quả nữa.
Năng suất bình quân tôm thẻ chân trắng ở ĐBSCL là 8-12 tấn/ha, cao hơn nhiều so với tôm sú (5- 6 tấn/ha). Chi phí sản xuất tôm thẻ chân trắng ở mức bình quân là 55.000 đ/kg. Với giá bán xấp xỉ 100.000 đ/kg (loại từ 80-100 con/kg), người nuôi tôm thẻ ở ĐBSCL đang có lợi nhuận lớn. Tôm thẻ chân trắng đã cho thấy đây là một đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao, góp phần làm tăng sản lượng, giá trị xuất khẩu tôm.
Bởi thế, có thể nói tôm thẻ chân trắng đã là cứu cánh cho người nuôi tôm ĐBSCL khi con tôm sú bị dịch bệnh tàn phá nặng nề. Việc Bộ NN-PTNT cho phép nuôi tôm thẻ chân trắng là rất kịp thời. Nếu không, với tình hình dịch bệnh trên tôm sú trong thời gian qua, đã có rất nhiều ao tôm bị bỏ không rồi.
Là người đã và đang giúp cho nhiều địa phương ở ĐBSCL trong việc lập quy hoạch phát triển tôm nói riêng và thủy sản nói chung, theo ông, các tỉnh ven biển ĐBSCL liệu có đẩy mạnh phát triển tôm thẻ chân trắng trong thời gian tới?
Nhìn chung các tỉnh ven biển ĐBSCL đều đã coi trọng con tôm thẻ chân trắng và xem nó là một con nuôi chủ lực, không chỉ bây giờ mà cả trong tương lai. Một số tỉnh đã bắt đầu chú ý tới việc quy hoạch phát triển riêng loài tôm này.
Đến nay, Bến Tre là tỉnh đầu tiên ở ĐBSCL đã có quy hoạch chi tiết về phát triển tôm thẻ chân trắng đến 2020. Theo đó, đến 2020, tỉnh này có 5.450 ha tôm thẻ chân trắng, tập trung ở các huyện Bình Đại (2.50 ha), Thạnh Phú (1.900 ha) và Ba Tri (1.500 ha). Hình thức nuôi là thâm canh và bán thâm canh. Bến Tre cũng đã đưa tôm thẻ chân trắng vào danh sách 5 loài thủy sản chủ lực, gồm: tôm sú, tôm thẻ chân trắng, nghêu, cá tra và tôm càng xanh.
Các tỉnh khác ở ĐBSCL đã lồng ghép việc phát triển tôm thẻ chân trắng vào quy hoạch phát triển thủy sản của địa phương. Ở Đông Nam bộ, TP HCM, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và Đồng Nai đều có kế hoạch phát triển tôm thẻ chân trắng. Trong đó, TP HCM cũng đang lập quy hoạch chi tiết để phát triển loài tôm này. Nhìn chung, các tỉnh, TP phía Nam đều xác định phát triển tôm thẻ chân trắng trong vùng quy hoạch và có điều kiện.
Trong mấy năm qua, sự phát triển tôm thẻ chân trắng ở ĐBSCL có đe dọa gì tới môi trường không? Theo ông có nên cấm nuôi loài tôm này với tư cách là một sinh vật ngoại lai xâm hại hay không?
Tôm thẻ chân trắng chưa gây thiệt hại gì tới môi trường. Một số nhà khoa học cứ nói nó bệnh này, bệnh nọ, nhưng họ đã chỉ ra cụ thể bệnh như thế nào đâu?
Dân nuôi tôm thẻ đã mấy năm rồi, họ đã nắm vững những kiến thức về loài tôm này như đặc tính sinh học, thời vụ, năng suất …, và nhất là tôm thẻ đang nuôi rất hiệu quả. Cấm là vô lý. Mà có cấm nuôi cũng không được. Thay cho việc cấm đoán, theo tôi Nhà nước nên hỗ trợ, hướng dẫn nông dân nuôi tôm thẻ ngày càng tốt hơn, cả về kinh tế lẫn môi trường. Từ thực tế ở ĐBSCL trong thời gian qua, có thể khẳng định rằng nếu quản lý, kiểm soát tốt việc phát triển tôm thẻ ở các địa phương, thì sẽ không có việc gì phải lo.
Riêng với Bộ NN-PTNT, tôi đề nghị Bộ tiếp tục chỉ đạo các Viện, Trung tâm nghiên cứu theo dõi sát tình hình phát triển tôm thẻ chân trắng ở các địa phương, để nếu có trục trặc gì thì có những giải pháp khắc phục kịp thời.
Xin cám ơn ông!
Theo Nông nghiệp Việt Nam
Nguồn: http://nongnghiep.vn/nongnghiepvn/vi-VN/61/158/1/1/1/83096/Default.aspx

Tin khác