Nâng cao giá trị xuất khẩu cho sản phẩm chè Việt Nam

30/08/2011

Hiệp Hội chè Việt Nam cho biết, Việt Nam là nước xuất khẩu chè lớn thứ 5 thế giới với thị trường xuất khẩu lên tới 118 quốc gia và vùng lãnh thổ nhưng giá chè xuất khẩu của Việt Nam chỉ bằng một nửa so với giá chè bình quân trên thế giới. Do vậy, ngành chè đang nỗ lực tìm các giải pháp để có thể nâng cao giá trị xuất khẩu sản phẩm chè trong thời gian tới.

Theo thống kê của Hiệp hội Chè Việt Nam, ở nước ta cây chè đã được phát triển ở 34 tỉnh, với khoảng 6 triệu lao động tham gia. Năm 2008, diện tích trồng chè của cả nước là 131 nghìn ha. Theo kế hoạch đến 2015, diện tích này được nâng lên là 150 nghìn ha. Trong khi đó, hiện cả nước đã có khoảng 600 nhà máy chế biến chè, vùng nguyên liệu chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu nên đã dẫn tới tình trạng tranh mua, tranh bán nguyên liệu. Theo Hiệp hội Chè Việt Nam, ngành chè mỗi năm chỉ chế biến được khoảng 160 nghìn tấn, bằng một nửa năng lực sản xuất.
Cần đẩy mạnh việc sản xuất chè sạch, chất lượng cao
 
Ngoài ra, người trồng chè vì lợi nhuận đã tăng cường sử dụng thuốc trừ sâu, phân bón hoá học để tăng năng suất. Điều này dẫn đến chất lượng sản phẩm không đồng đều. Đây cũng là nguyên nhân khiến nước ta mặc dù đang đứng thứ 5 trên thế giới về xuất khẩu chè, nhưng giá chè xuất khẩu bằng 1/2 giá chè bình quân trên thế giới. Gần đây còn có hiện tượng 1 số vùng nguyên liệu đang sản xuất chè không đủ tiêu chuẩn để xuất đi Trung Quốc, việc làm này không chỉ đe dọa đầu vào của các nhà máy mà còn làm ảnh hưởng đến uy tín chè Việt Nam.
Nguyên nhân nữa phải được kể đến là do các doanh nghiệp chưa xây dựng được thương hiệu nên chưa xuất khẩu được chè thành phẩm, đóng trong bao bì nhỏ phân phối trực tiếp tới tay người tiêu dùng. Thêm nữa, hầu hết các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chè Việt Nam thuộc diện nhỏ, vốn ít, thiếu kiến thức marketing, kinh nghiệm đàm phán ky kết hợp đồng ngoại thương còn nhiều sơ hở nên bị đối tác ép giá.
Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đưa ra 5 giải pháp để hỗ trợ ngành chè: Thứ nhất, tiến hành quy hoạch phát triển chè; Thứ hai, tăng cường công tác khoa học công nghệ và chuyển giao kỹ thuật trong sản xuất và chế biến chè; Thứ ba, tăng cường công tác hợp tác quốc tế, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ chè; Thứ tư, khuyến khích mọi thành phần kinh tế đầu tư phát triển các cơ sở công nghiệp chế biến chè theo quy hoạch và từng bước hiện đại hóa các cơ sở đã có theo hướng tăng nhanh tỷ lệ các sản phẩm chè tinh chế, bảo đảm đủ công suất chế biến có chất lượng cao và đa dạng hóa sản phẩm; Thứ năm, tái tổ chức sản xuất ngành chè.
Về phía Hiệp hội chè Việt Nam, việc cấp bách hiện nay là cần tập trung xây dựng vùng nguyên liệu bởi không thể giải quyết tình trạng thiếu nguyên liệu chè nếu không quy hoạch bài bản vùng nguyên liệu. Đây là yếu tố quyết định để ngành chè Việt Nam phát triển. Theo đó, cần quy hoạch vùng nguyên liệu cho từng cơ sở chế biến đồng thời phải có sự ràng buộc đối với các cơ sở này. Nếu không có vùng nguyên liệu cụ thể, các địa phương cứ cấp giấy phép đầu tư xây dựng nhà máy chế biến, tạo cơ hội để các doanh nghiệp cạnh tranh nguyên liệu thiếu lành mạnh. Mặc dù Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư không nêu những điều kiện cụ thể phải có vùng nguyên liệu mới được xây dựng nhà máy, nhưng đây là đòi hỏi thực tế, bảo đảm cho ngành chè phát triển bền vững. Chỉ khi vùng nguyên liệu được quy hoạch bài bản, cơ sở chế biến gắn với vùng nguyên liệu, gắn với người trồng chè, thì mới tạo ra hiệu quả lâu dài. Ngoài ra, chính quyền địa phương phải tổ chức rà soát lại vùng nguyên liệu của từng cơ sở chế biến, phân định ranh giới cụ thể cho từng doanh nghiệp đến từng hộ dân; yêu cầu các doanh nghiệp trực tiếp ký hợp đồng với từng hộ nông dân theo Quyết định số 80/2002/QĐ- TTg của Thủ tướng Chính phủ về đầu tư và tiêu thụ nông sản cho nông dân. Doanh nghiệp nào không thực hiện đúng thì rút giấy phép đầu tư. Hiệp hội chè có thể tập trung chỉ đạo điểm ở một địa phương cụ thể về việc tiến hành thực hiện mỗi nhà máy chế biến chè có một vùng nguyên liệu cụ thể, sau đó nhân rộng ra toàn ngành. Để có nguồn nguyên liệu ổn định về số lượng và chất lượng, các doanh nghiệp phải đầu tư cho nông dân một cách bài bản. Nếu không đủ điều kiện đầu tư vật chất thì doanh nghiệp phải đầu tư về kỹ thuật, công nghệ, cạnh tranh thông qua trình độ, công nghệ, năng lực tài chính để giành thị phần tiêu thụ, chứ không thể cạnh tranh về giá như hiện nay.
Bên cạnh đó, tăng cường các biện pháp để đẩy mạnh nâng cao chất lượng chè. Đặc biệt là vấn đề dư lượng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật trên chè cần được giải quyết một cách nhanh chóng. Bởi đó là nguyên nhân chính làm cho chè Việt Nam chưa có uy tín trên thị trường thế giới. Cần tăng cường phổ biến kiến thức cho người trồng chè để có thể sản xuất ra những nguyên liệu chất lượng đảm bảo. Các bộ, ngành liên quan cần có biện pháp mạnh trong việc xử lý những nhà máy chè vi phạm các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm; cân nhắc việc cấp giấy phép sản xuất, buôn bán cho các nhà máy không nằm ở vùng chè và khuyến khích mở rộng mô hình “nhà máy - vườn chè”. Giải quyết được vấn đề trên cũng đồng nghĩa với việc nâng cao chất lượng, giá trị của chè Việt cũng như đảm bảo được quyền lợi của người tiêu dùng trong và ngoài nước. Phát triển chè hữu cơ, chè an toàn, đẩy mạnh thâm canh các giống chè đặc sản là con đường duy nhất để đạt được những mục tiêu đó. Và đó cũng là một trong những mục tiêu cần hướng tới để tạo nên nền sự phát triển bền vững cho ngành chè.
Ngoài ra, ngành chè Việt Nam cần làm tốt hơn nữa công tác phân tích và nghiên cứu thị trường, xác định được thị trường trọng tâm, thị trường tiềm năng, xác định sản phẩm chủ lực... làm được như vậy thì trong thời gian không xa, sản phẩm chè Việt Nam sẽ thực sự có chỗ đứng trên thị trường thế giới.
Theo Báo Điện tử Đảng Cộng sản

Nguồn:http://dangcongsan.vn/CPV/Modules/News/NewsDetail.aspx?co_id=30066&cn_id=474833


Tin khác