Câu chuyện giá lúa và bài học thị trường

08/08/2011

Các chuyên gia cho rằng, nếu nông dân không đủ điều kiện dự trữ lúa khi thu hoạch xong, gặp thời điểm thuận lợi về giá nên bán để giảm tổn thất.

Giá lúa tăng trở lại
Nhiều nông dân ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) khi gặp cách đây khoảng nửa tháng đã không thể biết được những hạt lúa sau khi thu hoạch của mình sẽ được định đoạt ra sao. Nay thì khác hẳn, trong vòng hơn 10 ngày qua, giá lúa đã phát đi những tín hiệu tích cực khi các doanh nghiệp công bố giá thu mua lúa gạo cao. Trong đó, giá lúa khô loại thường dao động từ 6.400 đến 6.500 đồng/kg, tăng 300 đồng/kg, lúa dài khoảng 6.650 đến 6.750 đồng/kg, tăng 400 đồng so với tuần trước.
 
Ở mức giá này, lợi nhuận từ hạt lúa đã giúp họ có thể trang trải những khó khăn kể từ đầu vụ sản xuất. Câu chuyện về sự lên xuống thất thường của hàng hóa nông sản; trong đó đặc biệt là giá lúa luôn là đề tài nóng bỏng đòi hỏi các giải pháp đồng bộ căn cơ mang tính bền vững đối với các cấp, các ngành trong công tác quản lý.
Mấy ngày qua, giá lúa trên thị trường đang tăng trở lại làm cho nhiều người trồng lúa càng thêm phấn chấn. Ông Nguyễn Văn Trung ở huyện Châu Thành, An Giang phấn khởi khi vừa bán xong trên 10 tấn lúa đã phơi khô với giá 6.400 đồng/kg, thu về nguồn lợi nhuận khoảng 30 triệu đồng. Ông Trung và những người trồng lúa nơi đây cho biết, mấy ngày trước giá lúa thấp đã kéo theo việc mua, bán lúa cũng gặp nhiều trở ngại. Lúc bà con muốn bán lúa kiếm thương lái rất khó khăn, nếu có cũng bị kỳ kèo giá cả, chê khen đủ điều. Nhưng từ khi giá lúa tăng trở lại, các ghe lúa cũng bắt đầu rảo trên các tuyến sông; tấp nập thu mua lúa để đáp ứng đủ sản lượng cho các hợp đồng xuất khẩu đã ký.
Trên thực tế, đội ngũ bạn hàng sáo những ngày qua đã rất vất vả mới có thể thu mua đầy ghe để sang tay cho nhà máy. Ông Võ Việt Tam, một thương lái thu mua lúa ở An Giang cho biết, giá lúa có nhích lên nên số lượng lúa trong dân giảm dần. “Số tồn trữ còn thấp. Thương lái đi đến tận nơi mua rất đông.
Ở những vụ hè thu trước, nông dân nhiều tỉnh, thành vùng ĐBSCL khi vừa thu hoạch lúa xong đã tranh thủ bán ngay để trang trải tiền phân bón, thuốc trừ sâu mua chịu ở các đại lý vật tư nông nghiệp và chi tiêu trong gia đình... Điều này đã ảnh hưởng nhiều đến giá bán lúa của nông dân, vì họ không có điều kiện trữ lúa chờ thời điểm giá cao mới bán”.
Một thực tế khác là chất lượng lúa hè thu thấp hơn vụ đông xuân, nên nông dân ngại trữ lúa. Còn vụ hè thu 2011, nông dân rất phấn khởi vì lúa dễ tiêu thụ và hầu hết nông dân đều đạt lợi nhuận. Ông Trần Văn Thà ở tỉnh Đồng Tháp phấn khởi: “Bây giờ lúa mua nhiều rồi. Tuy nhiên cũng bán một phần. Bên cạnh đó, gia đình cũng còn trữ lại để chờ cao hơn nữa mới bán”.
Vài ngày gần đây, trong giới kinh doanh gạo xuất hiện thông tin cho rằng giá lúa gạo biến động là do có tình trạng đầu cơ, đón “gió” giá gạo Thái Lan được dự báo sẽ tăng. Trên thực tế, chỉ trong vòng khoảng 15 ngày đầu tháng 7 vừa qua, giá gạo 5% tấm của Thái Lan tăng gần 100 USD/tấn, lên 570 USD. Mức giá này quy đổi ra VND khoảng hơn 10.000 đồng/kg. Gạo Thái Lan tăng ngay lập tức kéo giá gạo xuất khẩu Việt Nam tăng 30 – 40 USD, lên mức trung bình 500 USD trong khoảng nửa đầu tháng 7. Nắm bắt được thông tin này nên nhiều nông dân còn “neo” lúa đợi giá sẽ có lời cao hơn mới bán. Tuy nhiên, với những diễn biến như trong những ngày vừa qua, với mức giá như hiện nay, sau khi trừ đi chi phí sản xuất, ngành nông nghiệp ở nhiều tỉnh thành phố trong khu vực ĐBSCL đã nhận định nông dân trồng lúa đang có khoản lợi nhuận khoảng 40%”.
Ông Đoàn Ngọc Phả, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh An Giang cho rằng, giá lúa đã lên, doanh nghiệp đã thực hiện tốt việc thu mua trong những ngày đầu tháng 8 này. Tất nhiên, dân dễ tiêu thụ hơn và có sự phấn khởi.
Lại là các dự báo!
Có thể nói, ngay cả khi kế hoạch tạm trữ 1 triệu tấn gạo của Hiệp hội Lương thực bị dừng lại và thông tin Ấn Độ cho phép xuất khẩu gạo với giá sàn chỉ 400 USD/tấn cạnh tranh với các nước, giá gạo nước ta, đặc biệt ở khu vực ĐBSCL vẫn không có dấu hiệu hạ nhiệt. Trên thực tế, có thể lý giải một trong những nguyên nhân giúp giúp lúa gạo ở ĐBSCL liên tục tăng giá khi có tin các khách hàng quan trọng là Indonesia, Bangladesh và Trung Quốc đẩy mạnh nhập khẩu trong bối cảnh nhu cầu tăng mạnh và giá gạo nội địa ở các nước này cao. Bên cạnh đó, theo thông tin từ các doanh nghiệp xuất khẩu gạo lớn cho biết, dự báo trong thời gian tới, giá lúa gạo sẽ tiếp tục tăng vì gạo Thái Lan cao khi chính phủ nước này thực hiện cam kết như đã hứa; điều này khiến khách hàng đổi hướng sang mua gạo nước ta. Giá lúa gạo trong nước tăng nóng còn do doanh nghiệp mua vào nhiều để giao hàng xuất khẩu theo các hợp đồng đã ký.
Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) dự kiến sản lượng gạo xuất khẩu quý 3 sẽ là 1,9 triệu tấn, nghĩa là từ tháng 7 đến tháng 9 mỗi tháng phải giao gần 700.000 tấn gạo cho khách hàng. Như vậy, Việt Nam trở thành tâm điểm của các nhà nhập khẩu gạo. Từ đó thị trường và giá cả liên tục biến động. Ông Phạm Văn Bảy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam nhận định: Doanh nghiệp đã liên kết tốt với thương lái để đẩy mạnh thu mua. Giá bây giờ tiếp tục tăng cao và có hiện tượng sốt giá do nhu cầu thu mua của doanh nghiệp lớn. Có thể duy trì mức cao một thời gian nữa. Và người dân yên tâm vì chưa có dấu hiệu gì cho thấy giá xuống. Điều đáng mừng là các doanh nghiệp cũng ký những hợp đồng thương mại giá cũng rất tốt. Dự đoán giá tốt ở vụ hè thu và thu đông tới.
Qua những diễn biến của thị trường lúa gạo những ngày gần đây cho thấy, khi giá lúa giảm, nông dân ùn ùn bán và giá càng giảm thêm. Còn lúc giá tăng thì không ít nông dân có tâm lý trữ lại chờ giá. Điều này vô hình trung đã góp phần làm cho thị trường đôi lúc phản ánh thiếu trung thực, giá lúa tăng chưa hẳn do cạn nguồn cung. Theo các chuyên gia, sản xuất nông nghiệp luôn đối mặt với nhiều rủi ro từ khâu sản xuất đến tiêu thụ. Thời gian qua, giá lúa gạo và nhiều loại nông sản luôn có những biến động khó lường, ngay cả các doanh nghiệp chuyên về xuất khẩu lúa gạo cũng không dự đoán trước được.
Các chuyên gia cho rằng, nếu nông dân không đủ điều kiện dự trữ lúa khi thu hoạch xong, gặp thời điểm thuận lợi về giá nên bán để giảm tổn thất. Bên cạnh đó, các ngành chức năng phải đưa ra dự đoán cung- cầu chính xác; doanh nghiệp cũng cần thực hiện tốt yêu cầu này mới mong đảm bảo có lợi cho doanh nghiệp và nông dân./.
Theo VOVNEWS

Nguồn:http://vov.vn/Home/Cau-chuyen-gia-lua-xuonglen-va-bai-hoc-thi-truong/20118/182440.vov


Tin khác