QH thảo luận tình hình KT-XH: Đầu tư tối đa cho nông nghiệp

08/08/2011

Ngày 4/8, Quốc hội đã thảo luận tình hình KT-XH và những giải pháp kiềm chế lạm phát 6 tháng cuối năm, tại đây nhiều đại biểu đã nêu lên những yếu kém tồn tại trong nền kinh tế như khung pháp lí tín dụng quá lỏng lẻo dẫn tới hình thành bong bóng bất động sản; hiệu quả đầu tư công kém, DN cắt giảm quy mô hoạt động dẫn tới lao động dôi dư, tỉ lệ hộ nghèo, cận nghèo gia tăng…

“Nấm” tín dụng và bong bóng bất động sản 
Thảo luận tại tổ, hầu hết các đại biểu QH đều tỏ ra bức xúc trước thực trạng lãi suất ngân hàng tăng trên 22%, khiến các doanh nghiệp cũng như người dân không thể tiếp cận được nguồn vốn để sản xuất. Ông Nguyễn Đình Quyền, Ủy viên thường trực UB Tư pháp QH nhận định trong khi nền kinh tế liên tục lạm phát, sản xuất đình trệ nhưng các tổ chức tín dụng mọc lên như “nấm”. Như vậy rõ ràng các tổ chức tín dụng hoạt động không nhằm mục đích phục vụ sản xuất và khung pháp lí cho hoạt động tín dụng hiện nay có vấn đề. 
 
Liên hệ đến mô hình kinh tế tập đoàn cũng tham gia trong lĩnh vực tín dụng, ông Quyền cho rằng đã đến lúc phải tổng kết xem sau khi triển khai mô hình “thí điểm” này chúng ta được gì và mất gì, nếu thấy cần thiết thì nâng lên thành luật chứ không thể cứ vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Việc Ngân hàng Nhà nước đưa ra chỉ thị về lãi suất nhưng các tổ chức tín dụng vẫn cạnh tranh thu hút nguồn vốn bằng biện pháp “ngầm”. Điều đó khẳng định vai trò quản lí của NHNN quá yếu.
Nhìn dưới góc độ kinh tế, đại biểu Nguyễn Phi Thường khẳng định việc ngân hàng bung ra nhiều liên quan đến vấn đề tăng trưởng tín dụng, đảo nợ. Quốc gia có nền kinh tế phát triển như Hàn Quốc cũng chỉ có 20 ngân hàng nhưng hiện ta có tới trên 60 ngân hàng, trong đó có những ngân hàng yếu về vốn, không có tiền dẫn phải huy động không chính thống ảnh hưởng tới cả hệ thống. Thêm nữa, công cụ kiểm soát của NHNN chưa được tốt, nên không thể quản lí nổi dòng tiền trong lưu thông.  
Ví như mức 22% quy định cho trần lãi suất tín dụng phi sản xuất không có tác dụng vì với mỗi hợp đồng vay của ngân hàng chỉ cần thay đổi tên là có thể biến cho vay phi sản xuất thành sang vay sản xuất dẫn tới thị trường BĐS tăng quá nóng, trở thành bong bóng, quá xa với sức mua của người dân. Đã có những ý kiến cho rằng nên cứu thị trường BĐS, cứu thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, theo ông Thường bối cảnh hiện nay cũng nên coi là cơ hội để sàng lọc đối với các tổ chức tín dụng, các doanh nghiệp BĐS. 
Không chỉ là tín dụng
Mâu thuẫn trong nền kinh tế hiện nay là  cần tăng đầu tư nhưng không có vốn,  trong khi đó phía ngân hàng cũng kêu khó khăn đồng thời khẳng định không thể hạ mức lãi suất thấp hơn được nữa vì vốn huy động đầu vào quá cao. ĐB Nguyễn Thị Nguyệt Hường, thành viên HĐQT Ngân hàng Maritime Bank phân tích: Chỉ số CPI khó dưới 17%, GDP giảm chỉ còn 6%. Hai con số đó đã nói lên mức sống của người dân trong thời điểm này. Với mức lạm phát như hiện nay việc huy động vốn đầu vào theo lãi suất 14% là phi thực tế. Bởi người dân gửi tiền luôn kì vọng vào lãi suất thực dương, vì vậy việc các ngân hàng đã phải huy động vốn trên 18% là có thực. Do đó chừng nào lạm phát còn cao thì lãi suất ngân hàng không thể giảm thấp hơn.  
Liên tục điều chỉnh chỉ tiêu, DN chết dở 
Nhìn nhận kết quả điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ trong thời gian qua, đại biểu Nguyễn Hồng Sơn, Ủy viên Ủy ban Đối ngoại của QH nhận thấy nhiều năm liền Chính phủ liên tục xin điều chỉnh chỉ tiêu vì không hoàn thành Nghị quyết của QH giao. Theo ông, cơ chế cứ 6 tháng lại điều chỉnh chỉ tiêu một lần các doanh nghiệp sẽ không thể xoay theo chính sách của Chính phủ. Một doanh nghiệp vay vốn đầu tư với lãi suất hiện tại tính trong vòng 5 năm sẽ thu hồi vốn nhưng chỉ nửa năm sau chính sách thắt chặt tiền tệ đã khiến dự án đổ bể, doanh nghiệp chịu lỗ.
Vì vậy, Chính phủ cần trình trước QH phương án điều hành kinh tế vĩ mô trong cả nhiệm kì. Và khi không hoàn thành cần phải có trách nhiệm trước QH với chỉ tiêu không hoàn thành.
Theo bà Hường, đây là vấn đề kinh tế vĩ mô chứ không phải đơn thuần chỉ là vấn đề tín dụng: “Tôi nghĩ rằng quyết định hành chính là giải pháp cần thiết trong từng thời điểm nhưng xét về khía cạnh ổn định lâu dài cũng nên nhanh chóng trả lại cơ chế hoạt động thị trường”. Theo bà Hường, để tháo gỡ khó khăn, Chính phủ cần giải quyết hài hòa giữa chính sách tài khóa với đầu tư công bởi dù Chính phủ chỉ đạo cắt giảm đầu tư công từ tháng 1/2011 nhưng đến tháng 5 nhiều địa phương vẫn chưa hoàn thành việc rà soát cắt giảm, như vậy có thể thấy rõ hiệu quả của biện pháp cắt giảm đầu tư công chưa cao. Báo cáo KTXH đầu năm đưa ra con số cắt giảm 80 ngàn tỉ đồng nhưng chưa chắc đã sát với thực tế.  
Ngoài ra, theo bà Hường những biện pháp bình ổn giá hiện nay cũng là vấn đề phải lưu ý, liệu hàng trăm tỉ đầu tư cho bình ổn giá có đến được với người dân hay không khi mà giá của các mặt hàng bình ổn lại cao hơn giá thị trường.
Đầu tư tối đa cho nông nghiệp 
Theo đại biểu Bùi Thị An, Viện trưởng Viện Tài nguyên- Môi trường & phát triển cộng đồng, từ nay đến cuối năm chắc chắn các doanh nghiệp sẽ phải thu hẹp sản xuất. Lượng lao động dôi dư sẽ lớn hơn rất nhiều, mức sống của 3 triệu hộ nghèo và 1,6 triệu hộ cận nghèo sẽ còn bị giảm sút. Vì vậy giải pháp cấp bách nhất hiện nay là Nhà nước cần tăng cung lương thực, thực phẩm để giảm chỉ số CPI. Điều đó đồng nghĩa với việc phải tập trung tối đa cho đầu tư nông nghiệp. Cần có chương trình tín dụng cho nông dân và các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Kiến nghị về giải pháp hỗ trợ các hộ sản xuất, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đại biểu Đào Văn Bình, Chủ tịch UBMTTQ TP Hà Nội cho rằng cần phân tích nguyên nhân các mặt hàng tăng giá: Thực phẩm tăng 24%, vật liệu xây dựng tăng 18%, giáo dục tăng trên 20%.... có những mặt hàng tăng là do giá điện, giá xăng dầu. Vậy muốn bình ổn giá không phải chỉ có cách giảm lãi suất mà có thể giảm giá đầu vào nguyên liệu. Xăng hiện nay đã có thể giảm được 1.000 đồng/lít tại sao không giảm? Nhà nước cũng có thể giảm thuế cho doanh nghiệp sản xuất, hỗ trợ thuế sử dụng đất, giảm giá điện trong phục vụ sản xuất nông nghiệp…
Theo Nông nghiệp Việt Nam

Nguồn:http://nongnghiep.vn/nongnghiepvn/vi-VN/61/158/1/1/1/82142/Default.aspx


Tin khác