Để nông dân yên tâm gắn bó với ruộng đồng!

08/08/2011

Có thể nói, từ đầu năm 2011 đến nay, tình hình kinh tế thế giới có nhiều phức tạp, giá cả vật tư nguyên liệu tăng cao, biến đổi khí hậu đã và đang tác động rất mạnh đến sản xuất nông nghiệp, nhưng lĩnh vực này vẫn là một trong những lĩnh vực trọng yếu góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế của đất nước ta.

Những năm gần đây, nhất là sáu tháng đầu năm 2011, diễn biến thời tiết, thiên tai ở nước ta có những biểu hiện bất thường và phức tạp hơn, như sự đa dạng về loại hình, gia tăng về cường độ và tần suất. Cùng với sự biến đổi về khí hậu còn có tác động về lạm phát, giá cả vật tư nguyên liệu không ngừng leo thang của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới và khu vực.
 
Mặc dù gặp nhiều khó khăn trong sản xuất do thiên tai, dịch bệnh gây ra nhưng giai cấp nông dân vẫn nêu cao truyền thống của mình, cần cù lao động, dũng cảm vượt qua mọi khó khăn, thách thức do đó đã đạt được những thành tích quan trọng góp phần vào đảm bảo an ninh lương thực, ổn định kinh tế vĩ mô, bình ổn giá cả thị trường, kiềm chế lạm phát.
Diện tích lúa đông – xuân của cả nước vẫn đạt hơn 3 triệu ha tăng gần 10 nghìn ha so với năm trước, sản lượng lúa ước đạt gần 20 triệu tấn, tăng 260 nghìn tấn so với vụ đông năm trước. Hiệu nhiều địa phương trong cả nước nhất là các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đang thực hiện một số biện pháp khẩn trương xuống giống vụ hè thu. Đến nay cả nước đã xuống giống hơn 2 triệu ha tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm 2010. Các tỉnh, thành phố đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ phấn đấu xuống giống cả năm 2011 đạt hơn 4,47 triệu ha, ước tính năng suất bình quân toàn vùng đạt 54,5 tạ/ha, sản lượng đạt 24,38 triệu tấn, tăng khoảng 700 nghìn tấn so với năm 2010. Cùng với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ các vựa lúa khác như đồng bằng sông Hồng và Trung Bộ cũng đề ra kế hoạch tăng 131 nghìn tấn.
Để tạo điều kiện cho nông dân trong cả nước tăng diện tích, tăng sản lượng lúa cần phải tiếp tục có sự liên kết của “bốn nhà”, nhà nông, nhà nước, nhà khoa học và nhà doanh nghiệp. Bốn nhà trên cần có sự triển khai hoạt động đồng bộ trong chuyển đổi thời vụ, bố trí giống hợp lý, trong đó trọng tâm là đồng bằng sông Cửu Long với việc chuyển đổi thời vụ lúa hè thu và tăng diện tích lúa thu đông, thực hiện các biện pháp kỹ thuật, với phương châm “làm đâu chắc đấy”, nhất là những nơi đã sản xuất thắng lợi vụ mùa trong những năm qua. Trước mắt, nhà nước, nhà khoa học, cần tạo mọi điều kiện giải quyết các yêu cầu về cơ sở hạ tầng, giống, phân bón, đồng thời áp dụng kỹ thuật “ba giảm”, “ba tăng” hình thành và phát triển các vùng sản xuất tập trung theo hướng tăng sản lượng hàng hóa nông sản. Các nhà khoa học cần đẩy mạnh và tăng cường chuyển giao khoa học, kỹ thuật công nghệ mới cho người nông dân. Các cơ quan Nhà nước cần sớm nghiên cứu ban hành chính sách ưu đãi để nông dân trồng lúa có lãi, yên tâm gắn bó với ruộng đồng. Các nhà khoa học cần đi sâu nghiên cứu điều kiện kinh tế sản xuất từng địa phương, trồng vùng mà xác định cơ cấu sản xuất cây trồng, từ ba đến năm giống chủ lực, từ năm đến bảy giống bổ sung và bốn đến năm giống triển vọng mới. Trong đó cơ cấu một giống không vượt quá 30% diện tích trên địa bàn, giống chất lượng thấp sản phẩm lúa gạo khó tiêu thụ phải hạn chế dưới 15% để xây dựng vùng lúa sản xuất hàng hóa chất lượng cao và quy hoạch sản xuất theo quy trình VIETGAP. Đặc biệt chú ý sử dụng giống mới có phẩm cấp chất lượng cao, đồng thời tăng diện tích thu hoạch bằng máy. (Hiện nay thu hoạch bằng máy mới chiếm tỉ lệ trên dưới 30%) tăng độ sấy lúa, tăng nhà kho dự trữ lúa gạo, áp dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật và liên kết sản xuất đến tiêu thụ để hạn chế thất thoát đến mức thấp nhất trong và sau thu hoạch. Sau mỗi vụ lúa thu hoạch cần được cày ải, phơi đất, vệ sinh đồng ruộng và chia cắt vòng đời của các loại sâu bệnh, dịch hại. Cùng với việc làm trên, việc thu mua, tiêu thụ hết sản phẩm cho nông dân, nhất là lúa gạo cũng là một vấn đề rất bức thiết. Cách đây ít lâu, Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) thông báo sẽ mua dự trữ một triệu tấn thóc, nhưng mới đây lại cho biết không mua nữa. Điều này đã làm cho nhiều nông dân ở đồng bằng sông Cửu Long phân tâm.
Để người nông dân yên tâm gắn bó với quê hương, ruộng đồng, sản xuất nhiều lương thực cho xã hội, các cơ quan chức năng cần tiếp tục điều tra dự báo sâu bệnh, thời tiết mùa vụ đồng thời áp dụng các biện pháp ngăn chặn hiệu quả ngay từ đầu không để phát sinh thành dịch lớn. Cần theo dõi chặt chẽ diễn biến của thời tiết, nguồn nước, bảo đảm an toàn các công trình thủy lợi, bảo đảm đủ nước tưới tiêu và đối phó hiệu quả với hạn hán, lũ, xâm nhập mặn, cũng như củng cố đê báo, hệ thống bơm điện và tăng diện tích lúa trong hệ thống sản xuất lúa – tôm ở các tỉnh ven biển.
Trong bối cảnh nhiều nước trên thế giới vẫn phải gánh chịu hậu quả của khủng hoảng kinh tế, giá cả leo thang, lạm phát kéo dài, thiên tai, hạn hán, lũ lụt xảy ra ở nhiều nơi. Nhiều nước “thất bát” trong việc sản xuất ngũ cốc. Hàng triệu người bị đói không có lương thực. Đứng trước tình hình trên sản xuất tăng thêm nhiều lương thực hơn nữa cũng là một cơ hội của nông dân. Nhà nước, các ngành, các cấp có liên quan cần tập trung đầu tư, khẩn trương tháo gỡ kịp thời những vướng mắc trong quá trình tổ chức, điều hành sản xuất, tiêu thụ nông sản hàng hóa cho nông dân là việc làm thiết thực tạo điều kiện cho nông dân yên tâm gắn bó với ruộng đồng!
Theo Báo Điện tử Đảng Cộng sản

Nguồn:http://dangcongsan.vn/CPV/Modules/News/NewsDetail.aspx?co_id=30066&cn_id=471666


Tin khác