Cây chết đằng cây
Không chỉ những DN vừa và nhỏ mà cả những DN vào hàng "đại gia" khi đầu tư vào sản xuất, chế biến ở ĐNB và ĐBSCL cũng đã hứng chịu những bài học cay đắng. Còn nhớ, vào năm 1995, ông Jacques de Chateauvieux, Chủ tịch Tập đoàn Bourbon (Pháp) quyết định sang Việt Nam bỏ vốn đầu tư xây dựng 1 nhà máy đường (NM) tại xã Tân Hưng (Tân Châu, Tây Ninh) có công suất chế biến 8 ngàn tấn mía/ngày - lớn nhất cả nước (còn gọi là Nhà máy SBT). Nhưng muốn NM chạy đủ công suất trong 6 tháng thì sản lượng mía cung cấp mỗi vụ phải đạt ít nhất là 1,2 triệu tấn mía, tức diện tích vùng nguyên liệu phải có trên 20 ngàn ha.
Vì thế, ngay từ đầu NM này đã rất chú trọng đến việc đầu tư phát triển vùng nguyên liệu. Tuy nhiên, càng đầu tư thì mía nguyên liệu thất thoát càng nhiều, tiền nợ trong dân càng lớn, có năm cao nhất chỉ đạt có 500 ngàn tấn, NM chạy được 3-4 tháng là phải nghỉ vì hết nguyên liệu. Ông Trần Văn Thu, nguyên GĐ vùng nguyên liệu SBT giải thích: “Mấy ổng người Pháp đầu tư trồng mới lúc đó là 5 triệu/ha, hỗ trợ toàn bộ lãi suất cho nông dân. Ban đầu diện tích đầu tư được 5.000 ha rồi cứ tụt giảm về sau chưa tới 3.000 ha, gần như cứ đến vụ là vắt giò lên cổ đi mua mía trôi nổi bằng cách ứng tiền cho một số thương lái ruột”.
"Năm 2002, tiền nợ mía đầu tư trong dân lên tới vài chục tỷ, trong khi đó giá thành sản phẩm cao do chi phí khấu hao và chi phí quản lý quá lớn (lương người lao động trả bằng đô-la) nên SBT gần như năm nào cũng thua lỗ, riêng năm 2003 lỗ đến 80 tỷ. Lúc này, ông TGĐ người Pháp Dabillie buộc phải ra đi vì làm việc không hiệu quả, ông Phillipe Lombard lên thay thế, mà nguyên nhân sâu xa chính là không xây dựng được vùng nguyên liệu”, ông Thu kể.
Sau đó, năm 2005 dù SBT được Bộ KH-ĐT điều chỉnh thuế suất thuế thu nhập DN (TNDN) còn 10% cho “suốt đời dự án”, miễn thuế TNDN 4 năm kể từ năm đầu tiên có lãi (năm 2004) và giảm 50% trong 4 năm. Thế nhưng, ông chủ người Pháp tỏ ra không còn mặn mà do vùng nguyên liệu phập phù, kinh doanh đường tại VN thì “năm lỗ năm lãi”. Nên vào tháng 11 năm ngoái, ông Jacques de Chateauvieux đã quyết định “chia tay” VN, bán 68,52% cổ phần còn lại (trước đây Bourbon đã CPH và giảm tỷ lệ sỡ hữu) cho Cty Thành Thành Công (TPHCM) và một số pháp nhân khác trong nước với giá 34 triệu euro, nhưng ông Phillipe Lombard vẫn còn ở lại làm việc.
Mới đây, ngày 23/7/2011, ông Phillipe Lombard cũng đã xin từ nhiệm thành viên HĐQT Cty để ra đi. Ông Nguyễn Hồng Quang (PCT UBND tỉnh Tây Ninh) thừa nhận: “Chúng tôi có 3 cây trồng chủ lực là cao su, mía và khoai mì, nhưng hiện nay thì mía đang bị lép vế. Ở những vùng đất cao, cây mía đang bị cao su và khoai mì lấn át gần hết!”. Phải chăng sự ra đi của TGĐ Bourbon cũng có phần vì nhận thấy đầu tư nông nghiệp ở đây đã không còn hấp dẫn như dự định ban đầu, và thực tế là vùng nguyên liệu - vấn đề sống còn của NM đang ngày càng bị thu hẹp".
Liên quan đến vấn đề tranh chấp nguyên liệu, ngay trong vụ mía đường vừa qua, dư luận vẫn chưa quên chuyện một NM đường ở Long An đã tung tiền mở chiến dịch mua tranh nguyên liệu của các NM đường khác ở ĐBSCL. Cả vùng nguyên liệu ở ĐBSCL nháo nhào, các NM trong vùng như ngồi trên đống lửa. Việc tranh chấp thiếu lành mạnh này không chỉ đã đẩy một số bộ phận nông dân ĐBSCL trồng mía không đúng quy trình kỹ thuật (thu hoạch mía chưa đúng tuổi, thu hoạch sớm 15-30 ngày mất 2 CCS) mà còn làm cho các NM đường như Phụng Hiệp, Vị Thanh, Bến Tre bị mất nguồn nguyên liệu do chính mình đã bỏ công sức tiền của đầu tư trước đó.
Trước tình hình nước sôi lửa bỏng đó, Hiệp hội Mía đương VN đã lên tiếng cảnh cáo việc làm trái khoáy của NM này. Trong công văn gửi cơ quan quản lý Nhà nước (Cục Chế biến NLTS và nghề muối - Bộ NN-PTNT), Hiệp hội này đề nghị "cần có biện pháp đối phó thích hợp" với NM đường vi phạm nói trên để bảo vệ lợi ích lâu dài cho nông dân và hội viên Hiệp hội. Tuy nhiên, mọi chuyện cũng chỉ dừng lại ở đó. Nông dân vẫn thấy ai mua cao thì bán, bất chấp trước đó đã nhận tiền đầu tư, cam kết với NM trên địa bàn. Còn các NM thì đành ngửa cổ kêu trời vì bị mất nguyên liệu mà không một cơ quan, đoàn thể nào đứng ra bảo vệ, ngăn chặn.
Chính vì những rủi ro như vậy, bà Phạm Thị Sum, Chủ tịch HĐQT Cty CP Mía đường Biên Hoà cho rằng: “Ai cũng biết, nhà máy bỏ tiền thì mới nói đến việc được sở hữu mía. Nhưng trên thực tế, dù ngành mía đường VN tồn tại hàng chục năm nay nhưng không phải đơn vị nào cũng chịu bỏ tiền túi ra đầu tư mía cho nông dân vì họ đều lo sợ bị người khác đến giành giật vô tội vạ!”.
Bên cạnh việc tranh chấp nguyên liệu giữa các NM, một điều khiến các DN khi đầu tư vào Nam bộ rất lo ngại đó là rất nhiều nông dân "quá nhạy" trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Hễ thấy loại cây gì, con gì có lợi trước mắt, họ không ngại ngần ngại chặt cũ trồng mới.
Con chết đằng con
Ở ĐBSCL hẳn nhiều người chưa quên được giấc mộng nuôi bò sữa hơn 10 năm trước. Đó là lúc NM sữa Vinamilk vừa hình thành đưa vào hoạt động tại KCN Trà Nóc (Cần Thơ). Phong trào nuôi bò sữa lan về các tỉnh Đồng Tháp, Cần Thơ, Sóc Trăng… Điều cần có trước tiên là NM thu mua sữa tươi – đã có. Chuyện còn lại có người nghĩ đơn giản đất đồng bằng lo gì thiếu cỏ cho bò ăn. Thế là lúc đầu từ nông hộ nhỏ lẻ, về sau tới HTXNN hăm hở tậu bò về. Tại tỉnh Cần Thơ (cũ) hồi đó cũng có dự án nhập về cả trăm con bò sữa, giao cho Nông trường Sông Hậu nuôi thí điểm dự tính sau năm 2002 sẽ mở đường cho DN đầu tư chăn nuôi công nghiệp qui mô lớn.
Nhưng tới khi vào cuộc, nuôi lớn chết lớn, nuôi nhỏ chết nhỏ. Nông dân nuôi dăm ba con thì cụt vốt, nợ nần bê bết. Còn HTX nuôi nấng quy mô hơn, chuồng trại, trồng cỏ bày biện đâu ra đấy nhưng lỗ vẫn hoàn lỗ, kết cục tan đàn sẻ nghé, đổ bể chương trình. Và kể từ sau "cú sốc" bò sữa đó, cho tới nay chẳng thấy bóng dáng DN nào nhảy vào lĩnh vực này trên địa bàn ĐBSCL.
Liên quan đến một thế mạnh khác của ĐBSCL- con cá tra, cá ba sa. Cả chục năm qua, chưa một vụ nào xuôi chèo mát mái. Lúc thiếu nguyên liệu thì người nuôi cá om hàng, lật kèo DN. Lúc thừa nguyên liệu thì NM chế biến quay mặt, chèn ép nông dân. Còn nhớ, cách đây chưa đầy 5 năm, ở Cần Thơ từng có một dạo rộ lên chuyện DN và người nuôi cá lùm xùm kiện cáo. Một bên là công ty N.V ở Thốt Nốt và bên kia là nông dân nuôi cá. Làm ăn có ký tá hợp đồng, giấy trắng mực đen vẫn còn chưa ráo mực. Dây dưa đấu khẩu mãi, thấy cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và các tổ chức đoàn thể xã hội cứ "nín thinh" đứng ngoài cuộc, hai bên đã định đưa nhau ra tòa nhưng suy đi tính lại, sợ chưa được vạ thì má đã sưng nên cuối cùng đành chấp nhận... hòa cả làng!
Ông Nguyễn Văn Khởi, PGĐ Sở NN-PTNT Sóc Trăng:
“Phần nhiều DN có vốn mạnh vẫn cho rằng đầu tư vào dịch vụ thương mại sướng hơn. Còn đầu tư vào SXNN hay nuôi thủy sản lúc nào cũng gặp khó, lo lắng rủi ro. Trên thực tế, có rất nhiều DN đã vấp phải tình trạng thâm hụt nguyên liệu do nông dân chuyển đổi SX và phá vỡ hợp đồng".
|
Ông L.H.M, GĐ một DN chế biến thủy sản tại Cần Thơ phàn nàn: “Trước đây tôi và một số DN có hợp đồng đầu tư tạm ứng vốn cho nông dân và có một vài HTX nuôi cá tra. Lúc cá giá thấp, tới kỳ thu hoạch ai cũng răm rắp đưa cá về bán cho NM. Nhưng lúc cá giá cao, chỉ hơn vài ba trăm đồng thôi thì người nuôi cá lại đem bán cho DN khác, rồi sau đó mang tiền hoàn trả phần tạm ứng lại cho DN của tôi. Như vậy thử hỏi có DN nào cùng lúc kiện thưa cả trăm nông dân? Chờ xử thì tới bao giờ?”.
Cùng quan điểm trên, ông Võ Thành Thông, Phó Giám đốc Cty Agifish (An Giang) cho biết: Agifish giờ đây không hợp đồng đầu tư bao tiêu sản phẩm mà hợp đồng tiêu thụ theo thời giá thị trường theo kiểu mua bán đứt đoạn. Nguyên nhân cũng chỉ vì chuyện phá vỡ hợp đồng vẫn còn xảy ra. Tuy nhiên, điều ông Thông lo ngại nhất chính là, bản thân DN rất khó chủ động dự tính được sản lượng để có kế hoạch sản xuất, bởi năm thấy giá cao thì nông dân xuống giống nhiều, năm sau lỗ lã thì lại xuống ít, sản lượng lúc thừa, lúc thiếu nên cả DN và nông dân rất bị động.
Do vậy, theo ông Thông, không chỉ riêng con cá tra mà các loại nông thủy sản chủ lực khác như lúa, tôm... ở ĐBSCL, rất cần có bàn tay của Nhà nước trong vấn đề quy hoạch, chỉ đạo thực hiện quy hoạch.
Theo Nông nghiệp Việt Nam
Nguồn:http://nongnghiep.vn/nongnghiepvn/vi-VN/61/158/1/15/15/82119/Default.aspx