Nghị định 109 về kinh doanh xuất khẩu gạo: Nhiều doanh nghiệp nhỏ phải “bỏ cuộc chơi”?

05/08/2011

Từ 1/10/2011, thương nhân không có Giấy chứng nhận không được hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo. Trong khi đó, đến nay mới có 44/200 doanh nghiệp được cấp Giấy đủ điều kiện kinh doanh.

Gỡ hiểu nhầm!
Theo Nghị định 109, mọi thương nhân muốn kinh doanh xuất khẩu gạo phải có ít nhất một kho chuyên dùng với sức chứa tối thiểu 5.000 tấn thóc, phù hợp quy chuẩn chung do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành; Có ít nhất một cơ sở xay, xát thóc, gạo với công suất tối thiểu 10 tấn thóc/giờ, phù hợp quy chuẩn chung do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành.
Kho chứa, cơ sở xay, xát quy định tại Điều này phải thuộc sở hữu của thương nhân và phải nằm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có thóc, gạo hàng hóa xuất khẩu hoặc có cảng biển quốc tế có hoạt động xuất khẩu thóc, gạo tại thời điểm thương nhân đề nghị cấp Giấy chứng nhận. Cũng theo Nghị định này, kể từ ngày 1/10/2011, thương nhân không có Giấy chứng nhận không được hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo.
Trong cuộc họp mới đây của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), sự hiểu nhầm của các doanh nghiệp đã được hóa giải. Cụ thể, nhiều doanh nghiệp bực mình với quy định của Bộ NN & PTNT về kho chứa lúa chuyên dùng và cơ sở xay, xát lúa gạo. Các doanh nghiệp hiểu rằng, hệ thống máy xay, xát phải nằm trong hệ thống liên hoàn của một cơ sở chế biến. Bởi vậy, quy định này không sát thực và nếu bố trí tất cả các hệ thống kho, máy đánh bóng, máy xay, xát tập trung một chỗ gây bất lợi trong quy trình sản xuất và bảo quản, ảnh hưởng đến chất lượng gạo.
Theo đại diện Bộ NN & PTNT, đó là sự hiểu nhầm của các doanh nghiệp. Quy định này chỉ nêu rõ sự đồng bộ hóa của mỗi dây chuyền thiết bị và cơ sở hạ tầng riêng biệt như bộ phận phân tích, hệ thống máy xay xát, mặt bằng cơ sở chế biến. Chứ không yêu cầu tất cả các dây chuyền phải quy về một mối và cùng một địa điểm. Vì vậy, Bộ NN & PTNT đã gửi công văn đề nghị Bộ Công Thương có văn bản hướng dẫn cụ thể các điều khoản thuộc quy định này để các DN thực thi một cách chính xác.
Vẫn khó!
Tại cuộc họp giao ban của Bộ Công thương hôm 1/8, ông Huỳnh Minh Huệ - Tổng thư ký VFA nói: “Chỉ còn hai tháng nữa là hết thời hạn cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo cho các doanh nghiệp, song hiện doanh nghiệp đang “rối như tơ vò” vì chưa thể đáp ứng được yêu cầu của Nghị định và của các Bộ”.
Theo ông Huệ, hiện có hơn 200 doanh nghiệp đang tham gia xuất khẩu gạo. Tuy nhiên, đến nay, mới chỉ có 29 doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo. Vậy số doanh nghiệp còn lại vẫn đang có bạn hàng - đầu ra tốt, nhưng chưa thể hoàn thành về mặt thủ tục các yêu cầu như Quyết định 560 ngày 24/3/2011 của Bộ NN & PTNT yêu cầu về thiết bị: “Các cơ sở xay xát thóc gạo phải có bộ phận phân tích, máy sấy công nghiệp, hệ thống máy xay xát, đánh bóng, phân loại, phối trộn và đóng gói. Cụ thể, đối với máy sấy công nghiệp: là loại máy sấy dạng tháp hoặc loại máy sấy vỉ ngang có khả năng xử lý độ ẩm của lúa đạt theo yêu cầu. Đối với hệ thống máy xay xát: Phải có sàng để loại bỏ tạp chất, thiết bị tách vỏ trấu, máy tách vỏ trấu khỏi gạo lức, sàng phân loại thóc gạo, thiết bị xát bóc cám (xát trắng), máy tách sạn đá…” thì tính sao?
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên cho biết: Hiện nay ngoài 29 doanh nghiệp đã được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo, còn 15 bộ hồ sơ của các doanh nghiệp đang được xem xét. Tháng tới, chúng ta sẽ cấp được cho tổng cộng 44 doanh nghiệp. Còn lại các doanh nghiệp đang chưa thể đáp ứng được các yêu cầu của Nghị định 109 và các văn bản hướng dẫn của các Bộ ngành. Vụ xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) sẽ tiếp tục làm việc với các Bộ để gỡ khó cho các doanh nghiệp theo hướng: “Yêu cầu Vụ Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) thống kê các doanh nghiệp bị từ chối cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo. Tuy nhiên, trên thực tế, các doanh nghiệp đã làm hồ sơ, đã đáp ứng được tương đối đầy đủ các quy định của Nghị định 109 và các hướng dẫn của các Bộ, ban, ngành, Bộ Công thương sẽ kiến nghị với các Bộ kịp thời cấp tiếp cho các doanh nghiệp. Chúng ta cần dung hòa để gắn kết các doanh nghiệp thị trường và doanh nghiệp sản xuất, tránh những biến động lớn trong việc kinh doanh lúa gạo, ảnh hưởng tới doanh nghiệp và nông dân”.
Được biết, Bộ NN & PTNT và Bộ Công Thương vẫn thống nhất giữ nguyên thời điểm thực hiện Nghị định 109 là ngày 1/10/2011. Nhằm sắp xếp lại trật tự kinh doanh đồng thời lành mạnh hóa thị trường kinh doanh lúa gạo, tạo sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp. Những quy định về tiêu chuẩn kho chứa, cơ sở chế biến sẽ là cơ hội để những doanh nghiệp có năng lực phát triển, có kế hoạch đầu tư lâu dài tạo được thế mạnh trong kinh doanh lúa gạo đồng thời loại bỏ được những doanh nghiệp nhỏ, làm ăn theo kiểu “chụp giựt”, ép giá người nông dân và làm thao túng thị trường.
Mặt khác, khi Việt Nam gia nhập WTO, các doanh nghiệp nước ngoài cũng được tham gia kinh doanh lúa gạo. Nếu không được chuẩn bị chu đáo về năng lực thì các doanh nghiệp Việt Nam sẽ khó có thể cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài ngay tại sân nhà./.
Theo VOVNEWS

Nguồn:http://vov.vn/Home/Nhieu-doanh-nghiep-nho-phai-bo-cuoc-choi/20118/182194.vov


Tin khác