Hàng loạt những khó khăn về mặt bằng, cơ chế hỗ trợ cũng như nguồn vốn ngân hàng thắt chặt khiến các DN đã, đang có ý định đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp thu hẹp quy mô hoạt động. Thậm chí, có ý kiến cho rằng, hiện chỉ có các DN “nhỏ và siêu nhỏ” mới đầu tư vào khu vực kinh tế này.
Hoàn cảnh như...chị Dậu
Ông Nguyễn Văn Tịnh, PGĐ Sở NN-PTNT tỉnh Hải Dương bảo: “Tôi làm trong ngành chăn nuôi ở tỉnh này hàng chục năm rồi, chưa thấy ai vào đặt vấn đề làm dự án gì cả. Năm 2007, có một ông người Đài Loan đến đặt vấn đề đầu tư hàng nghìn ha để nuôi cá rô phi cung cấp cho NM chế biến tại chỗ. Tôi bảo, ở Hải Dương này kiếm 10 ha đất đã khó, chứ hàng nghìn ha thì bó tay, thế là sau đó nhà đầu tư này chuồn thằng, không thấy quay lại nữa”.
Theo ông PGĐ Sở thì DN đầu tư vào chăn nuôi trong tỉnh hiện chỉ có mấy XN cá giống, nguyên là của XN cá giống Hải Dương ngày trước. Sau khi CPH thành 7 XN thành viên, một XN ở Gia Lộc bán lại cho Viện NC-NTTS I của Bộ NN-PTNT. Nhưng XN này cũng sắp phải chuyển đi để lấy đất xây dựng khu đô thị. 6 XN còn lại thì hiện đang sống dặt dẹo chẳng khác gì hoàn cảnh của chị Dậu trong truyện ngắn “Tắt đèn”.
Về lĩnh vực trồng trọt, ông Nguyễn Hữu Dương, GĐ Sở NN- PTNT Hải Dương vốn là người nắm hoạt động của các DN về trồng trọt trong tỉnh rõ như lòng bàn tay cũng thở dài: “Phân bón thì chỉ có vài ba DN bé tẹo, hoạt động kiểu “cuốc xẻng”. Cả tỉnh chỉ có mấy DN giống, nhưng năm 2010, có 2 DN giống đã bị xẹp, sắp giải thể. Một DN còn lại thì vừa làm vừa chơi”.
Nói về nguyên nhân của tình hình trạng teo tóp, ngại đầu tư của các DN nông nghiệp, ông Dương cho rằng, bên cạnh nhiều nguyên nhân như đất đai, vốn và hạ tầng, thì tâm lý của nhiều nhà đầu tư hiện nay cũng rất ngại lập DN để hoạt động quy mô lớn. Bởi thủ tục hành chính vẫn còn quá nhiêu khê. Đơn giản như ở địa bàn Tứ Kỳ hiện nay có một số trang trại lớn của Cty CP chăn nuôi CP Việt Nam có quy mô chăn nuôi lớn. Nhưng họ cũng chỉ “núp danh” dưới hình thức quy mô hộ gia đình mà thôi. Bởi khi đã thành lập DN, thì sẽ cơ man nào là các loại thủ tục, phải lập dự án, rồi thuế khóa khiến DN rất ngán.
Để tìm hiểu về tình hình của các DNNVV về lĩnh vực nông nghiệp đang “sống” ra sao, chúng tôi tìm đến Cty CP Dịch vụ và SX cám Phú Dương (thị trấn Phú Thái, huyện Kim Thành, Hải Dương). Đây là một DN chuyên SX TĂCN cho thủy sản hiếm hoi ở Hải Dương, nhưng cũng đang trong cảnh sống dở chết dở.
Vị GĐ DN này dẫn tôi vào thăm dây chuyền SX cám nằm chỏng chơ không hoạt động, than thở: "Chúng tôi mới mua dây chuyền công suất 100 tấn/tháng và đi vào SX cám cho cá, tháng 10/2010 mới ra mẻ cám đầu tiên. Chất lượng cám sau một thời gian tiêu thụ thử nghiệm ở các huyện Kinh Môn, Kim Thành, Tứ Kỳ... đều được dân nuôi thủy sản đánh giá cao. Tuy nhiên, cái khó bây giờ vẫn là vốn. Cty mới thành lập, vốn liếng không được là bao, mà ngay như mảnh đất dựng NM rộng 4.000 m2 đây cũng phải đi thuê lại của một Cty SX bao bì với giá 100 triệu đồng/năm. Chẳng ai muốn phải đi thuê đất, nhưng nếu mua mảnh đất như thế này thì bây giờ mất đứt 10 tỷ là ít. Như vậy nếu mua được đất thì không còn vốn để SX nữa. Mà đi vay thì chúng tôi không có sổ đỏ để thế chấp. Bây giờ chỉ cần số vốn vài tỷ đồng thôi cũng “cụt”, nên đành phải cho công nhân nghỉ làm hơn nửa để chờ vốn".
Đẽo cày giữa đường
DN gặp khó trong đầu tư nông nghiệp vì hạn điền, hạn mức giao đất, rồi khó khăn về nguồn vốn là vấn đề không mới. Tuy nhiên, câu chuyện thời sự nhất hiện nay vẫn là chuyện lãi suất không những rất cao, mà DN cũng khó có thể tiếp cận được nguồn vốn từ ngân hàng. Câu chuyện đầu tư của Cty CP Chăn nuôi Chế biến và XNK (Aprocimex) giống hệt như tích “đẽo cày giữa đường” trong dân gian.
Số là, năm 2007, Cty này được UBND tỉnh Sơn La cấp phép đầu tư dự án NM chế biến ngô phục vụ nguyên liệu cho các DNSX thức ăn chăn nuôi với quy mô 6ha tại huyện Mai Sơn. Theo đúng thiết kế, với tổng vốn 100 tỷ đồng, không đầy 1 năm sau khi khởi công, tức là giữa năm 2008, NM này đã có thể đi vào hoạt động, góp phần giải quyết đầu ra cho khoảng 40% sản lượng ngô của cả tỉnh Sơn La. Tuy nhiên, đến nay Aprocimex mới chỉ làm dự án đến giai đoạn giải phóng mặt bằng, vì...hết tiền. Trong khi đó, lãi suất vay ngân hàng quá cao, hơn 20%, DN lại không còn hạn mức vay nên không thể tiếp cận được nguồn vốn.
Chính phủ đã có nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ, khuyến khích DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nhưng số DN tiếp cận ưu đãi chưa nhiều. DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn tuy có lợi nhuận ít, nhưng lại có ý nghĩa xã hội rất lớn vì giải quyết việc làm cho nhiều lao động ở nông thôn.
Bởi vậy, cùng với nỗ lực đưa ra chính sách ưu đãi DN, cần đặc biệt quan tâm chỉ đạo quyết liệt trong quá trình triển khai thực hiện. Các DN cần năng động hơn nữa trong chiến lược sản xuất kinh doanh. Việc đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp cần có sự thiện chí từ nhiều phía”, TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, GĐ Trung tâm Tư vấn chính sách nông nghiệp (Viện Chính sách và chiến lược phát triển NN-NT.
|
Dự án vẫn không tiến triển, trong khi hàng trăm tấn ngô của nông dân Sơn La, năm ngoái gặp mưa nhiều, đã bị mọt không thể tiêu thụ được. Ông Đoàn Trọng Lý, TGĐ Aprocimex than thở rằng, cứ cho là vay được vốn ngân hàng, thì cũng không thể SXKD có lãi được, vì lãi suất quá cao. Ấy là chưa kể đến việc nguồn vốn phi SX (DN này nếu muốn vay thì cũng vì mục đích xây dựng dự án, chưa SX) bị thắt chặt, khó tiếp cận. “Vì khó khăn nên hiện chúng tôi đang tạm dừng dự án để chờ khơi thông nguồn vốn. Mà cũng chưa biết đến bao giờ. Nản quá. Đi đầu tư SX mà cứ như đẽo cày giữa đường!”, ông Lý cho hay.
Không khác hoàn cảnh của Cty Aprocimex là mấy, ông Nguyễn Văn Túy ở xã Đức Chính, huyện Cẩm Giàng (Hải Dương) cũng đang lao đao vì “trót” đầu tư vào mảng nông nghiệp. Ông Túy bảo, ông không đăng ký thành lập DN vì đơn giản là thủ tục quá nhiêu khê, chỉ để quy mô trang trại là hợp lý. Ngay từ năm 2005, khi chăn nuôi quy mô 200 - 300 đầu lợn trong khu dân cư bị người dân phản ánh về môi trường, ông Túy đã tự dồn đổi ruộng của gia đình thành diện tích lớn, rồi thuê đơn vị tư vấn, lập dự án đầu tư chăn nuôi hẳn hoi với số vốn hơn 1,5 tỷ đồng trình UBND huyện Cẩm Giàng phê duyệt đầu tư.
“Xin nói rằng, số vốn 1,5 tỷ đồng vào những năm đó ở một vùng quê không phải là nhỏ. Thế nhưng không hiểu sao, dự án của tôi từ đó đến nay vẫn không nhận được phản hồi đồng ý hay không. Mãi tới gần đây, tôi mới nhận được thông báo rằng, vì năm đó xã Đức Chính chưa có quy hoạch đất đai cho chăn nuôi tập trung, nên dự án không thể phê duyệt”, ông Túy phiền muộn.
Trong khi “chờ được phê duyệt” dự án, ông Túy vẫn tiếp tục phát triển chăn nuôi. Ông kể rằng, thường xuyên phải thuê 5 - 7 nhân công, nhưng bây giờ lao động địa phương đều đi làm trong các KCN hết, nên trang trại ông phải thuê lao động tận miền Trung ra làm việc. Thế nhưng không thành lập DN, không có con dấu pháp lý trong tay để ký hợp đồng thì rất khó tuyển người, vì lao động bây giờ họ cũng rất coi trọng những chế độ. Như vậy khó càng thêm khó!
Theo Nông nghiệp Việt Nam
Nguồn:http://nongnghiep.vn/nongnghiepvn/vi-VN/61/158/1/15/15/82068/Default.aspx