Bộ Tài chính công bố 6 mặt hàng tăng giá: Doanh nghiệp kêu “không tăng không được”

30/06/2011

Kết quả kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về giá tại 21 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh 7 mặt hàng thiết yếu vừa được Bộ Tài chính công bố cho thấy, chỉ có duy nhất 1 mặt hàng giảm giá.

Bộ Tài chính đã kiểm tra về lĩnh vực giá đối với 7 mặt hàng tại 21 doanh nghiệp, thuộc các lĩnh vực: Khí hóa lỏng, xi măng, thép xây dựng, phân bón hóa học, thức ăn chăn nuôi, sản xuất đường ăn và kinh doanh sữa bột cho trẻ em dưới 6 tuổi.
Bất chấp kiểm tra, giá sữa cho trẻ dưới 6 tuổi vẫn tăng mạnh.
 
Tăng giá bất hợp lý
Kết quả kiểm tra cho thấy, từ đầu năm đến nay chỉ có mặt hàng đường ăn là giảm giá, còn lại 6/7 mặt hàng được kiểm tra đã tăng giá so với thời điểm cuối năm 2010. Trong đó, cao nhất là mặt hàng phân bón hóa học tăng khoảng 25%, thấp nhất là mặt hàng thức ăn chăn nuôi, tăng từ 1 - 2,5%.
Kết luận của đoàn thanh tra cho thấy, ở các lĩnh vực sản xuất xi măng, thức ăn chăn nuôi và phân bón hoá học, các doanh nghiệp đã tăng giá bất hợp lý, mức điều chỉnh giá bán tăng cao hơn so với mức tăng chi phí đầu vào tương ứng.
Điển hình như Công ty Xi măng Hoàng Thạch và Công ty Xi măng Hoàng Mai tăng giá bán từ 163.000 - 171.000 đồng/tấn, tương đương 18,2 - 18,9%, trong khi ảnh hưởng tăng của các yếu tố chi phí đầu vào chỉ tăng 14,1 - 16,3% so với giá thành năm 2010. Công ty CP Việt Pháp cũng đã tăng giá bán thức ăn gia súc khoảng 8,25%, trong khi đó chi phí sản xuất bình quân chỉ tăng 6,49%.
Doanh nghiệp nói gì?
Sau khi có kết luận thanh tra của Bộ Tài chính, các doanh nghiệp và hiệp hội đã có ý kiến phản hồi. Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, ông Phạm Chí Cường cho rằng, trong 7 mặt hàng tăng giá, thép đứng ở giữa lưng chừng, nhưng “ngành thép không có lỗi”.
Theo ông Cường, việc giá thép tăng trung bình từ 14 – 14,2% là do yếu tố đầu vào tăng. Hiện nay giá nguyên liệu nhập như phôi thép (chiếm tỷ lệ nhập 40%) đang tăng giá mạnh, trong nước giá điện, giá than cũng tăng lãi suất ngân hàng không những cao mà còn khó tiếp cận, khiến cho doanh nghiệp sản xuất phải tăng giá.
Trao đổi với NTNN, đại diện Cục Quản lý giá cho biết: Việc tăng giá bất hợp lý của doanh nghiệp là chuyện thường xuyên. Chắc chắn sẽ buộc doanh nghiệp sửa sai bằng những biện pháp nhất định. Sai đến đâu sẽ phải sửa đến đấy.
Xung quanh chuyện cắt giảm chi phí để hạ giá trong thời gian tới, ông Cường cho biết: Các sắp xếp liên quan đến quản lý, đến công nghệ cũng phải chờ thời gian, nhưng cũng chỉ hạn chế được một phần nhỏ giá thành.
“Trong tương lai, với diễn biến chi phí đầu vào tăng, giá thép thành phẩm còn tăng nữa, khó bàn chuyện giảm giá” - ông Cường nhấn mạnh.
Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi, ông Lê Bá Lịch cũng cho rằng: “Kết luận của Bộ không sai, và doanh nghiệp tăng giá cũng đúng”.
Ông Lịch cho rằng: “Trên thế giới, chẳng có một nước nào mà lãi suất vay ngân hàng lên tới 20-25%. Chỉ có những doanh nghiệp làm ăn bất chính mới có thể trả được lãi vay. Thử hỏi, nếu không tăng giá, thì làm sao bù được nợ”.
Còn về kiến nghị doanh nghiệp tiết giảm chi phí để hạ giá, ông Lịch cho hay: “Hiệp hội vẫn tích cực định hướng không quảng cáo, tăng cường yếu tố đầu tư lao động, nhưng chúng chỉ chiếm chi phí nhỏ. Giá thành phụ thuộc vào nguyên liệu. Giá nguyên liệu thế giới tăng thì giá nội địa không thể đứng yên”.
Ông Nguyễn Văn Điệp-Chánh Văn phòng Hiệp hội Xi măng Việt Nam cho biết: Việc tăng giá là giải pháp bắt buộc để bảo đảm kinh doanh vì giá than đã tăng 90% so với giá than xuất khẩu. Giá xăng dầu cũng tăng. Lãi suất ngân hàng thì bình quân trên 20%. Tất cả làm giá thành xi măng bị đội lên.
Theo Báo Nông thôn ngày nay

Nguồn:http://danviet.vn/48149p1c25/doanh-nghiep-keu-khong-tang-khong-duoc.htm


Tin khác