Còn nhiều bất cập trong việc thực hiện dự án 5 triệu hecta rừng

30/06/2011

Tuy dự án trồng mới 5 triệu hecta rừng đạt được những kết quả nhất định nhưng theo đánh giá của nhiều cơ quan chức năng, dự án vẫn tồn tại nhiều bất cập, thậm chí nhiều hạng mục không hoàn thành.

Phá rừng khai thác khoáng sản ở Bắc Kạn.
Phá rừng tuy giảm nhưng vẫn gay gắt
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Cao Đức Phát, những năm qua, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng đã đạt được những kết quả to lớn. Số vụ khai thác, phá rừng trái phép giảm, diện tích rừng tăng lên đáng kể. Tuy nhiên, ông Phát cũng thừa nhận, độ che phủ của rừng vẫn còn thấp so với yêu cầu, diện tích đất trống đồi núi trọc còn khá lớn (hơn 2 triệu hecta). Vì vậy, chưa phát huy hết tác dụng phòng hộ của rừng ở một số vùng có nguy cơ xói mòn, sạt lở, lũ lụt. Ở một số địa phương tình trạng phá rừng còn diễn ra gay gắt. Chất lượng của từng loại rừng và tính đa dạng sinh học của rừng tự nhiên tăng chậm, thậm chí ở nhiều khu rừng còn suy giảm.
Có thể thấy, khả năng đáp ứng nhu cầu về gỗ cho nền kinh tế của rừng còn thấp, chúng ta vẫn phải nhập khẩu nguyên liệu gỗ để đáp ứng phần lớn nhu cầu trong nước và chế xuất khẩu. Việc góp phần phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, xóa đói, giảm nghèo ở một số nơi còn kém bền vững.
Nguyên nhân được ngành chức năng đưa ra là: Rừng trải dài trên địa bàn cả nước và tập trung ở các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, sức ép dân số lên đất rừng; đất quy hoạch dành cho trồng rừng thường là đất xấu, dốc, tầng đất mỏng, nghèo dưỡng chất, phân tán và xa đường giao thông, địa hình chia cắt phức tạp, hệ thống hạ tầng thiếu thốn.
Ngoài ra, nhận thức về lâm nghiệp của các ngành, các cấp tuy đã có chuyển biến nhưng chưa có sự quan tâm đầy đủ và toàn diện; hệ thống chính sách lâm nghiệp còn thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng được chủ trương đẩy mạnh xã hội hóa nghề rừng và cơ chế thị trường. Đầu tư cho ngành lâm nghiệp và nghề rừng còn thấp so với nhu cầu. Việc xã hội hóa lâm nghiệp chậm; tiến độ giao, cho thuê rừng và đất lâm nghiệp đến tận tay người dân còn bất cập; diện tích rừng và đất lâm nghiệp do các lâm trường quản lý còn lớn...
Dự án hợp lòng dân
Rút bài học kinh nghiệm sau 13 năm thực hiện dự án, ông Phát cho biết: "Dự án trồng mới 5 triệu hecta rừng thể hiện sự quyết tâm chính trị rất cao của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Quá trình thực hiện dự án đã được sự quan tâm của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương. Đây là dự án hợp lòng dân, thực sự đi sâu giải quyết lợi ích của nhân dân, đặc biệt là đồng bào nghèo khu vực nông thôn miền núi, phù hợp với xu thế toàn cầu về chống biến đổi khí hậu. Bài học tiếp theo là vận dụng tích cực và khéo léo cơ chế thị trường để tổ chức thực hiện dự án. Cuối cùng là việc nghiên cứu, áp dụng các kỹ thuật, công nghệ mới trong việc nhân giống, trồng rừng thâm canh...".
Để tiếp tục quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng hiệu quả bền vững diện tích rừng hiện có và quỹ đất được quy hoạch, Bộ Nông nghiệp và PTNT tiếp tục đề xuất Chính phủ Chương trình bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011 - 2020. Chương trình này đặt ra mục tiêu bảo đảm 100% diện tích rừng và đất quy hoạch phát triển lâm nghiệp đều có chủ quản cụ thể; giảm 50% số vụ và diện tích khai thác gỗ, lâm sản trái pháp luật; nâng cao năng suất, chất lượng và trữ lượng của rừng.
Để đạt được mục tiêu đề ra, Bộ Nông nghiệp và PTNT đưa ra nhiều giải pháp quyết liệt như: rà soát đất đai, quy hoạch lâm nghiệp, quy hoạch ổn định 16,24 triệu hecta rừng và đất lâm nghiệp, xác định thực trạng sử dụng đất rừng và diện tích rừng thuộc các chủ quản lý để tiến hành giao đất, giao rừng đúng người, đúng doanh nghiệp.
Bộ Nông nghiệp và PTNT còn đề xuất đổi mới, sắp xếp lại các lâm trường quốc doanh. Nhà nước hỗ trợ tài chính cho những doanh nghiệp lâm nghiệp hiện chưa có đủ nguồn thu để chi cho các hoạt động bảo vệ và phát triển rừng trong thời gian nhất định... Bên cạnh đó, đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ giúp người dân sống ổn định nhờ trồng rừng. Thực tế ở nhiều địa phương cho thấy, khi người dân có thể làm giàu từ kinh tế rừng thì rừng mới phát triển bền vững.
Đến thời điểm này, cả nước đã phát hiện 11.708 vụ vi phạm các quy định của Nhà nước về quản lý bảo vệ rừng. Trong đó, hành vi vận chuyển lâm sản trái pháp luật có số vi phạm nhiều nhất là 5.519 vụ, chiếm 47,1%; khai thác lâm sản, phá rừng trái pháp luật và vi phạm quy định về sử dụng đất lâm nghiệp 3.017 vụ; vi phạm các quy định về quản lý động vật rừng 359 vụ; vi phạm các quy định về phòng cháy chữa cháy rừng 188 vụ; các vi phạm khác 2.401 vụ.
Tổng số vụ đã xử lý là 9.559 vụ, trong đó xử phạt hành chính 9.444 vụ, xử lý hình sự 115 vụ. Cả nước xảy ra 162 vụ cháy rừng, diện tích thiệt hại 1.056ha, giảm 78% số vụ và 76% về diện tích so với năm 2010.
Theo Báo Kinh tế nông thôn

Nguồn:http://kinhtenongthon.com.vn/Story/kinhte-thitruong/2011/6/28998.html


Tin khác