Mỗi năm, thế giới phải chi rất nhiều tiền cho công tác trồng và bảo vệ rừng. Vấn đề đặt ra hiện nay đó là làm sao để rừng phải mang lại thật nhiều giá trị kinh tế cho con người, xóa đói nghèo.
Đó chính là nội dung của Hội nghị khu vực Đông Nam Á về kinh tế học của đa dạng sinh học và các hệ sinh thái hướng tới nền kinh tế xanh đang diễn ra tại Hà Nội do Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Tài nguyên và Môi trường, cùng Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ)... tổ chức.
|
Trồng và bảo vệ rừng luôn đem lại những giá trị kinh tế lớn, góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững cho các quốc gia.
|
Hệ sinh thái đang suy giảm
Đánh giá về vai trò của đa dạng sinh học trong kinh tế xanh, TS.Jyotsna Puri thuộc Chương trình Môi trường Liên hợp quốc cho hay, đa dạng sinh học và dịch vụ hệ sinh thái rất cần thiết cho sự thịnh vượng của con người. Sự thịnh vượng và giảm đói nghèo phụ thuộc vào sự duy trì dòng lợi ích từ các hệ sinh thái. Chính vì vậy, rất nhiều quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam lại đang bị phụ thuộc vào nguồn tài nguyên thiên nhiên này. Điều đáng nói, có tới 2/3 các dịch vụ của hệ sinh thái mà con người đang được cung cấp lại bị suy giảm hoặc được sử dụng không bền vững, nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời chắc chắn sẽ gây ra rất nhiều tổn thất khó lường.
Ông Hứa Đức Nhị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT khẳng định, rừng là một hệ sinh thái chứa đựng trong đó sự đa dạng sinh học phong phú nhất là rừng nhiệt đới như Việt Nam. Bảo tồn đa dạng sinh học là yếu tố rất quan trọng trong phát triển rừng và phát triển bền vững đất nước; bảo vệ và phát triển rừng bền vững cũng chính là đảm bảo cho việc bảo tồn đa dạng sinh học và các hệ sinh thái tự nhiên. Song trên thực tế, trong tổng số 16,2 triệu ha đất được dành cho phát triển rừng đã có hơn 13,5 triệu ha được trồng còn lại là những diện tích chưa thành rừng theo tiêu chí của Việt Nam.
Tuy nhiên, việc bảo vệ và phát triển rừng luôn đứng trước những thách thức to lớn nhất là đối với những nước đang phát triển như Việt Nam khi mà phần lớn dân cư vẫn phải sống dựa vào canh tác nông nghiệp. Đó là lý do mà rừng và cây lâm nghiệp luôn không có sức cạnh tranh so với các cây trồng nông nghiệp khác. Tuy chương trình bảo vệ và phát triển rừng của Việt Nam đã đạt được những kết quả rất đáng khích lệ trong những năm qua như đã chặn đứng đà suy giảm tỷ lệ che phủ của rừng ở mức 27% từ giữa những năm 90 thế kỷ trước và nay đạt được 39,5% nhưng nhìn về lâu dài thì việc duy trì một tỷ lệ che phủ của rừng như vậy và lớn hơn là rất khó khăn.
Các chuyên gia quốc tế nhận định, khi các hệ sinh thái tự nhiên và đa dạng sinh học bị xuống cấp hay kiệt quệ, điều này có thể gây ra những chi phí và tổn thất về mặt kinh tế, đặc biệt là đối với những thành phần nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất trong xã hội. Chính vì thế, việc duy trì các hệ sinh thái đòi hỏi phải có sự thừa nhận rõ ràng những lợi ích, định giá đúng đắn về hàng hóa và dịch vụ, cũng như việc xem xét tới những chi phí do suy giảm đa dạng sinh học gây ra. Việc xác định giá trị không đúng của đa dạng sinh học và các hệ sinh thái sẽ dẫn tới sai sót trong nhiều chính sách, thể chế, giá cả và thị trường. Do đó, các quốc gia không chỉ cần đảm bảo rằng những giá trị này được tính đến trong việc đánh giá và hoạch định chính sách, dự án và chương trình, mà còn quan trọng đối với việc hiểu về những chi phí và lợi ích của đa dạng sinh học và các hệ sinh thái đối với giá cả thực tế, thị trường và cơ chế khuyến khích mà con người và các doanh nghiệp gặp phải khi thực hiện các công việc hàng ngày.
Hướng tới kinh tế xanh
TS. Jyotsna Puri thuộc Sáng kiến TEEB và nền kinh tế xanh (Chương trình môi trường Liên hợp quốc) cho biết, đầu tư khoảng 2% GDP toàn cầu vào 10 lĩnh vực chính có thể khởi đầu một giai đoạn chuyển đổi sang kinh tế xanh sử dụng hiệu quả tài nguyên và giảm thiểu cácbon. Với 1,3 nghìn tỷ USD một năm có thể phát triển kinh tế toàn cầu xung quanh một tỷ lệ phát triển tương tự. Rừng chứa đựng hơn ½ tổng số loài trên thế giới, chiếm hơn 2/3 sản lượng từ đất. Một mức đầu tư trung bình bổ sung hàng năm khoảng 40 tỷ USD sẽ giảm ½ mức phá rừng toàn cầu cho đến năm 2030, tăng phục hồi rừng và trồng rừng 140% trước năm 2050 tương ứng với mức kinh doanh hàng năm.
Theo TS. Jyotsna Puri, một trong các thông điệp chính của kinh tế xanh là mối liên hệ không thể tách rời giữa đói nghèo và suy thoái các hệ sinh thái và mất mát đa dạng sinh học. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng một số mục tiêu phát triển thiên niên kỷ có nguy cơ không thể đạt được do thiếu quan tâm và làm giảm giá trị của các khía cạnh của tự nhiên. Kinh tế xanh thể hiện ở cuộc sống người dân thịnh vượng hơn, xã hội công bằng hơn, trong khi đó giảm đáng kể những rủi ro về môi trường và tác động đến sinh thái.
Ông Nhị thừa nhận, tại Việt Nam những bài học về bảo vệ rừng luôn thông qua quản lý nghiêm ngặt bằng luật pháp và tuyên truyền vận động sự hữu ích của rừng đơn thuần sẽ không đảm bảo cho rừng được bảo vệ lâu dài trong thời kỳ phát triển kinh tế đất nước tới đây. Những cơ chế, chính sách vừa qua của Chính phủ về kinh phí khoán bảo vệ rừng, việc đầu tư cho phát triển rừng phòng hộ, đặc dụng và hỗ trợ cho phát triển rừng sản xuất và hàng loạt các cơ chế chính sách phát triển nông nghiệp và nông thôn miền núi đã tỏ ra là những cơ chế khích lệ cho bảo vệ và phát triển rừng. Gần đây, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng theo Quyết định thí điểm 380/TTg và Nghị định 99/Cp đã thực sự là một cách tiếp cận mới về cơ chế sự nghiệp bảo vệ và phát triển rừng – cách tiếp cận bước đầu về kinh tế.
“Chúng tôi được biết, kinh tế học đa dạng sinh học và các hệ sinh thái và nền kinh tế xanh là một sáng kiến quốc tế tập trung vào việc thu hút sự chú ý vào những lợi ích kinh tế mang tính toàn cầu của đa dạng sinh học. Nó nêu bật chi phí ngày càng tăng do mất rừng, mất đa dạng sinh học và suy giảm hệ sinh thái cũng như những lợi ích của việc bảo tồn và sử dụng bên vững”, ông Nhị nói.
Theo Báo Kinh tế nông thôn
Nguồn:http://kinhtenongthon.com.vn/Story/kinhte-thitruong/2011/6/28999.html