Phải có tiêu chuẩn
Theo ông Peter Hamaker, GĐ Cty Mayona (Hà Lan), từ nhiều năm nay, các siêu thị ở Hà Lan nói riêng và châu Âu nói chung đã trở thành đích ngắm của các tổ chức phi chính phủ (NGO). Nếu cho rằng loại thực phẩm nào đó bán trong siêu thị mà có vấn đề về môi trường sinh thái, ảnh hưởng đến loài sinh vật khác …, là các NGO sẽ tổ chức phản đối, tẩy chay liền. Cá tra Việt Nam từng gặp rắc rối ở nhiều nước châu Âu, cũng có phần nguyên nhân đó.
Bởi thế, để tránh rắc rối, các siêu thị đang có xu hướng chọn những loại thực phẩm có chứng nhận phát triển bền vững. Chẳng hạn, với các sản phẩm thủy sản có nguồn gốc từ khai thác, đánh bắt, muốn được bán trong hệ thống các siêu thị ở châu Âu, bây giờ bắt buộc phải có chứng nhận MSC. Còn với các sản phẩm thủy sản có nguồn gốc nuôi trồng, cũng đang ngày càng bị người tiêu dùng đòi hỏi phải có một chứng nhận phát triển bền vững.
Ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch Ủy ban Cá nước ngọt VASEP, cho biết hiện nay để xuất khẩu được vào thị trường EU, cá tra Việt Nam không thể không có một chứng nhận nào đó. Còn theo ông Phạm Anh Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, các chứng nhận là cơ sở để chúng ta chứng minh với người tiêu dùng thế giới rằng Việt Nam đang sản xuất cá tra một cách có trách nhiệm.
Theo ông Nguyễn Hữu Dũng, PCT VASEP, đến nay đã có 2.805 ha cá tra, 49 Cty chế biến, 103 trại cá đã và đang được chứng nhận các tiêu chuẩn bền vững khác nhau. 5 trại nuôi cá tra đang thực hiện các tiêu chuẩn PAD và đợi chứng nhận ASC …
Nhưng nhiều quá, chọn tiêu chuẩn nào?
Ông Nguyễn Hữu Dũng: Riêng con cá tra, lúc đầu người ta đòi hỏi về an toàn thực phẩm. Sau đó, họ đòi hỏi con cá phải được nuôi một cách đàng hoàng, tử tế. Tiếp đó nữa, họ lại yêu cầu các DN cá tra phải có trách nhiệm đối với xã hội. Và chẳng biết tới đây, sẽ còn những đòi hỏi nào nữa?
|
Ông Bas Geerts, GĐ phụ trách tiêu chuẩn ASC, cho biết đến nay 6/2011, đã hoàn thành tiêu chuẩn ASC đối với cá tra, basa. Theo đó, để được chứng nhận ASC, việc nuôi cá tra, basa phải đạt các nguyên tắc như: hoạt động trong khuôn khổ pháp luật; sử dụng nước và địa điểm nuôi không ảnh hưởng tới người sử dụng nước khác và môi trường; việc nạp chất dinh dưỡng và chất thải trong quá trình nuôi cá không gây ô nhiễm nước và ảnh hưởng xấu đến môi trường sống thực vật và động vật; trong trường hợp cá tra thoát khỏi các ao nuôi, nó sẽ không làm ảnh hưởng đến cá tự nhiên và hệ sinh thái; thức ăn cho cá tra không làm suy giảm nguồn thực phẩm mà các loài cá khác dựa vào;…
Theo ông Dương Ngọc Minh, bộ tiêu chuẩn ASC cho cá tra, basa có phần dễ hơn so với bộ tiêu chuẩn GlobalGAP mà nhiều công ty, trại nuôi cá tra đang áp dụng. Chi phí tăng thêm khi thực hiện ASC không phải là vấn đề lớn đối với DN vì chỉ khoảng 50 đ/kg cá fillet. Nhưng cái quyết định chính để các doanh nghiệp có theo bộ tiêu chuẩn này hay không vẫn là đòi hỏi từ thị trường nhập khẩu.
Hiện nay, nhiều nước EU vẫn đang đòi tiêu chuẩn GlobalGAP đối với cá tra nhập khẩu từ Việt Nam, nên các DN vẫn đang đẩy mạnh GlobalGAP ở các trại nuôi. Ông Minh khẳng định “Tổ chức nuôi cá tra theo tiêu chuẩn nào đó, cái khó nhất là ở khu vực nuôi của người dân, vì rất khó để cho các hộ cùng chung tay để nuôi cá theo một tiêu chuẩn chung”.
Ông Phạm Anh Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho rằng, hiện nay có rất nhiều tiêu chí, chứng nhận nuôi trồng thủy sản bền vững, nhưng dù là tiêu chí nào, thì cũng đều xoay quanh 4 nguyên tắc chính: an toàn thực phẩm, sức khỏe động vật, bảo vệ môi trường và an sinh xã hội. Do đó, cần phải có sự hợp tác giữa các bên để điều chỉnh các tiêu chí sao cho phù hợp với thực tế sản xuất.
Theo ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội Nghề cá VN thì con cá tra nước ta đang ứng dụng nhiều bộ tiêu chuẩn, chứng nhận khác nhau. Nhìn chung các bộ tiêu chuẩn, chứng nhận có nhiều điểm giống nhau, chỉ khác nhau ở một vài điểm. Vì thế, các cơ quan Chính phủ cần phải làm trọng tài, sao cho ở những vùng nuôi đã áp dụng bộ tiêu chuẩn này, nếu cần phải có thêm chứng nhận của bộ tiêu chuẩn khác, thì chỉ cần giải quyết những điểm khác biệt giữa 2 bộ tiêu chuẩn đó. Như vậy, sẽ làm giảm được sự phiền hà, chi phí tốn kém cho người nuôi và doanh nghiệp.
Theo Báo Nông nghiệp Việt Nam
Nguồn: http://nongnghiep.vn/nongnghiepvn/vi-VN/61/158/1/15/15/80399/Default.aspx