Kịch bản nào cho an ninh lương thực quốc gia?

23/06/2011

An ninh lương thực (ANLT) đang trở thành nỗi lo chung của toàn thế giới khi những diễn biến về biến đổi khí hậu, chính sách thương mại của các quốc gia ngày càng gây khó khăn cho việc cung cấp nguồn lương thực. Việt Nam là một trong 5 quốc gia được dự báo sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu, điều này đồng nghĩa với việc đảm bảo ANLT ngày càng cấp bách.

 
Cường quốc số 1 về gạo
Tại Hội nghị về triển vọng ngành hàng nông nghiệp 2011, các chuyên gia lúa gạo nhận định, ANLT đang trở thành vấn đề cấp bách của nhiều nước trên thế giới.
VN sẽ trở thành quốc gia số 1 về xuất khẩu gạo trong tương lai.
 
Ông Samarendu Mohanty, Viện Nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI) dự báo, trong tương lai, những bất ổn về khí hậu, điều kiện tự nhiên đang trở thành những thách thức đối với ANLT thế giới. Khí hậu khắc nghiệt đã ảnh hưởng tới sản lượng ngũ cốc toàn cầu. Nếu như tháng 5/2010, sản lượng ngũ cốc thế giới đạt 2.260 triệu tấn thì tới tháng 1/2011 giảm còn 2.180 triệu tấn. Trong khi đó, tiêu thụ gạo thế giới tăng từ 340 triệu tấn (năm 1990-1991) lên 460 triệu tấn (2010-2011). Đó là chưa kể các quốc gia đang xuất khẩu lớn như Thái Lan có xu hướng quay sang dự trữ. Cũng theo ông Samarendu Mohanty, trên thế giới vẫn còn khoảng 44 triệu người sống trong cảnh nghèo đói. Vì thế, ANLT ngày càng trở nên quan trọng hơn đối với mỗi quốc gia và khu vực.
Với điều kiện phát triển như hiện nay, ASEAN sẽ trở thành khu vực xuất khẩu gạo lớn, trong đó Việt Nam là nhân tố chính. Dự báo đến năm 2019, Việt Nam trở thành quốc gia số 1 về xuất khẩu gạo. Điều này là tin vui, nhưng cũng là thách thức không nhỏ đối với ngành xuất khẩu gạo của chúng ta. Câu hỏi được đặt ra là trong khi các quốc gia khác đang tìm cách hạn chế xuất khẩu lương thực thì liệu trở thành quốc gia hàng đầu về xuất khẩu gạo có nên hay không?
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Tư vấn chính sách nông nghiệp (Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn) cho rằng, việc Việt Nam có thể trở thành nước số một về xuất khẩu gạo là hoàn toàn trong tầm tay về mặt khối lượng, nguyên nhân là do Thái Lan chỉ nhắm vào thị trường gạo chất lượng cao.
Đồng tình với quan điểm này, TS.Steven Jaffee, Điều phối viên Ban phát triển nông nghiệp (Ngân hàng Thế giới) giải thích, Thái Lan đang có kế hoạch giảm bớt lượng gạo xuất khẩu để tập trung vào làm gạo giá trị cao, nhằm đáp ứng yêu cầu của một số nước có nhu cầu cao hơn.
Chọn kịch bản nào?
Nước ta hiện có hơn 85 triệu dân nhưng dự báo đến năm 2020, dân số khoảng 100 triệu người. Cùng với đó, những thách thức về biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, suy giảm diện tích đất trồng lúa đang đặt ra không ít thách thức cho Việt Nam trong vấn đề đảm bảo ANLT quốc gia.
TS.Steven Jaffee chỉ ra rằng, ANLT không đơn thuần là vấn đề thiếu lương thực, Việt Nam nên giải quyết tốt hơn khả năng tiếp cận lương thực gắn liền biến động giá thực phẩm hoặc thay đổi đột ngột về thu nhập.
Trước những dự báo trên, Trung tâm Tư vấn chính sách nông nghiệp đã đưa ra 4 kịch bản với 6 phương án cho ANLT quốc gia từ nay tới năm 2030. Trong đó, đáng chú ý nhất là kịch bản đầu tiên: nếu chúng ta duy trì được diện tích trồng lúa 3,8 triệu hecta, năng suất 7 tấn/ha và mức tiêu dùng là 100kg/người/năm thì tiêu thụ trong nước chỉ hết khoảng 10 triệu tấn gạo, còn lại dành để xuất khẩu (XK) trên 12 triệu tấn. Riêng với kịch bản 4 hay gọi là tình huống xấu nhất, cho dù diện tích đất trồng lúa chỉ còn 3 triệu hecta, năng suất lúa 5,8 tấn/ha và tiêu dùng là 120kg/người/năm thì sản lượng lúa vẫn đạt gần 32 triệu tấn, lượng gạo tiêu thụ xấp xỉ 13 triệu tấn và như vậy, nước ta vẫn có thể xuất khẩu được 1,2 triệu tấn. Ông Nguyễn Ngọc Quế, thành viên ban soạn thảo kịch bản khá lạc quan: "Khả năng đến năm 2030 vấn đề đảm bảo ANLT vẫn thoải mái và có thể xuất khẩu. ANLT không phải là vấn đề đáng ngại lớn nhất trong hoạch định chính sách".
Về tiêu thụ gạo, ông Quế cũng cho biết, từ nay đến năm 2030, tiêu thụ gạo bình quân đầu người của nước ta duy trì ở mức 100 - 120kg/năm, mức này hoàn toàn đủ ở cấp xã phía Bắc. Chỉ có một số vùng xảy ra nguy cơ thiếu hụt nhất là Bắc Trung Bộ (tập trung ở Quảng Bình, Hà Tĩnh), Lâm Đồng và Đông Nam Bộ. Tuy nhiên, theo ông Quế, riêng Đông Nam Bộ là vùng đất giàu có do trồng cây công nghiệp dài ngày nên không đáng ngại về nhu cầu, lượng gạo thiếu hụt này có thể phân bổ từ ĐBSCL. Như vậy, trên cơ sở tính toán khoa học và tư vấn từ các chuyên gia lúa gạo trong và ngoài nước, các chuyên gia của Trung tâm Tư vấn chính sách nông nghiệp đã đưa ra bức tranh tươi sáng cho lúa gạo nước ta trong 20 năm tới với mức dư lúa gạo xuất khẩu đạt tối thiểu 1,2 - 2 triệu tấn.
ÔNG PHAN HUY THÔNG, PHÓ CỤC TRƯỞNG CỤC TRỒNG TRỌT (BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PTNT): Phải đảm bảo ANLT cho thế hệ con cháu
Trước những dự báo lạc quan về ANLT quốc gia trong 20 năm nữa, ông Phan Huy Thông, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và PTNT) cho rằng:
Các kịch bản đưa ra đến năm 2030 cho ngành sản xuất lúa gạo mới đơn thuần là tính toán trong điều kiện có một vài yếu tố cản trở và diện tích đất trồng lúa vẫn được sử dụng hết. Tuy nhiên, trên thực tế, chúng ta phải khẳng định: còn rất nhiều yếu tố khác tác động tới sản xuất lúa, diện tích đất trồng lúa. Ví dụ, trước đây ta cứ lấy thu nhập bình quân đầu người trong 10 năm để tính toán, tuy nhiên, hiện nay những chu kỳ dài hơn 20-30 năm sẽ có diễn biến khác, không giống như 10 năm nữa. Đó là chưa kể tới yếu tố thời tiết diễn biến khó lường. Trước đây, chưa bao giờ nước ta trải qua những đợt rét đậm và kéo dài như năm 2008 và năm 2011. Trong tương lai, diễn biến thời tiết như thế nào cũng không ai chắc chắn... Nói như vậy, để thấy việc tính toán như kịch bản đưa ra là trong điều kiện bình thường, còn trong thực tế, chúng ta phải tính tới cả các yếu tố sát thực tiễn hơn.
Trong các kịch bản đưa ra, các nhà nghiên cứu cũng đã tính tới yếu tố xấu nhất và trong trường hợp đó, họ vẫn khẳng định là đảm bảo ANLT trong nước và dư xuất khẩu. Ông có cho rằng, 20 năm sau chúng ta có thể đảm bảo được như vậy?
Tôi khẳng định, mục tiêu ANLT quốc gia không chỉ trong 20 - 30 năm mà phải là 100, 200 năm hoặc lâu hơn nữa, làm sao không chỉ đời sống của chúng ta mà còn của con, cháu và các thế hệ mai sau cũng phải được đảm bảo.
Nếu theo kịch bản 4 - kịch bản xấu nhất là còn 3 triệu hecta lúa, vậy khi nước biển dâng, xâm nhập mặn lấn vào đất lúa thì chúng ta còn đất đâu mà canh tác. Nói vậy để thấy, quan điểm của cơ quan quản lý nhà nước là phải tính toán một cách toàn diện và lâu dài.
Lâu nay có nhiều diễn đàn đề cập tới việc giá gạo Việt Nam thấp hơn Thái Lan, tại sao chúng ta không đi theo Thái Lan để trồng gạo chất lượng cao, thưa ông?
Để trả lời câu hỏi này phải xuất phát từ thực tiễn, Việt Nam và Thái Lan là 2 nước có nhiều điểm tương đồng nhưng cũng có nhiều khác biệt. Bình quân đất canh tác lúa của Thái Lan là 3-4ha/hộ và có thể canh tác được 2 vụ, trong khi nước ta, bình quân chỉ có 0,5-0,8ha/hộ. Vì thế, nếu chúng ta chọn phương án giống Thái Lan thì không đủ lương thực, chưa nói tới xuất khẩu. Thứ hai, khi làm gạo giá trị cao, chúng ta chỉ canh tác được 1 vụ, vậy lao động nông thôn làm gì trong vụ còn lại, trong khi chưa phát triển công nghiệp, dịch vụ và như thế lấy gì để nông dân tăng thu nhập. Thứ ba, thị trường cũng phân khúc rõ nét, có nhu cầu gạo chất lượng cao và nhu cầu gạo chất lượng trung bình. Điều kiện của nước ta là không thể cạnh tranh được với những nước có điều kiện như Thái Lan thì chúng ta đi vào phân khúc thấp. Tuy nhiên, nói thế không có nghĩa là chúng ta chỉ sản xuất gạo phẩm cấp thấp, trong số này vẫn có thể trồng một số diện tích lúa chất lượng cao để tăng vụ, tạo việc làm, tăng thu nhập cho nông dân.
Dự báo Việt Nam sẽ trở thành nước xuất khẩu gạo số 1 thế giới vào 2019, ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
Tôi cho rằng dự báo đó rất khả thi bởi Thái Lan có xu hướng không muốn giữ vị trí đứng đầu do họ muốn chuyển sang sản xuất gạo giá trị cao. Trong bối cảnh lao động nông nghiệp nước ta chưa chuyển được sang ngành khác, việc trồng lúa giá trị cao còn phụ thuộc vào thị trường, hệ thống hạ tầng, chế biến. Chúng ta vẫn phải chấp nhận thực tế lấy số lượng bù chất lượng và chỉ khi nào đủ điều kiện như họ mới giãn thời vụ xuống và đi vào thị trường gạo chất lượng cao hơn.
Xin cảm ơn ông!
 
Theo Báo Kinh tế nông thôn

Nguồn: http://kinhtenongthon.com.vn/Story/VandeSukien/2011/6/28840.html


Tin khác