Đã có lúc người ta ví von nuôi tôm sú ở ĐBSCL lãi như buôn ma túy. Các tỉnh đua nhau tăng diện tích nhưng chỉ qua đợt dịch có quá nhiều điều lạ lùng này, bức tranh về nơi vẫn được gọi là thủ phủ tôm chỉ toàn gam màu xám. Cận cảnh vùng tôm quá lắm nỗi xót xa.
Đại gia, đại nợ, đại liều
Một thống kê mới đây công bố Sóc Trăng là tỉnh nghèo nhất miền Tây. Thống kê này lạ ở chỗ Sóc Trăng là tỉnh có diện tích tôm sú vào loại nhất nhì với số nông dân được gọi là đại gia cũng chưa bao giờ thiếu. Lạ nữa vì người ta vẫn thường gọi con tôm đối với miền Tây mang sứ mệnh lớn lao là thoát nghèo thì tại sao lại ra nông nỗi ấy?
Hiệp hội Tôm Mỹ Thanh có khoảng 2.000 ha nuôi tôm nằm giữa cánh đồng tôm công nghệ cao thuộc xã Liêu Tú (huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng) có quy mô hoành tráng bậc nhất miền Tây. Với người nuôi tôm, Hiệp hội này không chỉ là “sân chơi” chung để trao đổi, học tập kinh nghiệm mà còn là nơi các hội viên có thể dựa vào nhau lúc rủi ro hay khốn khó. Với dân làm lúa đó là một thế giới khác, thế giới của những đại gia mà giả sử vô tình gặp ở một cuộc nhậu họ chẳng bao giờ dám ngồi chung bàn hay chào hỏi vì sự mặc cảm về tiền bạc.
Cuộc gặp gỡ các đại gia ngồi trên lưng hổ
Tôm chết hàng loạt mà không rõ nguyên nhân khiến nông dân ở miền đất vốn được xem có lối sống vô tư, hào phóng phải giật mình. Họp khẩn, bàn tán và hoang mang…
|
Ngay cả thời điểm thất bát nhất từ trước đến nay như hiện tại thì những: Út Huy, Bảy Nhiệm, Tám Tiền, Hai Hoàng… vẫn đủ tiền để khiến dân trong nghề nuôi tôm và cả miền Tây này mười phần nể bảy. Họ đi ô tô, ở nhà lầu và con cái người này du học ở Anh người kia bên Úc, bên Mỹ… Chẳng ai dám dù chỉ trong suy nghĩ rằng một ngày trong đám đại gia ấy có kẻ chỉ ước được trở về làm một người nông dân bình thường.
Người “đủ tư cách và sự hiểu biết” như chính lời ông nói với tôi về những đại gia ở Hiệp hội Tôm Mỹ Thanh là ông Nguyễn Tấn Bửu, Giám đốc ngân hàng Agribank tỉnh Sóc Trăng. Hôm chúng tôi đi khảo sát thực tế vùng tôm cũng là lúc ông Bửu và đoàn cán bộ ngân hàng xuống “thủ phủ đại gia” với vị thế của kẻ đi nghe người ta…cầu cạnh. Vị thế mà nhiều người thổ lộ ở cả miền Tây này khối kẻ mơ. Và tôi may mắn được tham dự cuộc "gỡ bí" này nhờ sự mở lời của ông Bảy Nhiệm (Nguyễn Văn Nhiệm), Chủ tịch Hiệp hội rằng: “Hi vọng có thêm tiếng nói của báo chí sẽ sớm có chính sách cứu chúng tôi”.
|
Cuộc gặp gỡ của các đại gia tôm với cán bộ ngân hàng
|
Nói ông Bửu “đủ tư cách” cũng phải bởi “ngồi chung chiếu” trong cuộc gặp gỡ ấy là đại gia mà tên tuổi của họ là điều không phải bàn cãi. Tám Tiền (Phạm Minh Tiền), nguyên Giám đốc Sở Thủy sản Sóc Trăng với 13 năm làm cán bộ thủy sản, 9 năm chinh chiến thành đại gia nuôi tôm với hàng trăm ao nuôi. Út Huy (Võ Quang Huy), “đệ nhất tôm” ở xứ này mỗi vụ đầu tư hàng triệu đô. Bảy Nhiệm, Chủ tịch Hiệp hội, nguyên Giám đốc Sở Điện lực Sóc Trăng…
Những đại gia này được biết đến là những người có tài sản khổng lồ, vốn khổng lồ… Nhưng đấy là với người ngoài, còn với riêng ông Bửu còn biết thêm một sự khổng lồ nữa của họ: Nợ ngân hàng. Ông Bửu bảo rằng, những đại gia này nói chuyện tiền tỷ như tiền ngàn, nhưng đáng buồn phần lớn giấy tờ sở hữu gia sản lại nằm thế chấp ngân hàng mất rồi. Hóa ra tiền tỷ ấy là tiền tỷ đi vay còn cái mác đại gia cũng chỉ trên danh nghĩa. Họ sẽ mãi là đại gia trong trường hợp thắng tôm liên tiếp. Còn rủi ro, chỉ cần 1-2 vụ thất bại tất có người mơ chuyện ngược đời là muốn làm một ông nông dân nghèo bình thường.
Vì đâu nhóm đại gia ở đây rơi vào hoàn cảnh bi đát ấy? Về tiền bạc thì có lẽ miễn bàn. Về kiến thức và sự khôn ngoan, đó cũng chẳng phải là những tay mơ. Không ít người trong số họ từng lãnh đạo một ngành của tỉnh, từng là Đại biểu Quốc hội, đi nước ngoài như đi chợ…
Đau nhất có lẽ là Tám Tiền. Ông bảo chẳng thể ngờ đứng đầu ngành thủy sản một tỉnh hơn chục năm, dân nuôi tôm luôn coi ông là bậc thầy “hiểu tôm hơn cả hiểu vợ”. Vậy mà bây giờ ra ngõ có khi phải lén lút vì sợ dân người ta hỏi tôm đang bị bệnh gì mà mình không biết thì…dị lắm. 80 ao tôm với diện tích hàng trăm ha từng là thứ đưa Tám Tiền vào hàng ngũ “có số có má” về nuôi tôm của cả miền Nam này. Nhưng rồi cũng 80 ao tôm ấy lại khiến đầu tóc vị cán bộ thủy sản về hưu này bạc đi phân nửa.
Sau đợt dịch vừa rồi chỉ còn lại vỏn vẹn có 5 ao sống sót, chỉ trong vòng 20 chục ngày vị đại gia mất đứt hơn 3 tỷ đồng. “Chết sạch, mất sạch. Càng nuôi nhiều, càng đại gia thì càng bi kịch. Đại gia gì chú, đại nợ, đại liều thì có”.
Hiệp hội Tôm Mỹ Thanh có 130 hội viên, hỏi tất cả trong số họ tiền lỗ vụ vừa rồi, tiền nợ ngân hàng hiện nay bao nhiêu chẳng ai thống kê nổi. Thoáng chốc sa lầy mà chẳng hiểu vì sao, các đại gia xứ này nửa đùa nửa thật rằng: “Đến nước này chỉ còn cách lên hàng đệm trên Sài Gòn mua mỗi người một tấm ra gầm cầu mà ngủ chứ chẳng ai cứu nổi”.
|
Đại gia tôm Út Huy thẫn thờ bên đồng tôm nuốt mất tiền tỷ |
Dừng lại là chết
Cuộc gặp gỡ giữa Ngân hàng Agribank Sóc Trăng và các đại gia ở Hiệp hội Tôm Mỹ Thanh chỉ dừng lại ở mức “khảo sát nắm tình hình, lập biên bản và … chờ chính sách”. Ông Bửu nói rằng ngân hàng cũng lo, cũng thông cảm với người nuôi tôm nhưng thực trạng hiện tại đã vượt quá xa tầm kiểm soát. Các đại gia đang mong mỏi được khoanh nợ nghe thế mà rụng rời. Họ hoang mang vì sợ phải dừng lại. Như lời đại gia Út Huy cay đắng rằng: Nuôi tôm là chấp nhận leo lưng hổ, chỉ có thể dừng lại khi không bước nổi nữa thôi. Dừng lại bây giờ thì chết.
Trong số đại gia tôm ở Hiệp hội Tôm Mỹ Thanh, Út Huy là người có quy mô và mức đầu tư lớn nhất. 150 ao tôm trên diện tích 100 ha đất, bình quân một vụ tôm ông đầu tư vào 150 có khi lên đến 3 triệu đô la Mỹ. Có mặt ở vùng nuôi tôm công nghệ cao này từ những ngày đầu tiên, đại gia quê ở Long An này là người nắm rõ hết những hỉ nộ ái ố của cái nghề mà ông bảo “hên xui chẳng khác gì đánh bạc”: “Có nhiều kẻ rũ chân đất lên ô tô, nhà lầu nhưng cũng không ít người sống khổ hơn chết phải bỏ xứ mà đi. Tất cả có khi chỉ diễn ra vỏn vẹn trong vòng 20 ngày”.
Một ao tôm từ khi đầu tư đến thời điểm sau một tháng được định giá gần 200 triệu đồng. Thời tôm thịnh, miễn có đất làm tôm thì muốn vay ngân hàng bao nhiêu cũng được. Dân miền Tây phóng khoáng đến mức liều lĩnh. Cứ có tiền là họ đầu tư, thắng to lại nhà lầu, xe hơi đời mới, đầu tư con cái du học nước ngoài… Con tôm giống buôn ma túy ở ma lực về tiền bạc, ma lực của sự giàu sang.
|
Đồng tôm đổ nợ |
Ông Huy bảo thời điểm mấy năm đầu, thu hoạch tôm xong cầm cả tỷ bạc trong tay nhưng chẳng biết tiêu vào cái gì cho nó hết. Cánh đồng hoang vụt thành đô thị chẳng kém thành phố về sự xa hoa. Các đại gia khắp nơi đổ về đầu tư với hi vọng tiền tỷ sẽ đẻ thành chục tỷ, trăm tỷ. Nhưng đó cũng chỉ là hào quang nhất thời bởi lỡ rủi ro thì các đại gia vùng tôm thành đại nợ. Chỉ cần một vụ tôm thất bát, những đại gia mới giật mình khi nhìn giấy “truy lĩnh” của ngân hàng. Tiền đẻ ra tiền nhưng là tiền nợ.
Về chuyện nợ Út Huy rành cũng phải. Nuôi trong tay hơn 200 công nhân đã có lúc ông Huy nợ ngân hàng lên đến 40 tỷ đồng. Con số ấy chỉ tính riêng tiền lãi mỗi tháng đã phải trả 360 triệu đồng. Cái cảm giác sau một đêm ngủ dậy điều đầu tiên nghĩ đến là 12 triệu đồng tiền lãi tự nhiên mất đi quả là “khó nuốt”. Nhưng không chỉ ông Huy mà với nhiều đại gia tôm thời ấy con số này chỉ là “muỗi”. Nhưng rồi thất bại cứ đến nhiều đến nỗi…quen luôn. Đợt dịch này chỉ riêng 26 ao tôm ở một vuông cũng đã khiến gia đình ông Huy “vứt” 2,4 tỷ đồng.
Nghe những chuyện ấy nhiều người nghi hoặc, phải chăng thời của những đại gia tôm sú miền Tây đang hết?
Hai ông Bảy Nhiệm và Tám Tiền, một người từng là Đại biểu Quốc hội, một người 13 năm làm Giám đốc Sở Thủy sản. Cả hai đã có hàng chục năm khoác lên mình mác đại gia tôm nhưng vẫn chẳng thể gọi tên cái thực trạng như hiện nay là gì?
Theo Báo Nông nghiệp Việt Nam
Nguồn:http://nongnghiep.vn/nongnghiepvn/vi-VN/61/158/1/1/1/80125/Default.aspx