Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân: Cần sớm có chiến lược KHCN phục vụ nông nghiệp

20/06/2011

Trong hai ngày liên tiếp, đoàn công tác của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã làm việc với Bộ NN- PTNT và các Viện nghiên cứu thuộc Bộ với mục đích lắng nghe những tồn tại, những đề xuất giải pháp khắc phục.

Nhà khoa học mất 50% thời gian lo tài chính
Hôm đầu tiên, Phó Thủ tướng đã đến làm việc với Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam và Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam. Hôm sau đoàn công tác đi thăm ruộng khảo nghiệm ngô chuyển gen kháng sâu đục thân, kháng thuốc trừ cỏ của Cty Syngenta đang trình diễn ở Hưng Yên- một hướng đột phá mới cho cây ngô ở VN. Phó Thủ tương cung thăm các công đoạn sản xuất nấm của Trung tâm Công nghệ Sinh học Thực vật- một đơn vị vừa nghiên cứu, sản xuất vừa hướng dẫn đào tạo nghề đồng thời thu mua luôn nguyên liệu cho người trồng nấm.
Giám đốc trung tâm, ông Đinh Xuân Linh cho biết hiện kim ngạch xuất khẩu nấm của ta đạt khoảng 80 triệu USD/năm và đang tăng rất nhanh. Mục tiêu của VN đến năm 2020 là xuất khẩu nấm đạt 1 tỉ USD/năm trong khi thế mạnh của nghề này là không phải nhập bất cứ đô la nguyên liệu nào…
Mở đầu cuộc làm việc với Bộ NN- PTNT, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khẳng định nông nghiệp là niềm tự hào của VN với quốc tế: “VN phải là nước mạnh, phát triển bền vững về nông nghiệp. Nếu duy trì sản xuất tự túc khó làm giàu cho nông dân nên phải chuyển dịch thành sản xuất hàng hóa, làm sao cho khoa học gắn với kinh tế. Tại sao miền Bắc xuất khẩu nông sản kém trong khi có đội ngũ khoa học nông nghiệp hùng mạnh?... QĐ số 846 về thực hiện thí điểm đặt hàng một số sản phẩm khoa học và công nghệ cho Bộ NN- PTNT, ta thí điểm 3 năm rồi sơ kết, nếu tốt thì kéo dài chứ không phải chỉ trong 3 năm nên các nhà khoa học đừng lo”.
Cũng theo ông Viên, việc đào tạo các nhà khoa học đầu đàn trong nông nghiệp hiện nay bị buông lỏng. VN chi quá thấp cho công tác khoa học, chỉ 5 USD/người/năm trong khi Hàn Quốc là 1.000 USD, đã vậy lại đầu tư một cách dàn trải, không có trọng điểm.
Thứ trưởng Bộ NN- PTNT Nguyễn Thị Xuân Thu phàn nàn chuyện nhà khoa học trung bình mất 50% quỹ thời gian cho…thủ tục hành chính, trung bình cứ một cán bộ khoa học lại phải kèm một người làm thủ tục tài chính đi theo. Chia sẻ quan điểm này, ông Trần Đức Viên-Hiệu trưởng Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội cho rằng khoa học công nghệ phải nghiệm thu theo sản phẩm đầu ra, phải làm sao các nhà khoa học không bận óc vì nghĩ cách hợp lý hóa thủ tục như tăng thêm người, tăng thêm ngày cho khớp.
Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vang- Phó Chủ nhiệm Ủy ban KHCN, MT Quốc hội so sánh chuyện chỉ dành 2% ngân sách tức 600 triệu đô la cho khoa học của VN với một cty của nước ngoài đầu tư mỗi năm cả tỉ đô để nghiên cứu: “Đầu tư một đồng cho khoa học nông nghiệp chúng ta sẽ được 50 đồng lợi ích thu lại. Nông nghiệp của VN năm rồi xuất siêu 10 tỉ đô nên Chính phủ phải nghĩ cách tăng đột phá mức đầu tư cho nghiên cứu nông nghiệp. Nên trích 1% xuất khẩu nông nghiệp để lại cho nghiên cứu, tức gấp 6 lần mức đầu tư hiện nay. Nên trích % xuất khẩu để trợ giúp cho nông dân (1 ha của ta được hỗ trợ vỏn vẹn có 1 đô la, bằng 1/850 mức hỗ trợ của Hàn Quốc). Công tác chế biến cũng phải được tăng cường để gia tăng thêm giá trị cho nông nghiệp. Theo tôi, không nên tích tụ đất để nhiều nông dân phải trắng tay…”.
Tiến sĩ Phùng Đức Tiến- Viện phó Viện Chăn nuôi than phiền dù là đơn vị đi đầu trong 115 của Bộ nhưng vẫn gặp khó khăn trong tự chủ bởi vô vàn thủ tục tài chính rắc rối, bởi độ vênh giữa lời hứa hẹn của ngân hàng đến thực tế việc vay vốn cực kỳ khó khăn, bị hành đủ kiểu.
Bộ trưởng với hai điều ước
Bộ trưởng Cao Đức Phát thổ lộ với Phó Thủ tướng về hai điều ước cháy bỏng của mình là có phương tiện hiện đại để điều tra tổng sản lượng thủy hải sản và có phương tiện, đội ngũ để theo dõi, đánh giá diễn biến môi trường nước: “Từ hồi tôi mới làm Bộ trưởng đến giờ cả nước ta vẫn chỉ có duy nhất một con tàu đánh giá nguồn lợi thủy sản cũ nát. Tàu ra khơi mỗi lần là tí đắm, tí chết người và kinh phí cấp cho tàu hoạt động vỏn vẹn chỉ đủ đổ dầu cho 2 chuyến đi… Vừa rồi, các vùng tôm, ngao của ta bị chết hàng loạt, anh em cũng nghi là do môi trường nước thay đổi nhưng chẳng có phương tiện, đội ngũ để theo dõi, đánh giá xem nó thay đổi ra sao, tác nhân chính gây ra là gì”.
Về chuyện thí điểm nhà nước khoán, đặt hàng các nhà khoa học, đại diện Bộ Tài chính khăng khăng không có hóa đơn thì không được thanh toán, còn đại diện Bộ NN- PTNT khẳng định khoán mà đầy đủ thủ tục thì chẳng nên khoán thí điểm làm gì.
Lắng nghe một cách rất cầu thị các kiến nghị của Bộ NN- PTNT, cuối buổi làm việc, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân kết luận: “Nông nghiệp VN đang đứng trước hàng loạt thách thức như thu hẹp diện tích, nguồn nước khan hiếm, biến đổi khí hậu…Một nước mạnh về nông nghiệp sẽ tạo tiền đề cho cả dân tộc phát triển một cách bền vững về kinh tế, chính trị, xã hội. Hiện tại chúng ta đang có những bất hợp lý tồn tại một cách bền vững, phải khắc phục như chuyện thủ tục tài chính phức tạp với các nhà khoa học, chuyện lợi ích của người làm khoa học không tương xứng với sản phẩm nghiên cứu, chuyện cán bộ giỏi ra khỏi cơ quan nhà nước…".
Theo Phó Thủ tướng: "Chúng ta cũng cần bàn sớm và làm sớm chiến lược phát triển khoa học công nghệ phục vụ cho nông nghiệp. Làm thế nào để thu hút chất xám và công nghệ của thế giới vào VN. Làm thế nào sử dụng lực lượng khoa học toàn quốc phục vụ nông nghiệp? Làm thế nào thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, tạo động lực cho người làm công tác khoa học? Với riêng hai điều ước của Bộ trưởng Cao Đức Phát tôi đề nghị lập dự án để thực hiện”.
AGROINFO – Theo Báo Nông nghiệp Việt Nam

Nguồn: http://nongnghiep.vn/nongnghiepvn/vi-VN/61/158/1/1/1/80019/Default.aspx


Tin khác