Thị trường nông nghiệp Việt Nam: Nhiều triển vọng, lắm rủi ro

20/06/2011

Đây là đánh giá của TS Đặng Kim Sơn - Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (IPSARD) về vai trò của ngành nông nghiệp đối với nền kinh tế Việt Nam, tại Hội thảo Triển vọng thị trường nông nghiệp VN năm 2011, tổ chức ngày 17.6 tại Hà Nội.

Cần lường hết rủi ro
Theo TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn (IPSARD), năm 2010, thương mại từng bước phục hồi, nhu cầu tăng, sản xuất nông nghiệp trong nước nhìn chung được mùa, được giá. Tổng kim ngạch xuất khẩu (XK) toàn ngành đạt mức kỷ lục 19,15 tỷ USD, tăng gần 22,6% so với năm 2009, tăng bình quân 17%/năm trong giai đoạn 2006-2010. Trong đó, XK nông sản chính ước đạt 9,95% tỷ USD, tăng 24,22% so với năm 2009; thủy sản đạt 4,94 tỷ USD, tăng 16,3%; lâm sản và đồ gỗ đạt 3,36 tỷ USD, tăng 29,8%. Năm 2010, 3 mặt hàng đạt kim ngạch XK trên 3 tỷ USD là thủy sản, đồ gỗ, gạo; mặt hàng cao su có kim ngạch trên 2 tỷ USD và 2 mặt hàng cà phê, hạt điều có kim ngạch trên 1 tỷ USD.
Ngành nông nghiệp nước ta đối mặt với sự cạnh tranh quyết liệt
 
Tuy nhiên, theo TS Tuấn, trong những tháng cuối năm, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao nên kim ngạch XK thiếu bền vững. "Trong năm 2011, chúng ta cần quan tâm đến những vấn đề liên quan đến ô nhiễm môi trường, những khó khăn của doanh nghiệp để đảm bảo cho sản xuất nông nghiệp, thương mại nông sản khởi sắc hơn"- TS Tuấn nhấn mạnh.
Đặc biệt quan tâm đến triển vọng trong việc thay đổi nền nông nghiệp VN từ khối lượng lớn đến nông nghiệp giá trị cao, nhằm tạo ra bước nhảy ngoạn mục, tăng thu nhập cho người nông dân VN, ông Steven Jaffee - đại diện Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết, VN đang có cơ hội tăng trưởng cao khi đa dạng hóa các hình thức nông nghiệp giá trị cao bên cạnh nền sản xuất truyền thống. Tuy nhiên, cũng cần phải lường trước những nguy hại như những vấn đề liên quan đến chất lượng, giá bán… nhằm tạo lòng tin cho các đối tác là những nước nhập khẩu nông sản Việt.
Gồng mình với thách thức, khó khăn
Theo dự báo của IPSARD, đến năm 2012, nền kinh tế thế giới nói chung và VN nói riêng vẫn chưa thể hoàn toàn hồi phục. Những tồn tại rủi ro và nguy cơ bất ổn vẫn đe dọa các ngành kinh tế, trong đó có ngành nông nghiệp nước ta.
TS Đặng Kim Sơn - Viện trưởng IPSARD cho rằng, nền kinh tế trong nước với thế mạnh là ngành nông nghiệp đang ngày càng có sự cạnh tranh quyết liệt. Người nông dân, doanh nghiệp đã, đang phải đối mặt với nhiều thách thức và khó khăn như: Tái cấu trúc kinh tế, lạm phát cao, suy giảm tăng trưởng kinh tế cùng với chính sách thắt chặt tài khóa và tiền tệ, sự bất ổn của thị trường nông sản quốc tế, nguy cơ khủng hoảng lương thực, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, ảnh hưởng tiêu cực của tăng giá đầu vào đến sinh kế của nông dân.
"Nền nông nghiệp đang phải gồng mình chịu đựng khó khăn nhưng đến nay, thực tế chúng ta đã có những thành quả ấn tượng. Năm 2010, ngành nông, lâm, nghiệp và thủy sản vẫn tiếp tục đóng góp vai trò quan trọng trong nền kinh tế với hơn 20% GDP và 28% kim ngạch XK của cả nước" - TS Sơn khẳng định.
Thực tế, ngành nông nghiệp đã có những thành quả đáng khích lệ và là "đệm chống sốc" quan trọng của nền kinh tế trong giai đoạn khủng hoảng tài chính và đang có những dấu hiệu tốt. Dù vậy, TS Võ Trí Thành - Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cảnh báo: Hậu quả của khủng hoảng kinh tế vẫn còn nghiêm trọng. Nếu năm 2009, bức tranh nền kinh tế thế giới ảm đạm thì đến năm 2010 đã phục hồi khá nhanh nhưng đến năm 2011, nó lại có dấu hiệu phục hồi yếu và không đồng đều.
Theo TS Thành vấn đề chính trong năm 2011 vẫn là ổn định kinh tế vĩ mô (và những năm tiếp theo) theo Quyết định 02/BCT ngày 17.3.2011, vì đây là nền tảng cho phân bổ nguồn lực có hiệu quả và duy trì tăng trưởng kinh tế cao. Hơn nữa, ổn định kinh tế cần tiến hành song song với tái cấu trúc kinh tế. "Những dấu hiệu tích cực của kinh tế vĩ mô sẽ tạo đà vững chắc để ngành nông nghiệp giảm bớt rủi ro, hiện thực hóa triển vọng"- TS Thành nhấn mạnh.
AGROINFO – Theo Báo Nông thôn ngày nay

Nguồn:http://danviet.vn/47087p1c34/thi-truong-nong-nghiep-viet-nam-nhieu-trien-vong-lam-rui-ro.htm


Tin khác