Người dân thiệt hại rất lớn, thế nhưng, những chủ chăn nuôi ấy lại hết sức bàng quan trong việc che chắn, tiêm phòng để bảo vệ những "đầu cơ nghiệp" của mình.
Chăn nuôi nhỏ, thiệt hại lớn
Trận bão dịch tai xanh trên đàn lợn xảy ra tại tỉnh Thanh Hóa hồi tháng 4 và kết thúc vào tháng 6 năm 2008 đã phải tiêu hủy 10.000 tấn thịt với 193.165 con lợn bị bệnh. Không kể các khoản kinh phí chi cho công tác dập dịch, tiêu hủy lợn bệnh trong suốt 3 tháng trời, khoản tiền mà Nhà nước đã phải chi trả 250 tỷ đồng cho tiền hỗ trợ người dân có lợn bị bệnh đã là con số rất lớn.
Cũng trong năm 2008, UBND tỉnh Thanh Hóa đã phải chi ra 21 tỷ đồng để hỗ trợ cho số gia đình có trâu, bò chết do bị rét đậm, rét hại kéo dài hồi đầu năm đó. Cụ thể các huyện miền núi đã có trên 11.000 con trâu, bò chết do rét. Còn đợt rét đầu năm 2011 này số lượng trâu, bò chết trên địa bàn toàn tỉnh cũng lên đến gần hai ngàn con. Có một điểm chung là phần lớn gia súc chết vì bệnh, vì rét đều tập trung ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ.
Những năm gần đây, mặc dù chính quyền địa phương các cấp trong tỉnh Thanh Hóa, nhất là Sở NN-PTNT đã có rất nhiều cố gắng trong việc tuyên truyền vận động nhân dân tập trung phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại nhưng do nhiều nguyên nhân khách quan dẫn đến hiệu quả nhiều nơi đạt rất thấp. Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành nhiều chính sách phát triển chăn nuôi, trong đó có cả chính sách đất đai, vốn, lao động… nhưng xem ra kết quả mang lại chỉ ở mức khiêm tốn.
Được biết, toàn tỉnh Thanh Hóa có gần năm ngàn trang trại nhưng chỉ có 721 trang trại chăn nuôi và trong đó chỉ có 33 trang trại chăn nuôi tập trung. Các huyện miền núi số trang trại chăn nuôi còn ít (chiếm 12,3% so với cùng loại hình cả tỉnh), trong khi đó chăn nuôi, nhất là chăn nuôi đại gia súc có thể coi là thế mạnh của vùng này.
Còn nhớ cách đây không lâu, nhân chuyến công tác lên xã miền núi Tam Thanh, huyện nghèo Quan Sơn, chúng tôi được đồng chí Hà Văn Phong - Chủ tịch UBND xã tâm sự rất thật về tình hình chăn nuôi trên địa bàn. Thời điểm đó, xã Tam Thanh có đến 111 con trâu, bò chết vì bệnh tụ huyết trùng. Bên cạnh những lý do tắc trách của cơ quan chuyên môn thú y thì một nguyên nhân chính được ông Phong cho biết là vì chăn nuôi ở miền núi còn rất nhỏ lẻ và phần lớn trâu, bò được thả rông ở rừng. Chính vì thế, việc tiêm phòng rất khó khăn và khi xảy ra dịch bệnh thì rất khó khống chế.
Nếu có trâu, bò, lợn, gà chết mà người dân không ý thức được hoặc cán bộ không tuyên truyền kịp thời để nhân dân tiêu hủy thì nguy cơ bùng phát dịch bệnh lại càng cao, càng nhanh. Ông Phong cho rằng: “Có Pháp lệnh Thú y xử phạt vi phạm hành chính trong công tác tiêm phòng nhưng từ trước tới nay xã chưa xử phạt được ai cả. Và do không được chăm sóc tốt, không có chuồng trại, không có thức ăn dự trữ nên khi có rét hại cũng là lúc trâu, bò thả rông chết nhiều nhất”.
Ông Lê Văn Hiển - PGĐ Sở NN- PTNT Thanh Hóa từng phát biểu: Miền núi cây chuối rừng rất nhiều, nếu chủ đàn vật nuôi cần cù, có thể chặt, thái làm thức ăn cho trâu bò. Nguồn thức ăn cỏ cây ở khu vực này cũng phong phú, chuyện thiếu thức ăn cho vật nuôi ở đây phần lớn do người dân...
Đồng quan điểm với ông Hiển, chị Phấn - Phó phòng NN- PTNT huyện Như Xuân cho rằng: “Đa số trâu bò chết rét là của những gia đình thả rông ngoài rừng, những gia đình không có chuồng trại hoặc che chắn sơ sài. Nếu thực hiện những khuyến cáo từ các cấp chính quyền và ngành nông nghiệp trong việc thực hiện che chắn chuồng trại, chắc hẳn số trâu bò chết sẽ nhỏ hơn nhiều so với thực tế. Những ngày rét đậm có xuất hiện trâu bò chết, nhiều người mới chú ý nhưng làm xong chuồng, trâu bò đã chết rồi. Nhiều gia đình không dự trữ thức ăn, hoặc không chú trọng việc cho ăn, nhiều vật nuôi bị chết do không đủ năng lượng để chống lại cái lạnh”.
Tập quán bảo thủ cần thay đổi
Ở nhiều vùng, tập tục chăn nuôi gia súc thả rông vẫn còn phổ biến. Nhiều chuyến tôi lên công tác tại huyện vùng biên Mường Lát, khi từ các bản về thị trấn, tuy trời tối, từng bầy trâu, bò vẫn nằm ngủ giữa đường đi do chủ nuôi không có chuồng trại. Tại xã Bình Lương, huyện Như Xuân, người dân làng Xuân Bình cũng có tập quán thả trâu, bò vào rừng. Có khi hàng tuần, người ta mới vào rừng đuổi đàn vật nuôi này về để chúng nhớ chuồng, nhớ ngõ. Có gia đình, cả tháng mới vào thăm trâu bò và vui mừng khi đàn bò mẹ mới sinh thêm vài ba con bê.
Có mặt tại làng Cò Cánh, xã Cẩm Thành (Cẩm Thuỷ) ngay trong ngày đại hàn của năm âm lịch vừa qua, chúng tôi vẫn bắt gặp những chuồng trâu tứ bề... trống hoác. Không một tấm bạt, không tranh tre nứa lá che chắn xung quanh, trước những đợt gió mạnh, những con trâu, con nghé xù lông, run rẩy.
Ở nhiều nơi khác có tập quán chăn nuôi thả rông, người ta đeo các loại mõ khác nhau vào cổ trâu bò để phân biệt và dễ nhận ra vật nuôi nhà mình. Ngay trong đợt rét đậm, rét hại vừa qua, có dịp tìm hiểu tại một số huyện miền núi, chúng tôi vẫn thấy trâu bò thả rông do không có chuồng trại. Các xã Trung Thành, Trung Sơn, Thành Sơn... của huyện Quan Hoá; Thiết Ống, Thiết Kế... của Bá Thước có số trâu bò chết khá nhiều cũng bởi nguyên nhân trên.
Không như người dân đồng bằng xây chuồng trại kiên cố, phần lớn chuồng trâu, bò của người miền núi đều đóng thành khung gỗ, lợp tạm một vài tàu lá lên trên để nhốt trâu bò. Tạm bợ từ cách làm chuồng nên đa phần chuồng trại nơi đây không được lát nền. Trong cái lạnh, vật nuôi vẫn phải đứng trong vũng sình lầy bởi phân và nước mưa tạo thành càng lạnh thêm.
Tập quán chăn nuôi thả rông chính là sự "tiếp tay" cho thần chết đối với đàn gia súc ở các huyện miền núi Thanh Hóa.
AGROINFO – Theo Báo Nông nghiệp Việt Nam
Nguồn:http://nongnghiep.vn/nongnghiepvn/vi-VN/61/158/1/15/15/79891/Default.aspx