Nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả

15/06/2011

Nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, tại nhiều địa phương trong cả nước, các ngành hữu quan và bà con nông dân luôn tìm tòi sáng tạo, triển khai nhiều mô hình hay, để từ đó tìm cách nhân rộng.

Tại Vĩnh Phúc, Trung tâm thổ nhưỡng nông hóa, Phòng Nông nghiệp&PTNT, Trạm khuyến nông huyện Vĩnh Tường đã trình diễn thành công các giống lúa mới ĐTL2, lúa lai VT404, VT505 kết hợp sử dụng siêu phân bón NEB 26 (Hoa Kỳ) tại xã Ngũ Kiên, với diện tích 7 ha, giúp tăng năng suất, tăng hiệu quả kinh tế lên nhiều lần. Theo cán bộ Trung tâm thổ nhưỡng nông hoá tỉnh Vĩnh Phúc, phân bón NEB 26 là một siêu phân bón thế hệ mới do công ty AGMOR INC (Hoa Kỳ) sản xuất, lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam. Đây là loại phân bón qua rễ, dễ sử dụng, chi phí thấp, kích thích khả năng phát triển của bộ rễ, giúp cây hấp thụ được nhiều dinh dưỡng hơn, phát triển nhanh, khoẻ mạnh để tạo ra năng suất, chất lượng nông sản mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất cho nhà nông. Đặc biệt, khi sử dụng phân bón NEB 26 cây trồng sẽ tăng khả năng kháng chịu đối với sâu bệnh, giảm hẳn sâu bệnh, không để lại tàn dư trên nông sản, đảm bảo giá trị xuất khẩu vào các thị trường khó tính nhất, tăng độ phì nhiêu cho đất.
Kết quả khảo nghiệm cho thấy, các giống lúa mới trên đều ưu điểm nổi bật là khả năng chống chịu rét khá, năng suất vượt trội so với đối chứng. Khi kết hợp sử dụng loại phân bón NEB 26, giúp lúa sinh trưởng phát triển tốt, đưa năng suất lúa tăng 12,1% đồng thời giảm chi phí sản xuất dẫn đến hiệu quả kinh tế tăng từ 38,7% so với đối chứng. Giống lúa mới ĐTL2 năng suất thực tế đạt tới 76 tạ/ha cao hơn so với giống KD18 đối chứng là 10,7 tạ/ha; Hai giống lúa VT404 và VT505 cũng cho năng suất thực tế đạt lần lượt là 72,5 tạ/ha và 73,4 tạ/ha, cao hơn so với năng suất giống KD18 đối chứng là 7,2 tạ/ha và 8,1 tạ/ha. Hiện tại, Trung tâm thổ nhưỡng nông hóa Vĩnh Phúc đang tập huấn kỹ thuật cho người nông dân, nhằm nhân rộng diện tích ra toàn tỉnh.
Tại Trà Vinh, trong vụ lúa hè thu năm 2011, ngành Nông nghiệp&PTNT phối hợp với chính quyền địa phương và các doanh nghiệp tiến hành xây dựng 03 mô hình “ Cánh đồng mẫu lớn” có tổng diện tích 788 ha, sản xuất lúa theo theo tiêu chuẩn VietGap. Trong đó, có 375 ha tại xã Phú Cần (huyện Tiểu Cần), gần 232 ha tại xã Phong Phú (huyện Cầu Kè) và hơn 181 ha tại xã Tân Sơn (huyện Trà Cú). Những cánh đồng này sản xuất theo qui trình: Trước khi gieo sạ, đất phải được cày ải, vệ sinh đồng ruộng thật kỹ, sử dụng cùng 1 loại giống lúa cấp xác nhận chất lượng cao, xuống giống đồng loạt với mật độ gieo sạ từ 80- 100 kg/ha…Các hộ tham gia mô hình trên tinh thần tự nguyện, được Công ty cổ phần bảo vệ thực vật An Giang chịu trách nhiệm cung ứng thuốc bảo vệ thực vật và lúa giống cấp xác nhận, hướng dẫn kỹ thuật canh tác theo chương trình “3 giảm, 3 tăng”, cách ghi chép sổ tay (theo mẫu) trong quá trình sản xuất lúa; Công ty phân bón Bình Điền chịu trách nhiệm cung ứng toàn bộ phân bón; Công ty lương thực Trà Vinh chịu trách nhiệm ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với nông dân và giá cả được thông báo ngay đầu vụ sản xuất;...
Việc triển khai xây dựng mô hình “Cánh đồng mẫu lớn” gắn với sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGap, đây là điều kiện thuận lợi cho ngành nông nghiệp Trà Vinh qui hoạch vùng sản xuất lúa chất lượng cao theo hướng bền vững; đồng thời tạo điều kiện cho nông dân ứng dụng các tiến bộ khoa học- kỹ thuật vào sản xuất hàng nông sản theo hướng tập trung, với khối lượng lớn. Từ đó, mở rộng “Liên kết 4 nhà” theo hướng “Nông dân nhỏ, cánh đồng lớn”… Vụ lúa hè thu năm nay, Trà Vinh có kế hoạch gieo sạ khoảng 81.000 ha; đến nay, toàn đã xuống giống được khoảng 75.000 ha; trong đó, 3.426 ha sản xuất theo tiêu chuẩn lúa chất lượng cao.
Tại Hà Tĩnh , theo đánh giá của ngành Nông nghiệp địa phương, năng suất dưa hấu của tỉnh vụ đông xuân này đạt bình quân 12 tấn/ha, giá bán tại ruộng 4.000 - 4.500 đồng/kg, mỗi hecta thu được khoảng 50 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi 30 triệu đồng/ha/vụ, cao hơn nhiều loại cây trồng cạn khác.
Vụ đông xuân năm nay nhiều xã thuộc các huyện Nghi Xuân, Thạch Hà, Lộc Hà, Cẩm Xuyên trồng được gần 120 ha, trong đó trồng nhiều dưa giống Hắc Mỹ Nhân, có năng suất cao, quả to, vị ngọt đậm, được người tiêu dùng ưa chuộng. Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng cạn, nhiều hộ gia đình giảm diện tích khoai lang, kê hay rau màu khác để trồng dưa hấu có giá trị hàng hoá cao hơn. Huyện Nghi Xuân ổn định diện tích dưa hấu gần 70 ha. Huyện Cẩm Xuyên mở rộng diện tích dưa hấu giống Hắc Mỹ Nhân ở các xã ven biển như Cẩm Hoà, Cẩm Duệ, Cẩm Trung, Cẩm Bình. Xã Thạch Lưu, huyện Thạch Hà trồng được gần 20ha. Tổng sản lượng dưa hấu đạt 1.500 tấn, trị giá khoảng 6 tỷ đồng. Cây dưa hấu đem lại nguồn thu khá lớn cho nhiều hộ gia đình Hà Tĩnh trong vụ đông xuân./.
AGROINFO – Theo Báo Điện tử Đảng Cộng sản

Nguồn: http://cpv.org.vn/cpv/Modules/News/NewsDetail.aspx?co_id=30065&cn_id=464108


Tin khác