Gia tăng ô nhiễm trong sản xuất nông nghiệp

13/06/2011

Hôm 10-06, tại Hà Nội, Bộ TNMT và Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam đã tổ chức lễ công bố Báo cáo môi trường quốc gia năm 2010-Tổng quan môi trường Việt Nam.

Theo báo cáo cáo năm 2010, mặc dù cơ quan chức năng đã tăng cường quản lý, nhưng môi trường Việt Nam vẫn có những diễn biến phức tạp, tập trung ở 5 vấn đề là ô nhiễm môi trường tiếp tục gia tăng; đa dạng sinh học bị suy giảm nghiêm trọng; an ninh môi trường bị đe doạ; quản lý môi trường còn bất cập và vai trò của cộng đồng trong bảo vệ môi trường còn chưa được huy động đúng mức.
Ô nhiễm môi trường gia tăng ở nhiều lĩnh vực như ô nhiễm hữu cơ ở các lưu vực sông; ô nhiễm tại các đô thị, các khu, cụm công nghiệp, làng nghề; sản xuất nông nghiệp; vùng ven biển. Môi trường nước mặt ở hầu hết các đô thị và ở nhiều lưu vực sông bị ô nhiễm chất hữu cơ và có thông số ô nhiễm đặc trưng vượt tiêu chuẩn cho phép nhiều lần, nổi cộm nhất là các lưu vực sông Nhuệ-Đáy, sông Đồng Nai.
Ô nhiễm nước mặt, ô nhiễm bụi ở TP. HCM và Hà Nội thuộc dạng nhất nhì thế giới. Báo động hiện nay là tình trạng ô nhiễm môi trường ở các cụm, khu công nghiệp (KCN). Chỉ có 50% trong số 249 KCN được thành lập theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ có hệ thống xử lý nước thải tập trung (cả hiệu quả và chưa hiệu quả).
Cả nước còn có tới hơn 1.000 KCN, 1.600 cụm công nghiệp do địa phương thành lập, nhưng chưa có thống kê chính xác về hiện trạng môi trường. Ô nhiễm trong sản xuất nông nghiệp ngày càng gia tăng với trung bình mỗi năm thải ra môi trường hơn 19.600 tấn vỏ bao thuốc BVTV và phân bón. Lượng phân bón dùng trong nông nghiệp tăng 517% trong vòng 25 năm qua, trong đó 2/3 số lượng phân đã bón không được cây trồng hấp thụ...
Bộ trưởng TNMT Phạm Khôi Nguyên thừa nhận, ô nhiễm môi trường là điều không tránh khỏi trong bối cảnh nước ta đang phát triển kinh tế với tốc độ nhanh. Đang có sự lệch pha, doãng ra giữa công tác bảo vệ môi trường và ô nhiễm môi trường...
Để thu hẹp độ lệch và khoảng cách giữa bảo vệ môi trường và ô nhiễm môi trường, theo ông Bùi Cách Tuyến - Thứ trưởng Bộ TNMT, cần phải có giải pháp toàn diện, trong đó có việc sửa đổi, bổ sung Luật Bảo vệ môi trường năm 2005; các văn bản pháp luật bảo vệ môi trường cần quy về một mối nhằm tránh chồng chéo, phân tán; tăng đầu tư ngân sách nhà nước cho lĩnh vực bảo vệ môi trường...
AGROINFO – Theo Báo Nông thôn ngày nay

Nguồn:http://danviet.vn/46315p1c34/gia-tang-o-nhiem-trongsan-xuat-nong-nghiep.htm


Tin khác