Cắn răng vay… tín dụng đen

13/06/2011

Tuy không cần số vốn lớn như nghề chế biến gỗ, song các làng nghề gốm sứ, mây tre vẫn rất khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn ưu đãi từ NH. Rào cản đó đã và đang trực tiếp tạo cơ hội cho hoạt động “tín dụng đen” được dịp bùng nổ.

 
Hoạt động sản xuất mây tre hiện nay gần như ngừng hoạt động
Đàm phán với Ngân hàng khó hơn... WTO
Làng nghề gốm sứ Bát Tràng (Gia Lâm - Hà Nội) được biết đến với nhiều sáng tạo trong liên kết SX, cùng nhau vượt qua cơn khủng hoảng kinh tế toàn cầu vừa qua. Trở lại Bát Tràng lần này, chúng tôi thấy rõ trên gương mặt người dân nơi đây sự mệt mỏi khi luôn phải xoay xở chạy đua với đồng lãi suất. Không còn cảnh xe cộ nhộn nhịp ra vào thu mua gốm sứ như trước đây, chủ cơ sở SX kinh doanh gốm sứ mỹ nghệ Hào Thơ ngay đầu xã Bát Tràng thở dài cho biết, sau cuộc khủng hoàng kinh tế thế giới năm 2008, việc SX kinh doanh tại Bát Tràng gặp muôn vàn khó khăn, chật vật mãi mới khôi phục được trở lại. Nhưng từ sau cuộc khủng hoảng, những hợp đồng xuất khẩu không còn ổn định, việc bán hàng trong nước nay giảm mai tăng nên không ai dám liều SX phóng tay như trước khi lãi suất NH tăng định kỳ theo hàng tháng như hiện nay.
Hầu hết các cơ sở SX gốm sứ tại Bát Tràng đều vay vốn trung hạn từ 1 - 3 năm để có đủ thời gian quay vòng. Họ cho biết, hiện vẫn có thể vay được tiền từ NH nhưng điều khoản, thủ tục thế chấp, tín chấp khắt khe hơn cả đàm phán vào Tổ chức Thương mại thế giới WTO. Một chủ cơ sở giấu tên bức xúc cho biết, để vay được vài trăm triệu từ NH, DN của anh phải có tải sản thế chấp ít nhất vài tỷ đồng mà chỉ vay được 10% giá trị tài sản. Ngoài ra, phía NH còn truy xét cả tín chấp, kế hoạch kinh doanh và "họ hạnh họe đủ thứ rồi mới tiến hành làm thủ tục cho vay". Nhưng các hợp đồng SX gốm sứ đòi hỏi thời gian giao hàng nhanh nên khi vay được tiền thì cơ hội đã vuột mất. Chính vì vậy, các chủ cơ sở có máu mặt ở đây đều chọn giải pháp tìm đến “tín dụng đen” với lãi suất cắt cổ để giải quyết khâu túng bấn trước mắt. Những cơ sở “yếu tim”, yếu vốn thì đành chấp nhận nhìn cơ hội, đơn hàng vuột qua mà tiếc đứt ruột. Đây chính là nguyên nhân khiến việc SX kinh doanh tại Bát Tràng so với năm 2010 suy giảm rõ rệt. “Nếu như năm 2010, bình quân một tháng, mỗi cơ sở SX gốm sứ tại Bát Tràng đốt được 5 - 6 lò là chuyện bình thường, thì nay 6 tháng đầu năm 2011 nhà nào đốt nhiều lắm được 3 - 4 lò, thậm chí chỉ 1 - 2 lò là cùng”- anh Trần Huy Long, chủ cơ sở SX gốm sứ Giang Long tại Bát Tràng cho biết.
Cũng giống như mặt hàng gốm sứ, các làng nghề mây tre đan thủ công như: Phú Vinh (Chương Mỹ - Hà Nội), Ngọc Động (Duy Tiên - Hà Nam), Xuân Lai (Gia Bình - Bắc Ninh)… dù không chịu tác động quá lớn từ việc tăng lãi suất NH, song lại chịu ảnh hưởng gián tiếp do giá nhân công, nhiên liệu đầu vào tăng. Hiện nay, để SX ra một món hàng mây tre đan mỹ nghệ đơn giản giá thành đã lên tới vài trăm nghìn đồng. Lạm phát tăng cao đẩy người tiêu dùng buộc phải cắt giảm chi tiêu, những món hàng kiểu có cũng được không có cũng chẳng sao như mây tre đan thường được người dân liệt vào danh sách cắt giảm, hạn chế đầu tiên nên việc sụt giảm trong SX, kinh doanh là điều không thể tránh khỏi.
“Ma trận” tín dụng đen
Biết NH đang thắt chặt tài chính tiền tệ và nắm được thóp các DN, làng nghề vừa và nhỏ luôn trong tình trạng khát vốn nên hoạt động tín dụng đen được dịp bung ra. Theo tiết lộ nửa kín, nửa hở của các hộ SX, kinh doanh tại làng nghề gốm sứ Bát Tràng và mây tre đan Phú Vinh về hoạt động tín dụng đen đang giăng khắp các làng nghề, chúng tôi thử vào google gõ từ “Cho vay không cần thế chấp” ngay lập tức có 6.650.000 kết quả chỉ trong vòng 0,07 giây. Tư nhân có, công ty, DN cũng có, đến cả những NH với cái tên lạ hoắc cũng tham gia vào thị trường cho vay từ vài trăm triệu đến hàng chục tỷ đồng.
Theo số điện thoại 09851346… quảng cáo trên mạng, thử gọi điện liên hệ cần vay vốn cho một đơn hàng, ngay lập tức chúng tôi được cô nhân viên quảng cáo ra một lô các khoản vay không cần thế chấp. Cô nhân viên nhấn mạnh, vì khoản vay không cần thế chấp nên lãi suất sẽ rất cao so với NH. Cụ thể, nếu vay 100 triệu đồng trong vòng 10 ngày trở ra lãi suất sẽ là 108%/năm, tương đương số tiền lãi người vay sẽ phải trả mỗi ngày là 300.000 đồng. Vay ngắn hạn trong vòng vài ngày để thánh toán nợ gấp, hoặc đáo nợ NH, mức lãi suất lên tới 150 - 200%/năm. Tuy nhiên, cũng có rất nhiều quảng cáo cho vãi với lãi suất cao hơn NH không nhiều nhưng bắt buộc phải có một số điều khoản ràng buộc…
Nhưng, điều khiến chúng tôi lo lắng là trong số hàng trăm, hàng nghìn quảng cáo, rao vặt cho vay vốn ngắn hạn, dài hạn số tiền có thể lên tới cả chục tỷ đồng ấy, có rất nhiều quảng cáo “khuếch trương” có quan hệ rất than thiết với các NH lớn, nhiều người còn tự nhận mình là nhân viên tín dụng, nhân viên tài chính… của NH này, NH nọ kiểu úp úp, mở mở. Điều này đặt ra dấu hỏi nghi vấn, liệu có sự móc nối nào giữa các NH, hoặc nhóm cán bộ NH nào đó với giới cho vay chợ đen hay không?
Có thông tin cho rằng, do bị hạn chế mức tăng trưởng dư nợ trước yêu cầu giảm tỷ lệ cho vay nên một số NH tìm cách thông qua các công ty tài chính của chính họ để cho vay. Họ có thể cho phép nhân viên đăng quảng cáo cho vay với tư cách cá nhân để lách luật, rồi từ đó hợp thức hóa khoản vay. Như vậy, chưa chắc các NH hiện nay đã thiếu vốn thật sự và việc họ hạn chế cho vay đến mức tối đa chưa hẳn đã dừng lại ở việc thắt chặt tiền tệ, kiềm chế lạm phát…
AGROINFO – Theo Báo Nông nghiệp Việt Nam

Nguồn:http://nongnghiep.vn/nongnghiepvn/vi-VN/61/158/1/15/15/79705/Default.aspx


Tin khác