Bình Định: thảm hoạ môi trường từ nuôi tôm trên cát

13/06/2011

Cả một dải bờ biển huyện Phù Mỹ (Bình Định) bị đào xới, băm nát để làm hồ nuôi tôm. Những khu rừng phòng hộ ven biển biến mất, nguồn nước ngầm ngày càng bị cạn kiệt, chất thải từ nuôi tôm đọng lại khắp nơi ngay trên bãi biển, bốc mùi hôi thối nồng nặc... Hàng vạn dân cư đang đối mặt với thảm hoạ môi trường.

 
Cả một dải bờ biển rộng lớn ở xã Mỹ An, huyện Phù Mỹ (Bình Định) bị tan hoang vì dày đặc các hồ nuôi tôm trên cát.
 
Bờ biển bị băm nát
Ông Phạm Văn Trà, trưởng phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Phù Mỹ cho biết, vùng đất cát ven biển ở hai xã Mỹ An, Mỹ Thắng rộng hơn 500ha, UBND tỉnh Bình Định đã quy hoạch 200ha ở khu vực này để nuôi tôm trên cát. Trước đây, tỉnh Bình Định đã cho nhiều doanh nghiệp thuê diện tích này để nuôi tôm trên cát, trong đó có những doanh nghiệp thuê với diện tích lớn như công ty AE thuê hơn 50ha, công ty Asia Hawaii Ventures (Mỹ) thuê gần 50ha... Tuy nhiên, các công ty này chỉ sử dụng một phần nhỏ diện tích, như công ty AE chỉ sử dụng 10ha, công ty Asia Hawaii mới sử dụng 18ha... Diện tích còn lại, các doanh nghiệp này tự ý cho người dân thuê lại để làm hồ nuôi tôm trên cát. Đến nay, chỉ riêng hai xã Mỹ An, Mỹ Thắng đã có gần 70 hộ xây dựng trái phép gần 30ha hồ nuôi tôm.
Theo sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bình Định, hiện tỉnh này có 140ha diện tích mặt nước nuôi tôm trên cát, trong đó nhiều nhất tại huyện Phù Mỹ với 118ha, Phù Cát: 15ha, còn lại tại huyện Hoài Nhơn.
Không còn nước ngọt để dùng
Vùng nuôi tôm trên cát ở các xã Mỹ An, Mỹ Thắng là bãi ngang ven biển, vốn là khu vực có nguồn nước ngọt rất hạn chế so với các nơi khác; trước đây người dân đã thường xuyên bị thiếu nước sinh hoạt. Thế nhưng, hiện nay khắp các vùng nuôi tôm này, giếng khoan mọc lên tràn lan.Theo cơ quan chức năng, trung bình mỗi hecta nuôi tôm trên cát cần đến 50.000m3nước ngọt. Kết quả khảo sát của chi cục Bảo vệ môi trường Bình Định cho biết, tầng nước ngọt ngầm ở các vùng nuôi tôm trên cát của tỉnh này đã bị nhiễm mặn, với các giếng đóng có độ sâu từ 4 – 5m, nước đã bị nhiễm mặn 6 – 9‰, người dân phải khoan giếng hơn 20m mới tìm thấy nước. Theo chi cục Bảo vệ môi trường Bình Định, việc khai thác nước ngầm phục vụ nuôi tôm trên cát gây nguy cơ làm sụt lở địa tầng, cạn kiệt nguồn nước ngọt, ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn nước sinh hoạt, sản xuất các khu vực lân cận.
Cá biển cũng chết
Ông Bùi Thái Sơn, phó phòng tài nguyên và môi trường huyện Phù Mỹ cho biết, hầu như chưa có một hồ nuôi tôm trên cát nào ở Phù Mỹ có hệ thống xử lý chất thải, phần lớn xả thẳng ra những chỗ đất trũng hoặc thải trực tiếp ra biển. Ở vùng nuôi tôm Mỹ An, người ta đưa chất thải từ hồ ra các bãi cát trống cạnh hồ, hoặc cho chảy thẳng ra biển. “Chúng tôi cũng biết xả thải ra bãi biển là tác hại đến môi trường, nhưng cả vùng này đâu có ai làm hệ thống xử lý; nếu làm thì tốn kém. Chỉ mong mỗi khi có mưa, nước thải thấm sâu vào cát để bớt ô nhiễm”, ông Võ Văn Hân, một người nuôi tôm ở thôn Xuân Thạnh nói.
Theo ông Sơn, trước đây tỉnh Bình Định có đầu tư xây dựng hai hồ xử lý nước thải tại vùng nuôi tôm trên cát Mỹ An. Tuy nhiên, sau một thời gian, cả hai hồ đã bị vỡ, không còn hoạt động. Hiện nay, nước thải từ hàng trăm hồ đổ dồn vào các kênh dẫn, rồi chảy thẳng ra biển. Nhiều người dân địa phương cho biết, mỗi khi trời nắng gắt, cá biển ở gần bờ chết nổi lên mặt nước, dạt vào bờ. Nhiều người dân xã Mỹ An nói rằng, từ khi phong trào nuôi tôm trên cát rộ lên, mưa, nắng, gió ở vùng này trở nên khắc nghiệt hơn, bởi cả một dải bờ biển rộng lớn, nay xơ xác, không còn bóng cây. Mỗi khi vào nắng, trời như đổ lửa; khi có gió, cát bay mù mịt.
Mỗi hecta nuôi tôm thải tám tấn chất thải
Theo thống kê của các nhà khoa học, bình quân một vụ mỗi hecta tôm thải ra đến tám tấn chất thải rắn gồm vỏ tôm lột, thức ăn thừa... là tác nhân chính gây ô nhiễm nguồn nước trong vùng. Ngoài ra, trong chất thải còn có các hoá chất xử lý ao nuôi như vôi, thuốc tím, clorin tan trong nước, tích tụ dưới đáy ao... là những loại hoá chất có hại cho sức khoẻ con người và cực kỳ nguy hiểm khi nó thấm vào nguồn nước ăn của con người. Ngoài việc xả trực tiếp ra biển, các hồ nuôi tôm trên cát hiện nay còn xả nước thải, bùn ao ngay trên khu vực đất cát cạnh hồ, gây ô nhiễm, mặn hoá nguồn nước ngầm.
 
AGROINFO – Theo Báo Sài Gòn Tiếp thị

Nguồn:http://sgtt.vn/Kinh-te/146061/Binh-Dinh-tham-hoa-moi-truong-tu-nuoi-tom-tren-cat.html


Tin khác