Nhiều làng nghề ở TP.Hải Phòng đã tồn tại hàng trăm năm nhưng việc xây dựng thương hiệu vẫn còn bỏ ngỏ, phải “núp” bóng dưới các thương hiệu làng nghề nổi tiếng khác...
“Núp bóng” thương hiệu
Làng nghề chiếu cói Lật Dương (huyện Tiên Lãng) có từ thế kỷ XVII, đang tạo công ăn việc làm cho 352 hộ với doanh thu 10-12 tỷ đồng/năm. Thế nhưng thương hiệu Lật Dương hiện không được ai biết đến.
|
Sản xuất gang thép còn thô sơ ở Mỹ Đồng. |
Ông Phạm Văn Liên - Chủ nhiệm HTX chiếu cói Quang Phục phân trần: “Chưa có nhãn hiệu hàng hóa nên chiếu Lật Dương còn ít người biết. Chúng tôi muốn bán được chiếu của mình phải “buôn lại” chiếu Thái Bình, Hải Dương về bán, thậm chí các chủ đại lý chiếu phải in hoa văn, logo của chiếu Thái Bình vào sản phẩm chiếu cói làng mình mới tiêu thụ được, dù chất lượng sản phẩm chiếu của hai địa phương không khác là bao”. Đã có thời kỳ dân làng đã in logo tên làng mình vào sản phẩm nhưng thị trường tiêu dùng không chấp nhận nên các đại lý sử dụng logo của các địa phương khác.
Tương tự, làng nghề mộc Kha Lâm (quận Kiến An) đang đứng trước nguy cơ bị thu hẹp vì khó có thể cạnh tranh với những sản phẩm có thương hiệu lớn trên thị trường. Để duy trì nghề, hầu hết các hộ sản xuất ở đây phải dùng “chính sách” nhập nguyên sản phẩm, hoặc thô từ các làng mộc Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Tây cũ về rồi gán cho nó cái mác “nội thất Đài Loan”, “Đồng Kỵ Bắc Ninh”…
Như vậy, vô hình trung, những người thợ làng nghề lại trở thành những người làm hàng nhái, hàng giả… Làng nghề gốm sứ Dưỡng Động (xã Minh Tân, Thủy Nguyên) còn bi đát hơn khi không thể tồn tại được với cách thức làm ăn thô sơ nên lò nung gốm sứ phải chuyển thành lò nung vôi sau vài năm khôi phục làng nghề (vốn đã bị mai một hàng chục năm).
Ông Bùi Tiến Trung - Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Hải Phòng cho biết: Thành phố hiện chỉ có làng nghề đúc Mỹ Đồng (huyện Thủy Nguyên) phát triển quy mô lớn và thuốc lào Tiên Lãng được thành phố cấp “chỉ dẫn địa lý”. Thế nhưng, ngay cả các làng nghề này cũng chưa đăng ký được nhãn hiệu sản phẩm.
Làm ăn manh mún, khó xây dựng thương hiệu
Ở Hải Phòng có chung một thực tế, những làng nghề phát triển mang tính “địa phương” với quy mô tương đối nhỏ lẻ rất lúng túng khi gia nhập thị trường hàng hóa. Ông Nguyễn Văn Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Đúc cơ khí truyền thống Mỹ Đồng, xã Mỹ Đồng phản ánh:
Hiện nay xã có 150 doanh nghiệp và hộ sản xuất cơ khí, tạo việc làm cho 3.000 công nhân. Tất cả các hoạt động sản xuất đều thực hiện trong quy trình khép kín từ khâu tìm nguyên liệu đến thuê nhân công, tự tiêu thụ sản phẩm.
“Hải Phòng có tới trăm làng nghề lớn nhỏ nhưng hiện nay chỉ còn 12 làng nghề được công nhận. Hầu hết các làng nghề này đều hoạt động nhỏ lẻ.” - Ông Bùi Tiến Trung
|
Tính liên kết của các hộ trong làng nghề nói chung và Mỹ Đồng nói riêng còn tương đối rời rạc, mạnh ai lấy làm nên phần lớn chất lượng các sản phẩm làng nghề làm ra không đồng đều. Vì vậy tính đặc thù của sản phẩm làng nghề giảm sút. Và cuối cùng là bị thị trường hàng hóa đào thải.
Cũng theo ông Thanh, riêng việc xây dựng nhãn hiệu cho làng nghề đúc Mỹ Đồng là rất khó bởi làng nghề vẫn đang bị bó hẹp trong khu dân cư, vốn đầu tư nhỏ lẻ, kỹ thuật lạc hậu và gây ô nhiễm môi trường. Sản phẩm làm ra chưa thể thoát khỏi cái “bóng” thương hiệu khác, như sản phẩm cánh quạt gió tàu thủy của Công ty Thanh Sơn do ông làm chủ khi sản xuất theo đơn đặt hàng của Công ty Điện cơ Thống Nhất phải mang nhãn hiệu Công ty Điện cơ Thống Nhất mặc dù nó là “con đẻ” của công ty ông.
Suy nghĩ hồi lâu, ông Thanh mong mỏi: “Tới đây, làng nghề phải thực sự nghĩ đến thương hiệu của mình để mở rộng thị trường xuất khẩu. Nhưng để thực hiện được việc đó thì địa phương cần sự giúp đỡ của chính quyền trong việc quy hoạch làng nghề ra khỏi khu dân cư chật chội. Từ đó chúng tôi mới dám nghĩ đến việc đầu tư trang thiết bị sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm và tiến tới đăng ký nhãn hiệu độc quyền cho sản phẩm làng nghề”.
AGROINFO – Theo Báo Nông thôn ngày nay
Nguồn:http://danviet.vn/46051p1c25/lang-nghe-nup-bong-thuong-hieu.htm