Mở đường để nông dân giàu lên

08/06/2011

Ngày 7.6, tại Thái Bình, Ban Chỉ đạo T.Ư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) đã tổ chức triển khai công tác quy hoạch NTM và giới thiệu Thông tư liên tịch số 26 của 3 Bộ NNPTNT, Tài chính, KHĐT hướng dẫn thực hiện Quyết định 800 của Thủ tướng Chính phủ.

Như vậy, sau 1 năm Quyết định 800 ra đời, các địa phương trên địa bàn cả nước đã chính thức có "hành lang" để triển khai xây dựng NTM trong 10 năm tới.
Người dân xã Nguyên Xá (huyện Vũ Thư, Thái Bình) xem bản đồ quy hoạch nông thôn mới địa phương
 
Hình thành đồ án quy hoạch chung
Ông Phạm Văn Minh- Phó Vụ trưởng Vụ Quy hoạch kiến trúc (Bộ Xây dựng), cho biết: "Đối với công tác quy hoạch nông thôn hiện có rất nhiều văn bản khác nhau, do đó nhiệm vụ của chúng ta là phải tập trung vào làm quy hoạch chung cho 9.121 xã trên địa bàn cả nước trong một đồ án là: Quy hoạch kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng và quy hoạch sản xuất, từ đó các xã hình thành các quy hoạch chi tiết cho địa phương mình".
Theo nội dung này, quy hoạch xây dựng tức là xác định ranh giới, quy mô sử dụng đất, dự báo quy mô dân số, quy mô xây dựng trên địa bàn toàn xã và của các thôn, bản theo từng giai đoạn. Trong quy hoạch sử dụng đất, phải xây dựng các vùng xây dựng, khu sản xuất, các công trình phục vụ sản xuất, khu sinh thái.
Về quy hoạch sản xuất nông nghiệp, phải xác định ranh giới, quy mô đất phục vụ sản xuất nông nghiệp, quy mô đất, mặt nước cho sản xuất cây trồng, vật nuôi. Toàn bộ công tác quy hoạch chung này, theo ông Minh sẽ phải được hoàn thành ngay trong năm nay.
Tại nhiều địa phương, hiện công tác quy hoạch đang được triển khai khẩn trương để phục vụ xây dựng NTM. Như tại Thái Bình, việc quy hoạch đang được tiến hành ở hơn 200 xã. Ông Nguyễn Hữu Rong - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Thái Bình cho biết: Từ năm 2009, Thái Bình đã tập trung vào làm quy hoạch theo 3 hướng chính là quy hoạch sản xuất, quy hoạch điểm dân cư, quy hoạch khu hành chính trung tâm xã.
“Tại mỗi xã, khi làm quy hoạch chúng tôi đã lựa chọn các đơn vị tư vấn tiến hành lập đề cương quy hoạch. Sau đó, tiến hành lấy ý kiến của người dân địa phương và cán bộ xã. Đây là điều rất quan trọng, vì nếu người dân ở xã không được tham gia quy hoạch, việc triển khai thực hiện sau này sẽ rất khó khăn" - ông Rong nói.
Cần giám sát thực hiện các văn bản
Sau 1 năm Quyết định 800 ra đời, các bộ đã ban hành được Thông tư liên tịch 26 về hướng dẫn thực hiện một số nội dung thực hiện quyết định. Theo đánh giá, thông tư này sẽ là "sườn" và hành lang để các địa phương làm căn cứ, cơ sở triển khai xây dựng NTM.
Ông Tăng Minh Lộc- Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và PTNT (Bộ NNPTNT) cho biết: "Đây là một thông tư hướng dẫn rất chi tiết, qua đó làm căn cứ để các địa phương tiến hành triển khai, xây dựng NTM và là văn bản chính thức về xây dựng NTM".
Thông tư 26 bao gồm rất nhiều nội dung chi tiết, trong đó có quy định về thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng NTM các cấp; Khảo sát, đánh giá thực trạng nông thôn; Quy hoạch xây dựng NTM của xã; Lập, thẩm định, phê duyệt đề án NTM của xã. Thông tư cũng hướng dẫn cụ thể về quy trình lập kế hoạch đầu tư thực hiện đề án; Dự án phát triển hạ tầng kinh tế- xã hội và các dự án khác.
Ông Đặng Viết Thuần- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên cho rằng: "Hiện có rất nhiều văn bản ban hành chậm, văn bản giữa các bộ ban hành không trùng khớp... Việc ra đời của Thông tư 26 là rất cần thiết, kịp thời, nhưng điều quan trọng là phải có sự giám sát thực hiện các văn bản một cách thống nhất".
Cũng theo ông Thuần: "Chúng ta cần phải có cơ chế phối hợp các chương trình, mục tiêu, bởi hiện có tới hơn 10 chương trình nhưng vẫn chưa hình thành được đầu mối chỉ đạo thống nhất và chưa rõ ràng".
Ông Hồ Xuân Hùng - Thứ trưởng Bộ NNPTNT khẳng định: "Trong quá trình xây dựng NTM đã nổi lên nhiều khó khăn, đó là chúng ta cần phải có nguồn vốn rất lớn để xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội; việc chuyển dịch một số lượng lớn lao động từ làm nông nghiệp sang phi nông nghiệp, nhất là thu nhập của người dân phải được tăng lên. Mục tiêu của chúng ta là phải làm cho nông dân giàu lên, chứ không đơn thuần là làm chỉ để đạt các tiêu chí NTM”.
6 nội dung cần triển khai
Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát cho biết: Trong quá trình triển khai xây dựng NTM, có nhiều địa phương còn lúng túng, khó khăn do cơ chế vận hành chương trình, nội dung phương pháp làm quy hoạch còn chưa thống nhất. Do vậy, đây sẽ là nhiệm vụ đầu tiên và cũng là nhiệm vụ trọng tâm của năm 2011 cần phải sớm hoàn thành.
Ông Phát đề nghị: "Để đạt được các mục tiêu về xây dựng NTM, chúng ta cần triển khai 6 nội dung chính: Hoàn thành bộ máy chỉ đạo; Triển khai công tác tuy hoạch; Hoàn thành đề án xây dựng NTM; Lập các dự án ưu tiên; Triển khai cuộc vận động toàn dân xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư gắn với công cuộc xây dựng NTM; Chỉ đạo xã điểm, tổng kết để nhân ra trên diện rộng". Ông Phát cho rằng: Chúng ta phải có một đề án, trong đó thể hiện rõ lộ trình ưu tiên làm những công việc gì trước, việc gì sau... Mục tiêu chung là làm cho đời sống người nông dân ngày càng giàu mạnh hơn, bộ mặt nông thôn tiếp tục được đổi mới, phát triển, tiến tới hiện đại.
 
AGROINFO – Theo Báo Nông thôn ngày nay

Tin khác