Ngư dân thiếu “phao cứu sinh”

07/06/2011

Khi ý tưởng lập Quỹ Hỗ trợ ngư dân ra đời (tháng 9.2010), nhiều địa phương ở miền Trung đều hoan nghênh, đón đợi. Tuy nhiên, mãi đến nay, khi ngư dân liên tục gặp “bất trắc” trên biển thì ý tưởng vẫn chưa được triển khai.

Phải tự đứng dậy
Ngư dân Lê Văn Huy (xã Bình Châu, Bình Sơn, Quảng Ngãi) sau vụ bị Hải quân Trung Quốc bắt cách đây vài năm đã lâm cảnh khánh kiệt vì mất hơn 200 triệu đồng. Có cơ quan, tổ chức, cá nhân nào giúp đỡ ông không? Nghe hỏi, vợ chồng ông Huy lắc đầu: "Không có gì hết, chủ yếu là bà con hàng xóm tới thăm, biên phòng tới động viên và làm hồ sơ". Ngư dân Tiêu Viết Là, người 4 lần bị Trung Quốc bắt, cũng lâm cảnh tương tự. Hiện ông Là đang nợ ngập đầu với số tiền 500 triệu đồng.
Rất nhiều những trường hợp như tàu QNg-66478 của ông Mai Phụng Lưu (xã An Hải, huyện Lý Sơn- Quảng Ngãi) bị nạn trên biển vào tháng 10.2010 cần Quỹ Hỗ trợ.
 
Hầu hết ngư dân bị nạn ở Hoàng Sa đều phải tự đứng dậy. Có rất nhiều ngư dân gặp nạn im lìm về quê không báo cáo gì việc bị Trung Quốc bắt giữ, thu tài sản cho chính quyền và Bộ đội Biên phòng. Chính vì vậy, vụ việc ngư dân bị Trung Quốc bắt giữ thực tế bao giờ cũng nhiều hơn con số thống kê.
Chúng tôi hỏi một số ngư dân Lý Sơn: Tại sao ngư dân ta bị Trung Quốc bắt mà về không khai báo? Các ngư dân cho biết: Tụi em có báo cũng có được gì đâu. Mình bị Trung Quốc bắt sạt nghiệp, về nhà, nợ mình tự trả, ngân hàng vẫn lấy lãi, viết đơn gửi từ T.Ư tới địa phương nhưng cũng không thấy gì. Đã vậy còn tốn thời gian lên cơ quan trình bày lời khai, viết tường thuật...
Tại âu thuyền Thọ Quang, lão ngư Trần Minh Công (Quảng Ngãi) chủ tàu QNg 69534 cho biết, chúng tôi có nghe đến Quỹ Hỗ trợ ngư dân vươn khơi xa từ rất lâu, song, mãi cho đến nay vẫn chưa thấy kế hoạch hay hành động gì thiết thực.
Ông Công tha thiết: “Chúng tôi cần là cần Nhà nước quan tâm, cần có một nguồn quỹ. Quỹ không chỉ hỗ trợ tiền dầu, tạo điều kiện cho vay vốn ưu đãi để nâng công suất tàu thuyền vươn khơi… mà còn để hỗ trợ thêm về mặt tinh thần”.
Tương tự, ngư dân Nguyễn Văn Tính (Quảng Nam) bộc bạch: “Tôi thiết nghĩ, Quỹ Hỗ trợ ngư dân là chuyện trước sau phải làm bởi quỹ là cái phao cứu sinh cho nghề biển. Vì vậy, một lần nữa, tôi mong muốn Nhà nước, chính quyền địa phương các cấp cần xem lại việc lập quỹ và cho tiến hành”.
Theo như anh Tính, lâu nay việc cứu nạn cho nhau trên biển, ngư dân không né tránh nhưng vẫn còn dè dặt vì ngại phí tổn. Nhưng nếu bây giờ có quỹ ủng hộ, ai bị sự cố, tai nạn.., bà con có mặt giúp đỡ ngay. Hơn nữa, có quỹ nhiều ngư dân gặp nạn tại các vùng biển Quảng Ngãi, Phú Yên… thời gian vừa qua, chắc chắn sẽ không thất nghiệp lâu…
Chính quyền còn dè dặt!
Đại tá Dương Đề Dũng- Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng TP. Đà Nẵng cho biết, chỉ mới 3 tháng đầu năm 2011 đến nay, đã có trên 100 tàu cá Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế thềm lục địa Việt Nam. Càng ngày tàu Trung Quốc càng có biểu hiện đánh bắt sâu vào vùng biển Việt Nam.
Và mới hơn nữa, sau lệnh cấm biển Đông của Trung Quốc, khu vực miền Trung đã có ít nhất 4 tàu thuyền và nhiều ngư dân đánh bắt trên lãnh hải Việt Nam, nhất là khu vực Hoàng Sa bị bắt giữ trái phép, bị thu tàu, ngư cụ, bị bắn… “Chính vì vậy, để ngư dân có thể yên tâm vươn khơi xa, ít nhất cũng cần phải cho họ một “điểm tựa” từ cộng đồng”- đại tá Dũng nói.
Trao đổi với NTNN, ông Hồ Phó - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Đà Nẵng cho biết, chỉ riêng Đà Nẵng, hiện có 1.800 tàu (50% là tàu xa bờ), với tổng công suất 74.000 CV. Thời gian qua, việc đánh bắt của ngư dân luôn gặp khó khăn: Xăng dầu tăng, ngư trường hẹp, áp lực tâm lý… và đã có rất nhiều ngư dân phải bán tàu để trả nợ.
Chúng ta hỗ trợ cho ngư dân bị nạn tại quần đảo Hoàng Sa chính là góp phần khẳng định chủ quyền của Việt Nam tại vùng biển này. Mỗi ngư dân bị nạn tại Hoàng Sa cần được quan tâm hỗ trợ, động viên cả về vật chất và tinh thần của các cơ quan chức năng và toàn xã hội. Có như vậy, ngư dân mới không cảm thấy mình bơ vơ giữa quần đảo Hoàng Sa.
Chính vì vậy, ông Phó không phủ nhận ích lợi thiết thực của quỹ đối với sự phát triển của nghề khai thác xa bờ và chính quyền Đà Nẵng rất hoanh nghênh việc thành lập quỹ. Tuy nhiên, ông Phó cho biết, bao giờ cũng vậy, từ một ý tưởng hay đề án đưa ra, nhưng nếu không có sự tác động liên tục, mạnh mẽ của công đồng… thì khả năng, ý tưởng, đề án đó vẫn mãi nằm trên giấy.
Ví như Đà Nẵng, do xét thấy tính khả thi từ nơi xuất phát ý tưởng là Quảng Ngãi vẫn chưa có, hơn nữa do đang băn khoăn ở nguồn tài chính cho quỹ và quy chế hoạt động ra sao để được thiết thực…
Tại Quảng Nam, những ngày qua, các ngành chức năng cũng hiểu được nỗi niềm của bà con ngư dân khi đang phải đối mặt với nhiều khó khăn và cần lắm việc lập Quỹ Hỗ trợ. Song, ông Ngô Tấn - Chủ tịch Hội Nghề cá Quảng Nam cho biết, do vẫn còn gặp nhiều “khúc mắc” ở khâu huy động vốn, giao đơn vị nào quản lý và soạn thảo Đề án trình Ủy ban… nên Quỹ Hỗ trợ ngư dân chưa thể ra đời.
Hiện, theo Sở NNPTNT tỉnh Quảng Nam chỉ mới trình UBND tỉnh Quảng Nam thông qua đề án hỗ trợ ngư dân nâng cấp công suất tàu thuyền để vươn khơi. Đối với tàu đóng mới sử dụng máy thủy mới 100%, có công suất từ 90 đến dưới 250CV, hỗ trợ 80 triệu đồng mỗi tàu; từ 250CV đến dưới 400CV, hỗ trợ 100 triệu đồng; từ 400CV trở lên, hỗ trợ 120 triệu đồng...
AGROINFO – Theo Báo Nông thôn ngày nay

Nguồn: http://danviet.vn/45754p1c34/ngu-dan-thieu-phao-cuu-sinh.htm


Tin khác