Dù một số người đã đứng lên kêu gọi chung tay xây dựng HTX làm chiếu, nhưng do tập quán làm ăn nhỏ lẻ nên hầu như không có hộ nào ở Long Định (Châu Thành-Tiền Giang) muốn tham gia vào tổ chức kinh tế tập thể.
NHÀ NÀO HAY NHÀ NẤY
Ghé thăm cơ sở dệt chiếu của bà Trần Thị Bạch Tuyết (số 50 khu phố Lương Minh Chánh), chủ cơ sở cho biết, hiện ở xã Long Định có khoảng 1.000 hộ làm nghề dệt chiếu. Theo bà Tuyết, mặc dù tập trung vào một làng nghề nhưng từ trước đến nay, dân làm chiếu ở Long Định đều “mạnh ai nấy làm”, mỗi nhà giữ một bí quyết gia truyền và tự tìm mối lái tiêu thụ nên giá chiếu của mỗi cơ sở mỗi khác. Mẫu mã, chất lượng chiếu cũng không giống nhau.
Hiện cơ sở dệt chiếu của bà Tuyết có 2 máy dệt, mỗi ngày có thể sản xuất được 40 chiếc chiếu các loại. Bạn hàng đến đặt chiếu tại cơ sở của bà với giá từ 100.000- 160.000 đồng/cái. Sau khi trừ chi phí nguyên liệu và nhân công, mỗi ngày gia đình bà thu về khoảng 400.000 đồng. Bà Tuyết cũng cho biết, do có mối hàng vận chuyển chiếu ra Nam Định nên hai năm trở lại đây gia đình bà làm hàng không đủ bán. Thu nhập có tháng lên tới 12-15 triệu đồng.
Tuy nhiên không phải cơ sở nào cũng chạy hàng như cơ sở của bà Tuyết. Nhiều hộ làm chiếu ở khu vực ấp Khu Phố, ấp Mới cho hay, do hiện nay không phải là dịp cao điểm tiêu thụ sản phẩm chiếu cói nên chiếu làm ra bán không chạy. “Chiếu dệt tay bỏ mối cho thương lái lúc này chỉ khoảng 75-80.000 đồng, nhiều khi hàng tồn nhiều còn bị ép vài giá do chi phí vận chuyển đi các chợ xa hơn”- anh Nguyễn Văn Long, chủ một cơ sở dệt chiếu tại ấp Mới cho biết.
Theo bác Lê Văn Bừng, một người gắn bó với nghề dệt chiếu lâu năm ở Long Định, từ trước đến nay các hộ dệt chiếu ở làng nghề này đều lấy cói nguyên liệu từ thương lái chuyển từ Vĩnh Long lên nên chất lượng chiếu nếu có khác nhau cũng chỉ do kỹ thuật chuốt, nhuộm phẩm. Còn giá cả nếu chênh lệch lớn là do có cơ sở tìm được đầu mối tiêu thụ tốt, có cơ sở không có người mua hàng nên phải tự mang ra chợ bán nên giá thấp hơn.
Bác Bừng cho hay, việc liên kết các hộ trong làng nghề với nhau để sản xuất số lượng lớn là rất khó vì mỗi gia đình đều muốn giữ mối làm ăn riêng. Khách lấy hàng quen ở một cơ sở nào thì cũng chỉ lấy ở đấy chứ không mua thêm ở cơ sở khác. Thành ra có hộ thì làm không đủ hàng để bán, có hộ làm cả hàng xuất khẩu, nhưng có hộ làm mỗi ngày 5-7 chiếc chiếu vẫn không đắt.
BAO GIỜ CHUNG TAY?
Theo ông Trần Văn Thuê, Phó Chủ tịch UBND xã Long Định, để tập trung sản xuất lớn, tháng 11/2007 tỉnh Tiền Giang đã thành lập HTX dệt chiếu Long Định. Tuy nhiên, khi chúng tôi hỏi về HTX này nhiều người dân cho hay họ không hề biết có HTX tồn tại.
Hỏi thăm một số tiểu thương bán hàng chiếu cói ở chợ xã Long Định thì được biết cách đây hơn hai năm có cơ sở của ông Bảy Thuận (ấp Mới) đầu tư máy móc để lập HTX xã làm chiếu. “Nghe đâu trên huyện giao tiền cho ổng sắm 6 chiếc máy dệt và cho thuê cả khu đất lớn (trước đây là kho chứa phân bón của xã) để làm HTX chuyên dệt chiếu. Nhưng do không có kinh nghiệm và không kêu gọi được người dân về làm nên chỉ hoạt động được vài tháng thì chuyển sang sản xuất… ống nhựa, làm muối và kinh doanh vật liệu xây dựng”- bà Nguyễn Thị L., một tiểu thương ở chợ xã cho hay.
Đem chuyện này trao đổi với ông Huỳnh Văn Sơn, Phó phòng NN-PTNT huyện Châu Thành, Tiền Giang, ông Sơn cho biết, thực ra năm 2007 tỉnh Tiền Giang chỉ cho phép thành lập Làng nghề dệt chiếu Long Định chứ không phải cho thành lập HTX. Huyện cũng không cung cấp tiền cho các cá nhân, tổ chức nào thành lập HTX dệt chiếu mà chỉ hỗ trợ một số hộ dân khó khăn được vay tiền mua máy se cói.
Tuy nhiên, cá nhân ông Sơn cũng cho rằng, việc một số người có ý định thành lập hợp tác xã là ý tốt vì như vậy có thể phát triển làng nghề theo hướng chuyên nghiệp. Tuy nhiên, việc này là không hề giản đơn bởi làm chiếu vốn dĩ có nhiều công đoạn thủ công. Hơn thế, thói quen làm ăn nhỏ lẻ, nhà nào biết nhà nấy đã và đang cản trở nghề làm chiếu ở đây phát triển.
AGROINFO – Theo Báo Nông nghiệp Việt Nam
Nguồn:http://nongnghiep.vn/nongnghiepvn/vi-VN/61/158/1/15/15/79417/Default.aspx