Điểm tựa từ những công trình nhỏ

06/06/2011

Những công trình của Dự án Hạ tầng cơ sở nông thôn dựa vào cộng đồng (CBRIP) đang phát huy hiệu quả rất thiết thực, là điểm tựa hỗ trợ người dân Hà Tĩnh vượt đói nghèo…

Những con đường nhỏ
Chỉ mất chưa đầy 10 phút, con đường láng nhựa phẳng lỳ đã dẫn chúng tôi xuyên qua 3 xã Xuân Yên, Xuân Hải, Xuân Phổ của huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Con đường nhỏ này đã giúp các khu dân cư trong vùng thoát khỏi thế bị cô lập bởi những bãi cát dài mênh mang và những cồn cát cao vòi vọi.
“Hồi trước, khi chưa có con đường ni, mỗi đận đi biển về, cả xóm phải gánh cá nửa ngày trời mới mang được tới chợ. Đến nơi thì cá ươn mất rồi, chỉ bán được với giá rất rẻ, nên đời sống khó khăn. Nay thì khác rồi, có đường mới do Dự án CBRIP tài trợ, chỉ mất 15 phút là lên được trung tâm huyện bán cá”, ông Phan Văn Thức, (55 tuổi, ở thôn Yên Ngư, xã Xuân Yên, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) hồ hởi cho biết.
Ven con đường liên xã do CBRIP tài trợ đã mọc lên những ngôi nhà mới khang trang, cao đẹp, khác hẳn cảnh nhà lơ thơ, lụp xụp như 10 năm trước. Người dân đã có của ăn, của để, không ít nhà đã sắm được ti vi, tủ lạnh, xe máy. Không ai nghĩ rằng, con đường chỉ dài 5 km do CBRIP tài trợ, với tổng mức đầu tư 2,5 tỷ đồng, lại có thể làm thay đổi diện mạo của cả một vùng đất nghèo nhanh đến vậy.
Ước tính, số người được hưởng lợi từ con đường này lên tới hơn 10.500 người. Điều đáng nói, đây chỉ là một trong 154 tiểu dự án giao thông nông thôn của Dự án CBRIP. Với số vốn đầu tư không lớn, nhưng các công trình được lựa chọn xây dựng lại vô cùng cấp thiết, nên có sức lan tỏa, tạo động lực rất lớn cho dân nghèo.
Màu xanh từ các công trình thủy lợi
Rời những con đường trải nhựa dài miên man giữa những cánh rừng phi lao, rời những khu chợ sầm uất, nhà trẻ khang trang, những nhà sinh hoạt cộng đồng thoáng mát do Dự án CBRIP tài trợ, chúng tôi đến thăm một dự án dân sinh phục vụ sản xuất nông nghiệp tại xã Bắc Sơn, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh. Đó là công trình đập Xạ.
Trước kia, đập Xạ bị xuống cấp trầm trọng, luôn thiếu nước, chỉ chứa được khoảng 300.000 m3 nước vào mùa mưa và hầu như cạn kiệt vào mùa hè. Người dân quanh vùng rất bị động khi trông chờ vào nguồn thủy lợi này. Bữa đói, bữa no phụ thuộc vào sự “đỏng đảnh” của mực nước.
Năm 2005, Dự án CBRIP đã đầu tư 400 triệu đồng nâng cấp đập Xạ. Sau nâng cấp, với khả năng tích trữ nước cao gấp 3,5 lần so với trước, đập Xạ đảm bảo cung cấp nước cho 110 ha diện tích sản xuất nông nghiệp của 3 xóm Phú Sơn, Tây Sơn và Kim Sơn thuộc xã Bắc Sơn, Thạch Hà.
Ông Trần Bá Hoành, Chủ tịch UBND xã Bắc Sơn cho biết, từ chỗ chỉ sản xuất được một vụ mỗi năm, đến nay, nước chứa đầy hồ, nên người dân quanh vùng canh tác được hai vụ. Không những thế, các hộ dân sống gần đập còn có thể chăn nuôi thủy cầm, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sớm. Nhờ vậy, tỷ lệ các hộ đói nghèo cũng giảm nhanh chóng.
Hơn 400.000 dân nghèo được hưởng lợi
Tại Hà Tĩnh, Dự án CBRIP được triển khai trên địa bàn 88 xã nghèo thuộc 8 huyện và 1 thành phố, gồm Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Can Lộc, Hương Sơn, Hương Khê, Nghi Xuân, Lộc Hà và TP. Hà Tĩnh. Tổng kinh phí cho Dự án tại Hà Tĩnh là hơn 17,2 triệu USD, trong đó vốn Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ hơn 15,1 triệu USD, phần còn lại là nguồn vốn đối ứng của Chính phủ và đóng góp của người dân.
Một trong những mục tiêu quan trọng của Dự án CBRIP là đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ người dân vùng dự án đã cán đích đúng như kỳ vọng. Đã có 535 tiểu dự án với gần 1.200 công trình thiết yếu được đầu tư xây dựng. Trong đó, 72 tiểu dự án cải tạo nâng cấp hệ thống thủy lợi, 154 tiểu dự án giao thông nông thôn, 9 tiểu dự án điện, cung cấp nước sinh hoạt, xây dựng mới 126 công trình hạ tầng giáo dục…
Ông Trần Việt Hà, Giám đốc Ban quản lý Dự án CBRIP cho biết, sau 9 năm triển khai thực hiện, Dự án CBRIP trên địa bàn Hà Tĩnh đã góp phần tích cực trong việc nâng cấp, xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu cho người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Đồng thời, Dự án đã tạo việc làm, thu nhập cho người dân các xã nghèo… Đã có hơn 416.000 người dân (chiếm 32,04 % dân số toàn tỉnh Hà Tĩnh) được hưởng lợi từ Dự án.
Ông Robin Mearns, Trưởng nhóm Dự án CBRIP - WB nhận định, một trong những yếu tố tạo nên thành tựu to lớn này chính là sự phân cấp ngày càng nhiều, càng mạnh từ chính quyền trung ương xuống các địa phương và thực hiện quy chế dân chủ. Thành công của Dự án đã tạo niềm tin cho các nhà tài trợ, trong đó có WB, trong việc hỗ trợ xóa đói giảm nghèo thời gian tới.
AGROINFO – Theo Báo Đầu tư

Nguồn:

http://baodautu.com.vn/portal/public/vir/baivietkinhtedautu/repository/collaboration/sites%20content/live/vir/web%20contents/chude/kinhtedautu/dautuoda/62b867b17f000001015d5b574c53f728


Tin khác