Sau 1 năm triển khai Nghị định 41 (về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn), đến nay nhiều chủ trang trại nông nghiệp, nông thôn vẫn khát vốn, thậm chí có nhiều người còn chưa biết đến chính sách này.
Không dám vay vì lãi suất cao
Ông Nguyễn Văn Nghĩa - chủ trang trại nhãn lồng ở Khoái Châu (Hưng Yên) cho biết: "Gia đình tôi hiện đang vay 400 triệu đồng để làm nhãn muộn, trồng cây cảnh và thả cá. Với mức lãi suất 17%/năm như hiện tại, dù có thiếu vốn, tôi cũng không dám vay bởi làm nông nghiệp mà không được mùa được giá, có thể vỡ nợ vì lãi suất ngân hàng quá cao" - ông Nghĩa nói.
|
Nhiều chính sách thiết thực phục vụ sản xuất nhưng nông dân chưa nắm bắt kịp thời. |
Cùng chung những khó khăn trên, ông Nguyễn Văn Cảnh ở phường Nam Sơn (TP. Hưng Yên), cho hay, gia đình ông phải vay 300 triệu đồng với lãi suất 17%/năm để mở rộng và đầu tư cho vườn vải trái vụ.
“Vụ này trang trại cũng được mùa, có thể thu về 20 tấn nhãn nhưng muốn mở rộng sản xuất vụ tới vẫn kẹt vốn. Tôi muốn vay tiếp nhưng không có tài sản để thế chấp. Nhưng dù có được vay tiếp, nhưng với lãi suất như hiện tại thì cũng chỉ dám vay với số lượng ít” - ông Cảnh lo lắng.
Theo ông Lê Đình Tư- Chủ nhiệm HTX Hàm Tử (Khoái Châu, Hưng Yên), HTX có 23 thành viên, còn số trang trại trên địa bàn xã cũng phải lên tới hàng trăm. Nhu cầu vay vốn của các thành viên HTX, các trang trại là rất lớn nhưng với lãi suất cao như hiện nay, không phải chủ trang trại nào cũng dám vay.
Thực tế, các thành viên của HTX Hàm Tử chưa có ai vay quá 200 triệu. Ghi nhận của NTNN, thực tế có nhiều HTX, chủ trang trại đang rất thiếu vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng vẫn phải đắn đo việc vay vốn ngân hàng vì lãi suất quá cao. Trong khi đó, về những chính sách ưu đãi tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn thì không phải tất cả HTX và chủ trang trại tiếp cận được, nắm rõ.
Chưa biết đến chính sách
Khi chúng tôi hỏi đến Nghị định 41, nhiều chủ trang trại ở Hưng Yên đều lắc đầu cho biết chưa nghe tới nghị định đó. "Lần đầu tiên tôi được nghe về chính sách tín dụng này. Thực tế, chúng tôi không cần phải vay bằng tín chấp, kể cả thế chấp cũng được, miễn là vay được vốn với lãi suất hợp lý để mở rộng sản xuất" - ông Nguyễn Văn Nghĩa ở Khoái Châu (Hưng Yên) cho biết. Ngay cả ông Lê Đình Tư là Chủ nhiệm HTX cũng không hề biết đến Nghị định 41.
Theo ông Dương Văn Tự - Giám đốc Ngân hàng NNPTNT Hưng Yên, tính đến 30.4.2011, dư nợ cho vay theo Nghị định 41 trên địa bàn Hưng Yên là 1.553 tỷ đồng. Trong đó, cá nhân và hộ gia đình vay 1.003 tỷ, doanh nghiệp vay 407 tỷ đồng, riêng các HTX vay chỉ hơn 500 triệu đồng.
Ông Tự giải thích, sở dĩ HTX và trang trại khó tiếp cận với nguồn vốn hỗ trợ này là do quy định tiêu chí của trang trại phải có diện tích từ 2ha trở lên, trong khi ở Hưng Yên hầu hết các trang trại có diện tích nhỏ, rất ít hộ đạt được. Thậm chí, nhiều trang trại chưa có giấy chứng nhận nên không thể đủ thủ tục vay vốn.
Một vướng mắc nữa là theo quy định của Nghị định 41, những xã, phường ở thành phố không nằm trong đối tượng được hưởng thụ chính sách, mặc dù các xã, phường ở TP. Hưng Yên vẫn làm nông nghiệp bình thường. Trong khi đó, những doanh nghiệp ở khu vực nông nghiệp, nông thôn dù không có liên quan gì tới nông nghiệp, nông thôn như cơ khí vẫn được vay theo chính sách quy định tại Nghị định 41.
"Chúng tôi đã kiến nghị trong thời gian tới cần có điều chỉnh những quy định này cho phù hợp để có thêm nhiều HTX, chủ trang trại tiếp cận được nguồn vốn” - ông Tự nói.
“Hầu hết các thành viên của HTX chưa nghe tới chính sách tín dụng của Nghị định 41 và chưa tiếp cận được nguồn vốn này.” - Ông Lê Đình Tư.
AGROINFO – Theo Báo Nông thôn ngày nay số 131 ngày 02-06-2011