Hôm qua (1/6) chúng tôi có mặt tại chợ Kà- Tum nằm trên địa bàn xã Tân Đông (Tân Châu, Tây Ninh) chỉ cách đồn biên phòng Kà-Tum (còn gọi là đồn biên phòng 819) chưa đầy 10 km để khảo sát tình hình đường nhập lậu. Tại đây, đúng là kiếm một hạt đường VN “đỏ” con mắt cũng không có, chỉ thấy toàn là đường Thái Lan nhập lậu với mẫu mã bao bì đủ lọai, từ đỏ, xanh lá cây đến xanh da trời với bao tịnh là 50kg.
|
Bao bì đường Thái Lan "xanh, đỏ, tím, vàng" đều có đủ cả. |
Chị Vân, một tiểu thương tại chợ cho biết, cứ sau 3 - 4 ngày là thương lái đến bỏ mối cho cửa hàng chị khoảng 500 kg gồm 10 loại đường Thái Lan khác nhau chỉ phân biệt được bằng hình mặt trời, con ong, quả địa cầu, cây mía..., bình quân 1 bao 50 kg là 850 ngàn, tức 17 ngàn/kg. Sau đó, lấy ra phân vào từng bịch nylon nhỏ chia đều 1 bịch = 1 kg rồi bán lẻ ra 18 ngàn/kg. “Một ngày tôi bán lẻ chừng 40-50 kg, còn lại chủ yếu là bỏ sỉ cho các nơi khác mang về TX Tây Ninh hoặc TPHCM tiêu thụ”.
Anh T., cán bộ thương mại xã Tân Đông cho hay, sở dĩ đường Thái Lan bán được trên vùng giáp biên này bởi 2 “ưu điểm”, một là giá lúc nào cũng rẻ hơn đường trong nước 1-2 giá, chẳng hạn trong thời điểm này, giá 1 kg đường Biên Hòa RS bán lẻ là 19 ngàn thì đường Thái Lan có 18 ngàn. Hai là, hạt đường ngoại mịn và có mùi thơm hơn (?!). Thế nên, tại chợ Kà-Tum có khoảng chục tiểu thương kinh doanh đường như chị Vân, sẽ suy ra được mỗi ngày có bao nhiêu tấn đường nhập về VN để từ đây đường nhập lậu sẽ tiến vào sâu thị trường nội địa.
Ông N.V.Ư (ấp Đông Tiến), một thương lái có tiếng chuyên “đánh” mặt hàng đường bên kia biên giới sang Việt Nam cùng với khoảng 10-12 thương lái “vệ tinh” đã không ngần ngại tiết lộ với chúng tôi, khác với vùng biên giới An Giang vận chuyển bằng đường sông, sau đó tăng- bo bằng xe đạp thồ thì ở đây chủ yếu đường đi bằng xe hon-da có gắn hai cần xé hai bên.
“Bây giờ không có chuyện mang tiền đồng VN qua đổi tiền riel Campuchia (tỷ giá 1 riel = 3.100 VNĐ) rồi mua đường mang về VN mà người ta đánh lẻ đưa hàng nông sản từ rau củ quả cho đến bắp, sắn lát... ở VN qua huyện Mi-Mốt, tỉnh Kông Pông Chàm bán, sau đó lấy tiền riel mua đường cát mang trở lại VN. Tôi mỗi ngày đi về hai chuyến, mỗi chuyến mang về vài chục kg thôi, biết là hàng lậu nhưng đi riết rồi mấy ổng biên phòng 819 cũng quen mặt nên thông cảm cho qua. Cứ mỗi bao 50 kg đường Thái Lan tôi mua hơn 240 ngàn riel (khoảng 800 ngàn VNĐ), sau khi vận chuyển từ biên giới vào nội địa, bỏ mối cho các tiểu thương tôi lãi mỗi bao khoảng 50-60 ngàn đồng”.
Khi được hỏi có khi nào bị QLTT “bắt” chưa thì ông N.V.Ư cười nói: “Đường cát Thái Lan nhập lậu làm sao có hóa đơn nguồn gốc nên phải tránh thời điểm mấy ổng đi kiểm tra. Lịch kế hoạch hôm nay mấy ổng đi đâu, làm gì thì chúng tôi phải nắm chứ!”.
“Cơ quan chức năng sẽ tăng cường kiểm tra xử lý, tuy nhiên thủ đoạn mới của dân buôn lậu đường là sau khi đưa đường Thái Lan nhập lậu vào biên giới thì lập tức thay đổi bằng bao bì của VN như đường Biên Hòa, Hiệp Hòa, Mimosa... nên rất khó phát hiện. Thậm chí, khi phát hiện họ còn có cả hóa đơn xuất kho của nhiều NM đường trong nước để chứng minh nguồn gốc hợp pháp nên càng khó xử lý hơn...” (ông Cao Văn Năm - Chi cục phó Chi cục QLTT tỉnh Tây Ninh).
Trái lại, một nhân viên QLTT huyện Tân Châu cho biết, mấy ổng buôn bán đường lậu “khôn” lắm, họ đi xé nhỏ vận chuyển vài chục kg nên rất khó phát hiện. Có trường hợp họ nói là nông dân sang Campuchia trồng mì, trao đổi hàng kiểu buôn thúng bán mẹt, đưa CMND chứng minh là “công dân biên giới”, mua ít chục kg đường về gia đình sử dụng, không lẽ mình bắt xử lý thì kỳ quá. Nhưng sau đó ít hôm cũng thấy họ xuất hiện lảng vảng khu vực biên giới chở đường lậu bằng giỏ cần xé.
Ông Ngô Khắc Lợi, Chủ tịch Hội ND xã Tân Đông xác nhận, do đi mặt hàng đường có lãi nên có một số hộ nông dân địa phương tranh thủ lúc nông nhàn cũng nhập cuộc “buôn đường”. “Nhưng nghịch lý ở chỗ trên địa bàn Tây Ninh có 3 nhà máy đường lớn gồm Biên Hòa, Bourbon, Nước Trong, hiện còn tồn hàng chục ngàn tấn đường. Thay vì hàng tồn phải bán giá rẻ để giải phóng thu hồi vốn, nhưng trên thị trường hiện giá vẫn còn cao. Trong đó, hai nhà máy Bourbon và Biên Hòa đều của tư nhân cùng một chủ có giá bán cao nhất. Trong khi đường Thái Lan chất lượng không hề thua kém, thậm chí còn tương đương đường RE của Biên Hòa (giá 24 ngàn/kg), thế mà họ lúc nào cũng bán rẻ hơn ta. Tại sao vậy?” - ông Lợi thắc mắc.
AGROINFO – Theo Báo Nông nghiệp Việt Nam
Nguồn:http://nongnghiep.vn/nongnghiepvn/vi-VN/61/158/1/15/15/79207/Default.aspx