Nhập khẩu thịt lợn và sự bất đồng của cơ quan quản lý

27/05/2011

Trước việc giá thịt tăng quá sức chịu đựng của người tiêu dùng, Bộ Công Thương đang đề xuất phải nhập khẩu 100.000 tấn thịt lợn. Còn Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lại khẩn thiết kiến nghị không nhập khẩu thịt lợn vì cho rằng cung đã đủ cầu và lo rằng người tiêu dùng sẽ lại tẩy chay thịt lợn vì dịch tai xanh đã bùng phát trở lại.

Theo khảo sát của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hiện nay, tại chợ đầu mối Long Biên - Hà Nội, thịt lợn thăn được bán với giá 106.000 đồng/kg; thịt ba chỉ lên đến 91.000 đồng/kg. So với Tết Nguyên đán, giá thịt lợn đã tăng 25%-27%.

Nhà máy giết mổ gia súc gia cầm Minh Hiền (Thanh Oai - Hà Nội), công suất thiết kế mổ 5.000 con gà và hơn 1.000 con lợn/ngày, nhưng rất ít người kinh doanh đến đây để mua thịt lợn. 

Theo đại diện của nhà máy, chi phí đầu tư trang thiết bị rất lớn, vận hành tốn rất nhiều điện, nhân công nên giá thành giết mổ rất cao. Mặc dù được nhà nước trợ giá và giao nhiệm vụ bán hàng giá thấp để bình ổn thị trường, nhưng không thể bán giá thấp hơn nữa vì sẽ lỗ. 

Trong khi đó, các trang trại chăn nuôi đều không được giao nhiệm vụ bình ổn giá. Như vậy, bình ổn thị trường thịt dường như chỉ can thiệp ở ngọn chứ không triển khai tại gốc, người chăn nuôi không được lợi và cũng không tha thiết với việc bình ổn. 

Theo Bộ Công Thương, cần phải nhập khẩu thịt lợn, vì giá thịt đã liên tục tăng và đứng ở mức cao quá sức chịu đựng của người tiêu dùng. Giá thực phẩm cao do chi phí đầu vào tăng, cộng với những đợt điều chỉnh tăng giá xăng dầu, lương cơ bản tăng. Hiện giá bán lợn hơi xuất chuồng tại các trang trại chăn nuôi ở mức 60.000-61.000 đồng/kg; thậm chí có nơi tăng lên 62.000 đồng/kg. 

Nguyên nhân khiến giá thịt lợn hơi tăng cao như hiện nay là do trước đây 1 tháng, thương lái đua nhau gom hàng từ các tỉnh phía Nam vận chuyển ra Bắc, kể cả bán sang Trung Quốc để hưởng chênh lệch giá dẫn đến nguồn cung bị giảm mạnh. Thêm vào đó là tình hình dịch bệnh, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao nên nguồn cung thịt lợn hiện nay càng thêm thiếu hụt. 

Theo ước tính, tổng nhu cầu tiêu dùng trong nước năm nay đối với các loại thịt khoảng 2,9 triệu tấn, tăng 6,5-7% so với năm trước. Bởi vậy, Bộ Công Thương đề xuất cần phải nhập khẩu 100.000 tấn thịt lợn trong năm 2011.

Tuy nhiên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vẫn khẳng định, nguồn cung thịt lợn có thể đáp ứng được nhu cầu trong nước nên Bộ này đã kiến nghị không nên nhập khẩu thêm thịt lợn. 

Theo Cục Chăn nuôi, hiện lượng cung thịt lợn thiếu hụt là có thật song chưa đáng lo ngại. Tổng lượng thịt lợn hơi trong năm 2011 vẫn có thể đạt 3,3 triệu tấn. Bởi dịch bệnh đang từng bước được ngăn chặn, thời gian tới người chăn nuôi sẽ tập trung tái đàn, lượng cung thịt lợn theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ dồi dào vào những tháng cuối năm. 

Được biết, Bộ Công Thương hiện là cơ quan chịu trách nhiệm cân đối cung-cầu các mặt hàng thiết yếu, nhằm đảm bảo bình ổn thị trường trong nước. Việc nhập hay không nhập thịt lợn về sẽ còn tiếp tục được hai Bộ này bàn thảo. Song người tiêu dùng hiện nay vẫn đang phải mua thực phẩm với giá cao. 

Ông Nguyễn Khắc Hiệp, chủ một lò mổ lợn ở Mai Lĩnh, Hà Đông phàn nàn: chưa khi nào kinh doanh mặt hàng thịt lợn lại khó khăn như bây giờ. Tìm mua lợn hơi vô cùng khó khăn, vì các trang trại đều khan hiếm lợn xuất chuồng, giá mua cũng vượt quá sức chịu đựng. Trong khi đầu ra thì ế ẩm, khối lượng tiêu thụ sụt giảm chỉ còn bằng một nửa so với trước kia.

Dịch bệnh tai xanh đang có dấu hiệu bùng phát trở lại, càng dấy lên lo lắng người tiêu dùng sẽ lại “quay lưng” với thịt lợn như năm 2010. Ở một số địa phương, người chăn nuôi do nghe tin đồn của các thương lái về dịch tai xanh nên đã hốt hoảng bán tống bán tháo lợn với giá rẻ. 

Nếu ngành Thú y không kịp thời dập tắt dịch tai xanh, thì nguy cơ ngày càng nhiều người nuôi sẽ bỏ trống chuồng. Điều này đã khiến các hộ sản xuất nhỏ cũng như đơn vị sản xuất lớn gặp không ít khó khăn, giá cả các mặt hàng khác thì tăng vọt do khan hiếm thực phẩm. Khi đó, khó mà dự báo được giá thịt sẽ đi theo hướng nào.
AGROINFO – Theo VnEonomy

Tin khác