Theo báo cáo của Sở NN-PTNT Kiên Giang, từ đầu năm đến nay toàn tỉnh đã thả nuôi được 83.503 ha tôm, trong đó có 65.959 ha nuôi theo hình thức tôm-lúa, còn lại là công nghiệp và quảng canh cải tiến. Thời gian qua, tình hình dịch bệnh đã làm cho 9.523 ha tôm nuôi của tỉnh bị thiệt hại, chủ yếu là tôm nuôi trên nền đất lúa, tập trung ở các huyện vùng U Minh Thượng.
Nguyên nhân dịch bệnh được xác định là do các yếu tố môi trường bất lợi, chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm lớn, mực nước trên ruộng nuôi quá thấp nên khi gặp mưa trái mùa làm tôm bị sốc do giảm độ mặn đột ngột. Ngoài ra, tình hình rong nhớt phát triển mạnh làm thay đổi độ pH, oxy trong nước giảm, hàm lượng khí độc cao, nguồn nước bị nhiễm độc hữu cơ gây bất lợi cho quá trình sinh trưởng của tôm.
Chất lượng tôm giống kém, chưa qua kiểm dịch cũng làm cho tình hình dịch bệnh gia tăng. Bên cạnh đó, các hộ nuôi lại không có hệ thống chứa nước thải nên khi tôm bị dịch bệnh, nguồn nước ô nhiễm được thải trực tiếp ra môi trường làm cho mầm bệnh phát tán trên diện rộng.
Ngành nông nghiệp đã chỉ đạo nông dân tập trung cải tạo lại hệ thống ao nuôi, tranh thủ thả giống lại. Đến nay, đã có trên 96% diện tích bị thiệt hại được nông dân khắc phục thả nuôi lại. Tuy nhiên, ngành cũng khuyến cáo nông dân phải tuân thủ lịch thời vụ, đến hết ngày 15/5 là phải chấm dứt việc thả tôm giống nhằm đảm bảo đến tháng 8 sẽ thu hoạch toàn bộ diện tích tôm, chuẩn bị rửa mặn để lấp lại vụ lúa.
Về công tác thú y thủy sản, ngay từ đầu vụ Kiên Giang đã tăng cường công tác kiểm tra, quản lý việc sản xuất, kinh doanh giống, thành lập các chốt kiểm dịch tôm giống nhập tỉnh. Qua đó, đã kiểm tra được 1,8 tỷ tôm post nhập tỉnh, tái kiểm được 596 mẫu tôm và làm xét nghiệm miễn phí 337 mẫu tôm giống cho dân. Nhờ đó, đã hạn chế được phần nào nguồn tôm kém chất lượng trên địa bàn.
Theo đại diện của Trung tâm KNKN Quốc gia thì hiện nay tình trạng tôm giống kém chất lượng rất đáng ngại, do nhu cầu nuôi quá lớn trong khi sản xuất chưa đáp ứng được. Vì vậy, người dân cần phải có ý thức tự bảo vệ sản xuất, cần chọn mua tôm giống ở những nơi sản xuất lớn, có độ tin cậy cao. Bên cạnh đó, cần có sự hợp tác sản xuất theo hướng cộng đồng nhằm hạn chế dịch bệnh lây lan. Sau vụ nuôi, nhất thiết phải cải tạo để lấp lại vụ lúa nhằm làm sạch môi trường, nhất là các chất hữu cơ còn tồn dư sau vụ tôm.
Ông Nguyễn Công Dân, Cục phó Cục Thú y cho rằng, tình hình dịch bệnh trên tôm, nghêu ở ĐBSCL hiện nay là rất nghiêm trọng. Vì vậy, nhiệm vụ phòng chống dịch bệnh đang cấp bách. Bên cạnh quản lý con giống, môi trường nuôi thì phải tăng cường công tác thú y thủy sản.
Về tình hình dịch bệnh, ông Dân cho rằng diện tích thiệt hại của Kiên Giang tuy lên đến gần 10.000 ha nhưng chủ yếu là tôm nuôi quảng canh, mức độ thiệt hại thấp hơn nhiều so với các tỉnh trong khu vực. Kiên Giang hiện cũng là tỉnh đang duy trì tương đối tốt hệ thống thú y thủy sản, với biên chế rải đều từ tỉnh đến huyện, xã. Nhờ đó đã phần nào hạn chế được thiệt hại cũng như mức độ lây lan của dịch bệnh.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Xuân Thu đã đến thăm vùng nuôi tôm công nghiệp ở vùng Tứ giác Long Xuyên. Hiện Kiên Giang đang có 1.285 ha nuôi tôm công nghiệp tập trung tại đây, chủ yếu là nuôi tôm thẻ chân trắng. Nhờ có sự đầu tư bài bản, được quản lý tốt mà hiện nay khu vực này không xảy ra dịch bệnh. Nhiều đơn vị nuôi đã bắt đầu thu hoạch tôm với năng suất đạt tới 16-17 tấn/ha. Thứ trưởng đánh giá rất cao về cách làm cũng như hiệu quả của mô hình nuôi công nghiệp tại đây.
|
Bất cập lớn nhất trong nuôi tôm hiện nay của Kiên Giang là hệ thống thủy lợi chưa hoàn chỉnh, chính vì vậy mà việc quản lý lịch thời vụ thả nuôi, nhất là mầm dịch bệnh còn gặp khó khăn. Kiên Giang cũng kiến nghị Trung ương ngoài việc đầu tư cơ sở hạ tầng, cần mở lớp tập huấn nghiệp vụ thú y thủy sản cho cán bộ để nâng cao trình độ, giúp nông dân phát triển sản xuất. Đồng thời hỗ trợ xây dựng mô hình nuôi tôm theo quy trình GAP cho tỉnh.
Kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Thị Xuân Thu cho rằng, tình hình biến đổi khí hậu đã và đang tác động rõ nét đến ĐBSCL. Bằng chứng là diễn biến thời tiết ngày càng bất thường, nhiệt độ tăng và thủy triều ngày càng cao. Chính những điều này đang gây bất lợi cho sản xuất, dịch bệnh ngày càng gia tăng. Vì vậy, cần phải có giải pháp ứng phó lâu dài, hiệu quả, nhất là công tác quy hoạch.
Trước mắt Kiên Giang cần phải tập trung xây dựng hoàn thiện tuyến đê biển để bảo vệ sản xuất, đầu tư nhiều hơn nữa cho hệ thống thủy lợi nội đồng. Quy hoạch hệ thống sản xuất giống để giảm lệ thuộc bên ngoài. Tăng cường công tác quản lý từ con giống, thức ăn, hóa chất xử lý, môi trường nuôi đến chế biến, xuất khẩu. Cần có sự gắn kết giữa phát triển nuôi trồng thủy sản với công tác thú y để phòng chống dịch bệnh hiệu quả. Phát triển hệ thống đào tạo nghề cho nông dân, nhất là về kỹ thuật nuôi tôm.
Thứ trưởng cũng đánh giá cao việc Kiên Giang đã xây dựng được hệ thống tổ Kinh tế kỹ thuật đến tận cấp xã. Qua đó, đã gắn kết giữa cán bộ kỹ thuật với người dân, hỗ trợ tốt cho sản xuất.
AGROINFO – Theo Báo Nông nghiệp Việt Nam
Nguồn: http://nongnghiep.vn/nongnghiepvn/vi-VN/61/158/2/2/2/78745/Default.aspx