Theo Cục trưởng Cục Trồng trọt Nguyễn Trí Ngọc, các địa phương vùng ĐBSH, miền núi phía Bắc và Bắc Trung bộ cần tập trung khẩn trương đẩy mạnh SX lúa vụ mùa, vụ hè thu 2011 bằng các giống ngắn ngày trên cơ sở thâm canh tăng năng suất để bù đắp cho sản lượng lúa bị giảm trong vụ xuân 2011.
Cục Trồng trọt cho biết chủ trương của Chính phủ là năm 2011 phấn đấu cả nước tăng 1 triệu tấn lúa (trong đó vùng ĐBSH, Bắc và Nam Trung bộ cần tăng 131.000 tấn). Tuy nhiên vụ ĐX năm nay, các tỉnh vùng ĐBSH gặp thời tiết bất thuận, làm giảm năng suất, sản lượng lúa. Do vậy mục tiêu vụ mùa phải tập trung chỉ đạo đồng bộ các giải pháp trên cơ sở điều kiện SX từng vùng, bố trí cơ cấu giống cây trồng và thời vụ hợp lý để đảm bảo SX an toàn, hiệu quả… Theo kế hoạch, vụ hè thu tại Bắc Trung bộ phấn đấu năng suất đạt 44,7 tạ/ha, tăng 6,2 tạ/ha so với vụ trước. Vụ mùa tại ĐBSH đạt 55,4 tạ/ha (tăng 0,2 tạ/ha), vùng Bắc Trung bộ đạt 45,3 tạ/ha (tăng 2,2 tạ/ha so với vụ trước).
Do vụ ĐX năm nay thu hoạch muộn hơn hàng năm từ 20-25 ngày nên thời vụ hè thu và vụ mùa bị đẩy lùi. Vì vậy Cục Trồng trọt đề nghị các địa phương bố trí thời vụ SX càng sớm càng tốt để đảm bảo kế hoạch gieo cấy. Các tỉnh Bắc Trung bộ bố trí thời vụ và lựa chọn cơ cấu giống phải đảm bảo thu hoạch trước ngày 5/9 (đối với vùng chạy lụt). Vùng lúa hè thu thâm canh thu hoạch chậm nhất là ngày 15/9. Vụ mùa sớm thu hoạch trong tháng 9, mùa chính vụ kết thúc cấy trước ngày 10/8. Tại vùng ĐBSH, các địa phương gieo mạ mùa sớm từ 5/6 đến 15/6, cấy cuối tháng 6 đầu tháng 7. Với mạ mùa trung gieo mạ từ 15/6, cấy trước 20/7. Mùa muộn gieo đầu tháng 7 và cấy trước ngày 30/7 với tuổi mạ khoảng 25-30 ngày, sẽ thu hoạch cuối tháng 10, đầu tháng 11, gồm một số giống phản ứng ánh sáng như các giống đặc sản, lúa lai hệ Bác ưu…
Cục Trồng trọt cũng khuyến cáo các địa phương tăng cường sử dụng các giống lúa cực ngắn và ngắn ngày (dưới 100 ngày) có năng suất cao, chất lượng khá, chống chịu được với sâu bệnh và điều kiện thời tiết bất lợi. Vùng có nguy cơ cao ảnh hưởng lũ tiểu mãn cần có kế hoạch chuyển đổi sang cây trồng cạn có thời gian sinh trưởng ngắn. Mỗi địa phương nên cơ cấu khoảng 4 giống lúa chủ lực và 4-5 giống lúa bổ sung để thuận lợi cho việc quản lý giám sát sâu bệnh hại lúa. ĐBSH cần chuyển mạnh cấy trà mùa sớm, mở rộng diện tích gieo thẳng, sạ hàng, tăng diện tích lúa hàng hóa, lúa thơm, lúa nếp cho giá trị cao…
TS Lê Hưng Quốc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Giống cây trồng Việt Nam cho rằng: Cục Trồng trọt cơ cấu một số giống cực ngắn vào SX vụ mùa là hợp lý trong điều kiện thời vụ ngắn như năm nay. Nhưng giống ngắn ngày mà năng suất tụt thì nông dân không làm đâu (!). Đã ngắn ngày phải đảm bảo được năng suất, chất lượng. Hiện giờ SX lúa hàng hóa dưới 6 tấn là không thành công. “Về thâm canh lúa mùa, phải tranh thủ thời vụ, áp dụng phương thức gieo mạ đơn giản như một số nơi đã làm, như cắt một góc 5m2 ruộng để gieo mạ sớm. Khi gặt xong là có mạ xúc ra cấy ngay”.
Cũng theo ông Quốc, năm nay vụ xuân thu hoạch muộn, vì thế vụ mùa thời gian làm đất ngắn. Nếu thời tiết nóng, cày vật rạ sau đó gieo cấy ngay, lúa sẽ bị vàng lá, nghẹt rễ. Nếu không có giải pháp kỹ thuật giải độc đất ngay đầu vụ sẽ ảnh hưởng đến năng suất lúa mùa. Khó khăn nhất đối với vụ mùa, vụ hè thu là tình trạng thiếu giống, nhất là giống chuyển vụ dễ dẫn đến việc phải cấy giống kém chất lượng. Vì vậy ông Quốc đề nghị các DN có tính toán thích hợp để chuyển giống lúa thuần ngắn ngày từ Nam Trung bộ ra và chuẩn bị sớm các nguồn giống lúa thuần, lúa lai đáp ứng đầy đủ, kịp thời giống cho SX. “Để giảm thiệt hại thấp nhất do thiên tai, các địa phương cần tăng cường ứng dụng TBKT trong canh tác lúa. Đồng thời có kế hoạch điều tiết nguồn nước, bảo đảm đủ nước gieo cấy. Vùng nào không đủ nước tưới nên mạnh dạn chuyển sang cây màu chịu hạn”, ông Quốc nêu ý kiến.
Theo Cục trưởng Cục Trồng trọt Nguyễn Trí Ngọc, để nâng cao hiệu quả SX, các địa phương cần có chính sách hỗ trợ khâu làm đất như chi phí xăng, dầu cho cơ giới hóa để làm đất nhanh, cấy kịp thời vụ. Đồng thời có chính sách hỗ trợ và khuyến cáo những giống lúa mới ngắn ngày, chất lượng, đặc biệt là giống có TGST dưới 100 ngày…
Vùng hè thu chạy lụt yêu cầu thu hoạch trước 15/9, sử dụng các giống lúa có TGST dưới 100 ngày như Việt lai 20, Việt lai 24, Q.ưu 6, PAC 807, Vật tư NA1, nếp IRRI 352, DT122 và một số giống lúa thuần cực ngắn mới được công nhận nhưu PC6, P6ĐB.
Vùng hè thu còn lại yêu cầu thu hoạch trước 15/9, sử dụng các giống có TGST dưới 100 ngày như Q.ưu 1, Khải phong số 7, Khải phong số 1, Nhị ưu 838, Nhị ưu 986, D.ưu 527, TH3-3, TH3-4, TH3-5, HYT100, HYT102, HC1, D.ưu 6511, XL94017, N. ưu 69, Đắc ưu 11, Nghi hương 2308, Bio404, Thiên nguyên ưu 16, LC25, Thiên ưu 128, Thiên ưu 998, Bồi tạp Sơn Thanh, Bồi tạp 49 và các giống lúa thuần Khang dân 18, Khang dân đột biến, TBR36, Q5, Hương thơm số 1, Bắc thơm 7, Nàng Xuân, HT6, HT9, nếp 97, nếp 98… nếu phải cấy muộn thì sử dụng các giống lúa theo cơ cấu vùng chạy lụt.
Về giống lúa mùa, gieo cấy trà mùa sớm gồm các giống cực ngắn như NA1, DT122, PC6, P6 ĐB, giống lúa ngắn ngày KD18, HT1, Q5, TBR36, BT7, Khang dân đột biến, ĐV108, HT6, HT9, IRRi352, Nàng xuân, VL20, VL24, D.ưu 527, Khải phong số 1, Q ưu số 1, Syn 6, Thục Hưng 6, CNR36, N.ưu 69, Dương quang 18, CT16, Quốc hào 1, HYT100, D.ưu 6511, TX111, Đại dương 1, Đắc ưu 11, C ưu đa hệ số 1, TH3-3, TH3-4, TH3-5, HYT102, HC1, HYT108, Bồi tạp Sơn Thanh, Bồi tạp 49, Thiên nguyên ưu 16… Giống lúa trung ngày như Nhị ưu 986, Nhị ưu 725, XL 94017, Bte-1, Nhị ưu 838, Kim ưu 725, Nam dương 99, Nghi hương 305, Nghi hương 2308, BC15, N97, N98…
|
AGROINFO – Theo Báo Nông nghiệp Việt Nam
Nguồn: http://nongnghiep.vn/nongnghiepvn/vi-VN/61/158/2/2/2/78628/Default.aspx