Nhiều kế sách thoát khủng hoảng
Để bình ổn giá lương thực, các quốc gia đã triển khai nhiều biện pháp hành động. Theo một số nguồn tin, năm 2010, các nước Arập đã chi khoảng 30 tỷ USD nhập khẩu lương thực, trong đó nhập khẩu lúa mỳ chiếm tới 33%, trị giá gần 10,5 tỷ USD. Các nước Arập cũng tính tới chuyện xây dựng một chiến lược tham vọng trị giá 65 tỷ USD trong vòng 20 năm tới nhằm tăng sản lượng và cắt giảm nhập khẩu lương thực.
|
Cánh đồng lua thâm canh theo phương pháp SRI ở Mỹ Đức - Chương Mỹ - Hà Nội |
Tại Venezuela, Chính phủ nước này cũng đã quốc hữu hóa 18 công ty lương thực nhằm ngăn chặn nạn đầu cơ.
Chính phủ Ấn Độ đã đưa ra những biện pháp giảm giá lương thực, trong đó chú trọng gia tăng nguồn cung cho thị trường. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Ấn Độ Sharad Pawar cho biết, Chính phủ sẽ bán ra lượng lương thực lớn đang tồn kho, cho phép nhập khẩu đường miễn thuế và yêu cầu chính quyền các bang cắt giảm thuế đánh vào các mặt hàng thực phẩm.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ Tom Vilsack khẳng định, thế giới hoàn toàn có thể tránh được cuộc khủng hoảng giá lương thực toàn cầu nếu phản ứng có hiệu quả trên quy mô quốc gia lẫn toàn cầu. Ông Vilsack nhấn mạnh, để tránh một cuộc khủng hoảng lương thực mới, các nước cần tăng cường hợp tác giúp những người dễ bị tổn thương nhất vượt qua khó khăn của sự gia tăng giá lương thực và đặt nền tảng chắc chắn nuôi sống dân số toàn cầu đang tăng nhanh. Trong ngắn hạn, cần tăng cường sự minh bạch và thúc đẩy lưu thông tự do các nguồn cung cấp lương thực trên toàn cầu; trong dài hạn, cần nỗ lực tăng năng suất, thúc đẩy buôn bán hàng hóa nông nghiệp.
Theo ông Vilsack, nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G-20) phải đi đầu trong hợp tác với các nước khác nhằm hỗ trợ thu thập, nâng cao chất lượng các dữ liệu và phổ biến thông tin về thị trường mua bán trực tiếp lương thực, đồng thời giúp cải thiện hệ thống dự báo thời tiết phục vụ hoạt động sản xuất nông nghiệp. G-20 cần đóng góp tích cực hơn vào chương trình nông nghiệp và an ninh lương thực toàn cầu của Ngân hàng Thế giới (WB) nhằm hỗ trợ các nước thu nhập thấp tăng sản lượng lương thực và phản ứng tốt hơn đối với giá lương thực tăng cao và những biến động lớn.
Một trong những lời giải cho bài toán bình ổn giá lương thực thế giới là, các quốc gia cần xây dựng chiến lược bài bản, cụ thể trong kiểm soát giá cả. Bên cạnh đó, cần phối hợp chặt chẽ, nâng cao trách nhiệm trong việc bảo vệ môi trường, đảm bảo an ninh lương thực (ANLT), tránh đối mặt với những thách thức do khủng hoảng lương thực mới gây ra.
Việt Nam cần làm gì?
TS. Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) cho rằng: "Việt Nam đóng góp trên 20% lượng gạo thương mại trên thế giới nên việc tăng giảm lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam đóng vai trò quan trọng đối với ANLT toàn cầu. Với kinh nghiệm năm 2008, tôi tin rằng chính quyền và các ngành chức năng có liên quan về ANLT của Việt Nam sẽ có giải pháp thích hợp cho thị trường lúa gạo trong nước và xuất khẩu. Vấn đề là, Việt Nam cần có giải pháp sản xuất lúa gạo bền vững để đảm bảo ANLT quốc gia; có chính sách giải quyết thỏa đáng việc phân phối lợi nhuận trong chuỗi giá trị lúa gạo cho công bằng giữa người sản xuất và doanh nghiệp xuất khẩu".
|
Nhiều chuyên gia cho rằng, để phát triển nhanh và bền vững, Việt Nam cần tập trung thực hiện các chính sách ổn định diện tích đất trồng lúa; có chính sách tín dụng ưu đãi và khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn; tăng cường đầu tư cho hệ thống thuỷ lợi; đẩy mạnh cơ giới hoá trong sản xuất, chế biến; cải tiến về giống và đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong canh tác, phòng trừ sâu bệnh, giảm tổn thất trong và sau thu hoạch; tổ chức lại sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ; nâng cao thu nhập cho người trồng lúa gắn với phát triển nông thôn ngày càng văn minh, hiện đại. Xây dựng vùng trồng lúa theo tiêu chuẩn GAP và định vị thương hiệu gạo của Việt Nam.
Công tác điều hành sản xuất, phân phối, lưu thông bình ổn giá lương thực phải bảo đảm cho người trồng lúa có thu nhập hợp lý. Chính phủ cần thành lập Uỷ ban chính sách về gạo, có trách nhiệm nghiên cứu, đề xuất và thi hành các chính sách liên quan đến sản xuất, tiêu thụ lúa gạo. Uỷ ban này có nhiệm vụ đánh giá chỉ đạo sản xuất nông nghiệp cân đối với tiêu dùng hàng năm, đảm bảo tính nhất quán và chính xác để vừa ổn định thị trường và ANLT quốc gia, vừa không để lỡ cơ hội xuất khẩu. Hiện nay, việc xuất khẩu gạo và điều hoà lương thực chủ yếu do Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) phụ trách, nhưng trên thực tế VFA còn thiếu kế hoạch và tính hiệu lực cần thiết. Vì vậy, Uỷ ban này ra đời sẽ góp phần phối hợp hài hoà, thống nhất giữa các bộ, ngành, các chủ thể tham gia thị trường lương thực, nhằm sử dụng các nguồn lực có hiệu quả.
Cần tăng cường dự trữ lương thực cả ở cấp quốc gia và doanh nghiệp (DN). Chính phủ cần có quỹ dự phòng để hỗ trợ nông dân khi gặp thiên tai hoặc các DN khi làm nhiệm vụ bình ổn giá. Quỹ này có quy mô phù hợp với tăng trưởng kinh tế và cân đối ngân sách nhà nước, là công cụ hữu hiệu điều tiết vĩ mô về ANLT quốc gia. Nguồn vốn này sẽ được dùng để hỗ trợ lãi suất tín dụng cho các DN mua dự trữ lương thực. Bộ Nông nghiệp và PTNT cần đầu tư xây dựng các kho tạm trữ lúa cho khu vực ĐBSCL.
Cần tổ chức lại các DN xuất khẩu lương thực cho phù hợp với tình hình mới. Năm 2010 đã có 264 DN tham gia xuất khẩu gạo, nhưng chỉ có 30 DN thực sự đủ năng lực làm gạo xuất khẩu. Trong đó, nhiều DN năng lực yếu kém, chỉ tham gia xuất khẩu khi có lợi và mới chỉ làm được "phần ngọn" của quá trình sản xuất, chế biến, lưu thông, xuất khẩu.
Để tự tin trong cạnh tranh xuất khẩu gạo với DN nước ngoài, các DN trong nước phải chủ động nguồn cung chất lượng cao và nguồn khách hàng tiêu thụ. Muốn giữ khách hàng truyền thống, đồng thời mở thị trường và đối tác mới, cần thực hiện liên kết "bốn nhà", trước hết với nông dân để chủ động nguồn cung gạo xuất khẩu thông qua: xây dựng kho dự trữ lớn, đầu tư vùng nguyên liệu lúa chất lượng cao, xây dựng các nhà máy chế biến gạo xuất khẩu, nhà máy sản xuất phân bón, thuốc bảo vệ thực vật…
Cần làm tốt công tác dự báo thị trường lương thực. Năm 2008, Việt Nam bỏ lỡ cơ hội xuất khẩu gạo khi giá gạo thế giới lên đến trên 1.000USD/tấn do không dự báo đúng sản lượng lúa gạo trong nước. Trong báo cáo triển vọng lương thực, FAO đã đưa ra nhận định, giá lương thực toàn cầu trong năm 2011 có thể tăng 10-20% do mất mùa và giảm sút các nguồn dự trữ toàn cầu. Như vậy, trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam cần chủ động tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức trong việc bảo đảm ANLT quốc gia và góp phần bảo đảm ANLT thế giới với tư cách là quốc gia xuất khẩu gạo đứng thứ 2 thế giới và là thành viên tích cực của nhiều tổ chức kinh tế quốc tế.
Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, để tăng thêm 1 triệu tấn lúa trong năm 2011 như chỉ đạo của Chính phủ, sẽ cần triển khai nhiều giải pháp đồng bộ như chuyển đổi thời vụ, bố trí giống hợp lý trên cả nước.
Cụ thể, các tỉnh ĐBSCL và Đông Nam Bộ sẽ phấn đấu trong năm 2011 xuống giống hơn 4,47 triệu hecta, ước tính năng suất bình quân toàn vùng đạt 54,5 tạ/ha, sản lượng 24,38 triệu tấn, tăng 869.332 tấn so với năm 2010. Cùng với đó, tại các vùng trồng lúa khác như Đồng bằng sông Hồng và Trung Bộ cần tăng khoảng 131.000 tấn.
|
AGROINFO – Theo Báo Kinh tế nông thôn
Nguồn:http://kinhtenongthon.com.vn/Story/VandeSukien/2011/5/28475.html