Theo Tổng cục Thủy lợi, năm 2008 Chính phủ ban hành Nghị định số 115, quy định về miễn thuỷ lợi phí đối với nông dân được giao đất sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản và làm muối (trong hạn mức đất được giao). Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi Vũ Văn Thặng cho biết, hầu hết các tỉnh đều đánh giá cao chính sách miễn giảm TLP, đáp ứng chủ trương giảm bớt một phần chi phí đóng góp của người dân. Không còn tình trạng giấu diện tích trong hợp đồng tưới tiêu giữa các tổ chức quản lý, khai thác công trình thủy lợi (KTCTTL) với các tổ chức của người dân. Nhiều diện tích tăng lên từ 3-5%, thậm chí có nơi tăng 10% diện tích so với trước khi miễn TLP; tình trạng nợ đọng TLP cũng hoàn toàn chấm dứt.
|
Nêu những vấn đề tồn tại trong công tác quản lý thủy nông, ông Thặng khẳng định nhiều công trình xuống cấp nhanh do không được duy tu bảo dưỡng đầy đủ, kịp thời như trạm bơm My Động (Hải Dương), hệ thống đóng mở các cống vùng triều ở Thái Bình, Nam Định và một số cống ngăn mặn ở ĐBSCL. Hàm lượng của các chất gây ô nhiễm trong nước ở hệ thống sông Nhuệ, sông Đáy đều vượt nhiều lần tiêu chuẩn cho phép…
Ông Thặng cho rằng mức thu thuỷ lợi phí hiện còn nhiều điểm bất hợp lý. Cụ thể việc lấy mức quy định của Nghị định 143 của Chính phủ làm cơ sở tính toán, trên cơ sở đó nhân với hệ số trượt giá (2,31 lần) để xác định mức thu quy định của Nghị định 115 là không phù hợp thực tế. Vì quan điểm mức thu tại Nghị định số 143 và 115 khác nhau. Với mức này, các vùng miền núi, Tây Nguyên sẽ gặp nhiều khó khăn do việc quản lý công trình thủy lợi trên địa bàn rộng, diện tích manh mún, chi phí quản lý, vận hành công trình cao nhưng mức thu quy định thấp, do vậy mức cấp bù rất thấp.
Theo mức thu quy định của Nghị định 115, kinh phí cấp bù cho các tỉnh ĐBSCL là rất lớn, mặc dù chỉ tính theo mức thu tạo nguồn. Khi thực hiện việc cấp bù kinh phí miễn TLP đối với các tỉnh không thể thực hiện theo quy định của Nghị định 115, vì nếu cấp đủ, các địa phương sẽ chuyển việc sử dụng nguồn kinh phí này theo hình thức xây dựng cơ bản… Mặc dù mức thu đối với nuôi cá lồng bè theo quy định của Nghị định 115 không điều chỉnh. Tuy nhiên theo phản ánh của người nuôi trồng thuỷ sản, mức thu 8-10% giá trị sản lượng là quá cao, không tạo điều kiện phát triển thủy sản cũng như không khuyến khích khai thác tổng hợp các công trình thủy lợi.
|
“Trong thực tế việc tạo nguồn tưới rất đa dạng, có công trình tạo nguồn đến kênh cấp 2, cấp 3 của tổ chức hợp tác dùng nước, có công trình chỉ tạo nguồn đến bể hút trạm bơm tưới của tổ chức hợp tác dùng nước, do vậy dễ nảy sinh tranh chấp. Các quy định hiện hành chưa đề cập đến khu vực phải bơm tưới nhiều bậc, chỉ một diện tích nhưng phải tưới nhiều bậc cũng chỉ được hưởng mức TLP như các vùng bơm một cấp. Từ đó dẫn tới mức miễn không đủ bù đắp cho các chi phí bơm tưới tiêu đối với các vùng diện tích được tưới từ 2 bậc trở lên", ông Thặng đánh giá.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Trần Ngọc Thới kiến nghị TƯ cấp ngân sách miễn giảm TLP cho tỉnh BR- VT như các địa phương khác trong vùng miền cả nước. Còn kinh phí mà tỉnh cân đối ngân sách địa phương cho việc miễn giảm TLP thì sẽ chuyển sang đầu tư kiên cố hóa kênh mương nội đồng… Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình, Phạm Văn Ca kiến nghị Chính phủ giao địa phương được linh hoạt điều chỉnh kinh phí nhằm chủ động xử lý cấp bách các công trình thủy lợi xuống cấp.
*Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát: Bộ NN-PTNT tiếp thu ý kiến của các địa phương về những bất cập của Nghị định 115. Bộ NN-PTNT sẽ kiến nghị Bộ Tài chính chủ trì, trình Chính phủ xem xét sửa đổi Nghị định số 115 nhằm khắc phục những tồn tại trong việc thực thi chính sách miễn giảm TLP. Các địa phương cần tăng cường hệ thống tổ chức quản lý Nhà nước, đặc biệt ở cấp huyện; hoàn thiện hệ thống tổ chức quản lý khai thác, đảm bảo quản lý khép kín các hệ thống CTTL.
* Đại diện Bộ Tài chính cho biết, năm 2008 ngân sách TƯ cân đối khoảng trên 1.000 tỷ đồng, năm 2009 cân đối trên 2.800 tỷ hỗ trợ các địa phương cấp kinh phí thực hiện miễn giảm TLP, năm 2010 bố trí trên 3.300 tỷ đồng, chưa kể các tỉnh tự đảm bảo ngân sách cấp bù. Năm 2011 ngân sách TƯ tiếp tục cấp khoảng 3.400 tỷ.
|
PGĐ Sở NN-PTNT Hà Nội, Trần Thanh Nhã cho hay, khi thực hiện miễn giảm TLP bộc lộ khó khăn do DN thủy nông và địa phương xác định vênh nhau diện tích gieo trồng. Hiện mới chỉ 7/29 huyện, thị có con số diện tích gieo trồng khớp với diện tích thống kê của thành phố. “Nghị định 115 chưa phân rõ mức thu của địa phương tạo nguồn nước. Từ 2008 đến nay Cty Thủy nông sông Nhuệ (Hà Nội) tạo nguồn nước cho huyện Kim Bảng, Duy Tiên (Hà Nam) nhưng chưa được hưởng chính sách cấp bù TLP”, ông Nhã nói.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Đào Xuân Học cho rằng chính sách miễn giảm TLP thực ra không phải là miễn hoàn toàn, chỉ miễn đến đầu kênh tưới. Trước đây có ý kiến miễn toàn bộ TLP, Ngân hàng ADB cho vay vốn đã phản ứng gay gắt bởi quan điểm của họ là nên giảm chứ không miễn. Giảm TLP dân mới biết sử dụng nước tiết kiệm và có ý thức hơn.
“Hiện nhiều tỉnh giao Cty KTCTTL là đầu mối quản lý thủy lợi. Sau đó DN hợp đồng với HTX hoặc các tổ chức, cá nhân để cung cấp nước đến mặt ruộng. Mô hình phân cấp quản lý này đang phát huy hiệu quả. Sắp tới Bộ NN-PTNT sẽ ban hành Thông tư quy định năng lực của tổ chức, cá nhân tham gia quản lý công trình thủy lợi. Bộ cũng tổ chức thí điểm việc đấu thầu quản lý, KTCTTL”, ông Học cho hay.
AGROINFO – Theo Báo Nông nghiệp Việt Nam
Nguồn:http://nongnghiep.vn/nongnghiepvn/vi-VN/61/158/2/2/2/78656/Default.aspx