Biến đổi khí hậu: Sản xuất nông nghiệp gặp khó

23/05/2011

Hiện tượng nắng hạn gay gắt kéo dài, mưa phùn kèm theo gió lạnh, rồi sương mù và độ ẩm cao đã ảnh hưởng đến hàng chục nghìn hecta càphê, cao su, điều, lúa, hoa màu ở các tỉnh Tây Nguyên. Tại Đắk Lắk, ước tính thiệt hại do thời tiết thất thường lên đến 466 tỷ đồng.

Chưa năm nào ở xã Ea Mdroh (Cư M'gar), hán hán lại diễn ra gay gắt như năm nay. Hơn 3 tháng qua, nắng nóng đã làm các con suối và ao hồ khô kiệt. Nhiều diện tích cây trồng chết rũ do thiếu nước tưới. Trong đó, 45ha lúa nước mất trắng, hơn 20ha càphê chết khô. Ông Y Gam Niê, Phó chủ tịch UBND xã Ea Mdroh than thở: "Hạn hơn 3 tháng, dân không có nước uống, ruộng khô hết cả rồi. Gieo cấy 50ha thì chỉ thu hoạch được 5ha thôi, năng suất cũng giảm 55 - 60%".
Vườn tiêu của nông dân xã Ea Wi (Ea H'leo - Đắk Lắk) bị chết do khô hạn.
 
Theo thống kê của Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và Giảm nhẹ thiên tai tỉnh Đắk Lắk, tổng diện tích cây trồng bị khô hạn của tỉnh tính đến thời điểm này là hơn 13.000ha, trong đó có gần 1.100ha bị mất trắng.
Trong khi nắng hạn diễn ra gay gắt, một số tiểu vùng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk lại có mưa phùn kèm theo gió lạnh. Thời tiết lạnh xuất hiện giữa mùa khô đã gây hậu quả nghiêm trọng cho sản xuất nông nghiệp tại các huyện Krông Pách, Krông Ana, Krông Bông, Ma Đrăk, Ea Kar, Ea Súp và Lắk. Gần 7.000ha lúa tại các huyện này đã bị nghẽn đòng không trổ bông. "Khi lúa đang ở giai đoạn 30-60 ngày tuổi thì gặp một đợt lạnh kéo dài, lúa chậm phát triển. Đến lúc cây lúa sắp trổ bông thì lại gặp đợt gió bấc mạnh nên đã gây thất thu lớn cho bà con. Tưới càphê đã cực, lúa lại mất hết, đói là chắc rồi", ông Nguyễn Văn Suy, nông dân xã Tân Tiến, huyện Krông Pách than thở.
Lúa nước gặp hạn ở huyện Ea Súp (Đắk Lắk).
 
Thời tiết biến đổi thất thường không chỉ gây thiệt hại nặng nề cho lúa mà còn khiến hơn 5.000ha điều tại Đắk Lắk bị thối hoa, không đậu quả. Chưa hết, tại một số tiểu vùng phía Nam thị xã Buôn Hồ và vùng giáp ranh giữa hai huyện Ea Kar và Krông Năng, hơn 2.000ha cao su đã bị rụng lá hàng loạt phải khai thác cầm chừng, làm giảm gần 60% sản lượng mủ. Ông Hồ Hữu Hiến, Giám đốc Nông trường Chư Bao, thị xã Buôn Hồ , nơi có hơn 1.300ha cao su bị rụng lá, cho biết: "Bệnh rụng lá còn kéo theo thối mốc miệng cạo nữa. Để khắc phục, chỉ còn cách ngừng khai thác".
Theo ông Nguyễn Đại Ngưỡng, Giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn tỉnh Đắk Lắk, nắng hạn gay gắt kéo dài, mưa phùn kèm theo gió lạnh, rồi sương mù và độ ẩm cao đã chia cắt thành những vùng tiểu khí hậu diễn biến phức tạp. Đây là hiện tượng chưa từng diễn ra tại Đắk Lắk. Trong khi đó, mực nước ngầm trong mùa khô năm nay giảm mạnh.
Để khắc phục tình trạng trên, chính quyền địa phương và cơ quan chức năng tỉnh đang tích cực triển khai các biện pháp giúp nông dân giảm bớt thiệt hại và thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu. Viện Nghiên cứu khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên đang phối hợp cùng chính quyền địa phương nhân rộng các mô hình đa dạng hóa cây lâu năm trong các vườn càphê. Đây được xem là giải pháp không những góp phần duy trì, phát triển hệ thống nông nghiệp bền vững mà còn tăng hàm lượng hữu cơ trong đất, tăng hiệu quả kinh tế.
AGROINFO – Theo Báo Kinh tế nông thôn

Nguồn:http://kinhtenongthon.com.vn/Story/kinhte-thitruong/AgriBank/2011/5/28395.html


Tin khác