Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bùi Bá Bổng cho biết: Các địa phương vùng Đông Nam Bộ hiện đứng đầu cả nước về nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao tiến bộ KH&CN nông nghiệp, đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đóng góp vào sự phát triển chung của cả nước.
Các tỉnh vùng Đông Nam Bộ đã tập trung nghiên cứu phát triển các giống rau, hoa, cây ăn trái, cây công nghiệp và dược liệu mang lợi thế đặc thù của từng vùng, đảm bảo nâng cao năng suất, chất lượng phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu. Nhiều nghiên cứu, ứng dụng có giá trị kinh tế cao như: mô hình trồng cà chua theo hướng nông nghiệp công nghệ cao tại các huyện Đơn Dương, Đức Trọng của Lâm Đồng với năng suất đạt trên 200 tấn/ha, mang lại hiệu quả kinh tế tăng 30%-50%; xây dựng và phát triển mô hình cây thanh long ruột đỏ có hiệu quả cao tại huyện Trảng Bom, Đồng Nai; mô hình thâm canh cây điều ghép tại Bình Thuận; các mô hình chăn nuôi theo hướng tăng năng suất, chất lượng, an toàn dịch bệnh; dự án sản xuất thịt lợn an toàn tại TP.Hồ Chí Minh đã hình thành Hợp tác xã chăn nuôi lợn an toàn Tiên Phong tại Củ Chi, sản xuất hơn 1.200 tấn thịt lợn an toàn cung cấp cho thị trường TP.Hồ Chí Minh…
Bên cạnh đó, các tỉnh đã chú trọng ứng dụng và chuyển giao tiến bộ đến các cơ sở sản xuất, hộ nông dân, nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, đồng thời xây dựng các mô hình hiệu quả, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học... Điển hình là mô hình quản lý rau an toàn từ khâu sản xuất đến tiêu thụ; ứng dụng nuôi cấy mô thực vật để phát triển một số cây trồng nông nghiệp của tỉnh Bình Thuận; dự án “công nghệ ủ phân hữu cơ vi sinh, công nghệ sản xuất chế phẩm vi sinh”, xử lý rác sinh hoạt sau phân loại để sản xuất phân hữu cơ vi sinh bán thành phẩm với quy mô 100 tấn/ngày…
Giai đoạn 2011-2015, vùng Đông Nam Bộ tiếp tục đầu tư xứng đáng cho KH&CN để tạo ra những sản phẩm có giá trị, năng suất cao, cũng như tạo sản phẩm quốc gia./.
AGROINFO – Theo Báo Điện tử Đảng Cộng sản
Nguồn: http://cpv.org.vn/cpv/Modules/News/NewsDetail.aspx?co_id=30065&cn_id=459894